VnReview
Hà Nội

Dịch Covid-19: Những tưởng ngành trực tuyến hưởng lợi, FPT Online lại "cài số lùi"

Trong đại dịch Covid-19, cả nền kinh tế lao đao, ngoại trừ một số ngành đặc thù trong đó có trực tuyến. Thế nhưng, FPT Online lại gây bất ngờ khi cài số lùi.

FPT Online "cài số lùi"

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ sau Tết Nguyên đán và ngày càng có diễn biến phức tạp hơn. Các thị trường gần như"đóng băng" suốt gần 3 tháng qua, trừ những hoạt động trực tuyến.

Vì vậy, là một trong những anh cả ngành này, Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) được kỳ vọng sẽ có bước tiến vượt bậc trong quý I/2020. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

FPT Online vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với các chỉ tiêu đi lùi. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 103 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 115 tỷ đồng của quý I/2019.

Trong kỳ, FPT Online đã nỗ lực tiết giảm chi phí bằng cách cắt giảm hơn 50% chi phí quản lý doanh nghiệp, từ 22,8 tỷ đồng xuống chỉ còn 11 tỷ đồng.

Theo chuẩn mực kế toán, chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm cả tiền lương. Trong kỳ, chi phi nhân công tại FPT Online chỉ là 25,3 tỷ đồng, giảm 18,7 tỷ đồng, tương đương 42,5% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ từ 3,8 tỷ đồng lên 4,5 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận của FPT Online vẫn giảm sâu. Lợi nhuận sau thuế quý I/2020 của FPT Online đạt 37,2 tỷ đồng, giảm 4,5 tỷ đồng, tương đương 10,8% so với quý I/2019.

Bất ngờ mà không bất ngờ

Khi giãn cách xã hội, doanh thu của các công ty trực tuyến ở Trung Quốc tăng rất mạnh nhưng FPT Online lại đi lùi. Đây là điều bất ngờ nhưng sẽ không bất ngờ nếu biết lĩnh vực hoạt động của FPT Online.

FPT Online hoạt động chính trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, game online, âm nhạc trực tuyến,… Tuy nhiên, đây không phải sản phẩm chính của FPT Online. Công ty này tập trung vào các mảng hoạt động nội dung số trên lãnh thổ Việt Nam và cho cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

Các dịch vụ nội dung số của FPT Online bao gồm VnExpress.net, Ngoisao.net và iOne.net, mạng xã hội Vitlak.vn và các dịch vụ giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, công ty còn tham gia vào thị trường quảng cáo trực tuyến từ năm 2001 với sản phẩm eClick.

Hiện FPT Online là một trong những đơn vị quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quý I/2020 khi mà đa số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu quảng cáo trực tuyến sẽ sụt giảm dẫn tới FPT Online phải "cài số lùi". Trong quý II/2020, đà sụt giảm có thể còn mạnh hơn.

"Đại gia" tiền mặt

Doanh số sụt giảm khiến FPT Online phải cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí nhân công. Nhưng thực tế, FPT Online vẫn rất rủng rỉnh khi sở hữu lượng tiền khổng lồ.

Tại thời điểm 31/3/2020, FPT Online có hơn 420 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Ngoài ra, công ty còn sở hữu 441 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Như vậy, riêng tiền và các khoản có thể nhanh chóng chuyển thành tiền của FPT Online đã lên đến 861 tỷ đồng, cao gấp gần 6 lần vốn góp chủ sở hữu.

Điều đó có nghĩa "của để dành" của FPT Online là rất lớn. Công ty có nhiều dư địa để đối phó với đại dịch Covid-19.

Cổ phiếu "hồi phục"

Dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng FPT Online vẫn là thuộc ngành chịu ảnh hưởng ít nhất. Vì vậy, suốt những tháng đầu năm 2020, cổ phiếu FOC chỉ giảm nhẹ trong quý I/2020 và đang có xu hướng phục hồi trong nửa đầu tháng Tư.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 31/3, phiên cuối cùng của quý I/2020, FOC dừng ở mức 104.200 đồng/CP, giảm 21.800 đồng/CP, tương đương 17,3% so với ngày 31/12/2019. Vốn hóa thị trường FPT Online "bốc hơi" 322 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng Tư, FOC lấy lại được đà tăng nhẹ. Chốt phiên 15/4, FUC đạt 123.100 đồng/CP, tăng 18.900 đồng/CP, tương đương 18,1%. Vốn hóa thị trường FPT Online lấy lại được 279 tỷ đồng.

Theo báo Dân Việt

Chủ đề khác