VnReview
Hà Nội

Châu Âu lo ngại việc Trung Quốc thâu tóm các công ty công nghệ

Châu Âu đang dè chừng hơn tới việc các công ty công nghệ Trung Quốc âm thầm thâu tóm một số công ty công nghệ quan trọng của châu Âu.

Châu Âu từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn của các công ty Trung Quốc muốn đầu tư và mua lại. Khi nhiều công ty công nghệ tại châu Âu đang lao đao vì đại dịch Covid-19, đây có thể là cơ hội lớn để các công ty Trung Quốc tiếp cận và thâu tóm nhiều công nghệ quan trọng của châu Âu.

Theo một nhà phân tích, các công ty công nghệ chủ chốt của châu Âu là những đối tượng dễ bị tổn thương vì đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, một chính trị gia hàng đầu tại Liên minh châu Âu đã thúc giục các nước cần chung tay ngăn chặn nguy cơ nhiều công ty Trung Quốc nhảy vào thâu tóm những công ty này.

Sự bùng phát đại dịch Covid-19 đang khiến thị trường chứng khoán ở nhiều quốc gia lao đao, qua đó làm sụt giảm một lượng lớn giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ. Đặc biệt, các hãng chuyên về viễn thông, bán dẫn ở châu Âu đang phải chịu thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

Cụ thể, giá trị cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị mạng Phần Lan Nokia đã giảm 9,6% từ đầu năm đến nay. Đối thủ của Nokia là Ericsson cũng hứng chịu mức giảm 2%. Một số công ty chip khác tại Châu Âu như Infineon và STMicro cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 20% và 7,5%.

Neil Campling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu viễn thông, truyền thông và công nghệ tại hãng tư vấn Mirabaud Securities chia sẻ với CNBC: "Tôi muốn nói rằng Châu Âu đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi lục địa già đang tụt hậu sau cả Mỹ và Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế và sáng tạo".

Ông nói thêm: "Trung Quốc đã có một thời gian dài áp dụng chính sách bỏ tiền ra mua các công ty công nghệ hơn là tự phát triển để nhanh chóng mở rộng quy mô. Và chắc chắn, sự gián đoạn gần đây và giá trị thị trường thấp của nhiều công ty sẽ mang đến cơ hội cho họ".

Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần thâu tóm các công ty công nghệ lớn tại Châu Âu. Hồi năm 2016, gã khổng lồ công nghệ Tencent đã mua lại phần lớn cổ phần của nhà sản xuất game di động Phần Lan Supercell. Hay như hãng sản xuất thiết bị điện gia dụng Midea của Trung Quốc đã mua lại công ty robot Kuka của Đức. Năm ngoái, Ant Financial, công ty con của Alibaba đã mua lại sàn giao dịch tiền tệ WorldFirst có trụ sở tại Anh Quốc.

Nỗi lo lắng về việc Trung Quốc mua lại ngày càng nhiều công ty công nghệ tại Châu Âu

Theo Financial Times , ủy viên của EU Margrethe Vestager đã đưa ra đề xuất về việc các quốc gia châu Âu nên quan tâm nhiều hơn đến việc nắm giữ cổ phần trong các công ty công nghệ chủ chốt, nhằm ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc thâu tóm các công nghệ quan trọng.

Trong bối cảnh thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết thì mặt khác, cuộc chiến về uy quyền công nghệ vẫn đang âm thầm diễn ra. Trọng tâm của cuộc chiến là quốc gia nào sẽ thống trị thế hệ mạng 5G và trí tuệ nhân tạo. Điều đáng buồn là châu Âu lại đang bị cuốn vào cuộc chiến đó, đặc biệt là mạng 5G, thế hệ mạng di động hứa hẹn sẽ giúp nâng cao khả năng truyền dữ liệu và mở rộng cơ sở hạ tầng.

Nếu như phía Mỹ đã có những quyết sách cứng rắn như cấm cửa Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại nước này, đồng thời đưa vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia thì châu Âu cũng không thể thoát khỏi cuộc chiến trên. Từ giữa năm ngoái, Mỹ đã liên tục hối thúc các đồng minh châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý cần sớm loại bỏ Huawei khỏi danh sách các nhà cung cấp mạng 5G nếu vẫn muốn được chia sẻ thông tin tình báo và bảo vệ an ninh quốc gia.

Châu Âu cũng là quê hương của hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu với Huawei, đó là Ericsson và Nokia.

Với việc Vestager đưa ra những cảnh báo đanh thép liên quan đến Trung Quốc, châu Âu có thể sẽ chú ý nhiều hơn tới bất kỳ hoạt động mua lại hoặc thâm tóm các công ty công nghệ quan trọng của Trung Quốc.

Campling cho rằng: "châu Âu sẽ sớm cảnh giác trong vấn đề kiểm soát Trung Quốc tham gia các thương vụ mua bán. Giờ đây châu Âu đang giống như Mỹ trong hai năm qua. Sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào cho Trung Quốc để ý tới các công ty lớn của châu Âu vì tất cả họ đều có các mảng kinh doanh và khách hàng tại Mỹ. Và Mỹ có thể sẽ chặn bất kỳ thỏa thuận nào như vậy".

Vestager nhận định, giờ đây các giao dịch thâu tóm nhỏ ở Châu Âu của Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với những rào cản lớn từ giới chức EU.

Mai Huyền

Chủ đề khác