VnReview
Hà Nội

Giá dầu thô Mỹ sụp đổ, âm lần đầu tiên trong lịch sử. Chuyện gì đã xảy ra?

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia đóng cửa, hạn chế đi lại, làm nhu cầu xăng dầu giảm trong khi các thương nhân cố gắng dọn sạch dầu thô tồn trong kho.

Giá dầu sụp đổ: giải mã "thủ phạm" dầu đá phiến Mỹ (kỳ I)

Giải mã "thủ phạm" dầu đá phiến Mỹ: Vắt đá ra dầu (kỳ II)

Cách mạng dầu khí đá phiến Mỹ (kỳ III)

Giá dầu thô của Hoa Kỳ lần đầu tiên rơi xuống vùng giá âm trong lịch sử khi nhu cầu bốc hơi bởi đại dịch virus corona chủng mới khiến thế giới tràn ngập dầu và không đủ dung lượng cất trữ - có nghĩa là các nhà sản xuất đang trả tiền cho người mua để họ rước dầu về cho.

West Texas Intermediate hay WTI, điểm chuẩn của dầu thô Hoa Kỳ, giao dịch thấp tới mức - 40,32 đô la một thùng trong một ngày hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ. Giá thanh toán vào thứ Hai (theo giờ Mỹ) là - 37,63 đô la so với 18,27 đô la vào thứ Sáu. Các thương nhân bị buộc phải đối mặt với thực tế khả năng lưu trữ trên khắp Hoa Kỳ hạn chế, bao gồm cả điểm giao hàng chính là Cushing, Oklahoma.

Giá dầu thô Mỹ sụp đổ, âm lần đầu tiên trong lịch sử. Chuyện gì đã xảy ra?

Theo Financial Times, sự sụp đổ này là một đòn giáng mạnh cho ông Donald Trump, người đã hết sức nỗ lực bảo vệ ngành dầu mỏ, bao gồm cả ủng hộ Opec và Nga cắt giảm sản xuất và cam kết hỗ trợ cho ngành.

Sau khi giá dầu thô giảm, ông Trump nhiều lần lặp lại kế hoạch của Mỹ về lập các kho dự trữ xăng dầu chiến lược do liên bang kiểm soát để lưu trữ dầu dư thừa. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã từ chối tài trợ cho việc mua dầu thô của liên bang khi Nhà Trắng lần đầu tiên đề xuất ý tưởng này vài tuần trước, nhưng Bộ Năng lượng cũng đã xem xét khả năng cho nhà sản xuất dầu thuê kho dự trữ.

Ngành khai thác dầu đá phiến đã biến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua, trao cho tổng thống một công cụ chính sách đối ngoại mà ông gọi là sự thống trị năng lượng của Hoa Kỳ. Trớ trêu là hiện nó đang phải đối mặt với sự suy giảm nhanh chóng.

Tại sao giá dầu giảm?

Giá âm là dấu hiệu mới nhất cho thấy độ sâu của cuộc khủng hoảng tấn công ngành dầu mỏ sau khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới khóa chặt do đại dịch Covid-19. Nhu cầu dầu thô giảm tới 1/3, khiến ngành công nghiệp này phải đối mặt với điều mà nhà phân tích Jason Gammel của hãng Jefferies gọi là Triển vọng vĩ mô dầu ảm đạm nhất mà ông từng thấy.

Tuy nhiên xu hướng giá dầu giảm còn có nguyên nhân khác. Đó là việc Ả Rập Saudi, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, đã phát động cuộc chiến giá cả vào hồi đầu tháng Ba. Động thái này diễn ra sau khi liên minh giữa tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, dẫn đầu là Ả Rập Saudi và Nga tan vỡ.

Theo CNN, Ả Rập Saudi và Nga đã cùng nhau thành lập liên minh được gọi là OPEC + vào năm 2016 sau khi giá dầu giảm xuống mức 30 USD / thùng. Kể từ đó, hai nhà xuất khẩu hàng đầu đã cắt giảm nguồn cung 2,1 triệu thùng mỗi ngày. Ả Rập Saudi muốn tăng con số đó lên 3,6 triệu thùng cho đến năm 2020 để tính đến mức tiêu thụ yếu hơn.

Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin, lo lắng về việc nhượng quá nhiều dư địa cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ, đã từ chối tuân theo kế hoạch và bộ trưởng năng lượng Alexander Novak hôm thứ Sáu (6/3/2020) đã báo hiệu một cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần khi ông nói rằng các nước có thể sản xuất nhiều bao nhiêu tùy ý kể từ ngày 1/4/2020.

Giá dầu thô Mỹ sụp đổ, âm lần đầu tiên trong lịch sử. Chuyện gì đã xảy ra?

Tại sao Saudi lại phát động cuộc chiến giá cả?

Những sự khác biệt âm thầm về cách tốt nhất để quản lý thị trường dầu toàn cầu đã bộc lộ ra ngoài tại cuộc họp giữa OPEC và Nga ở Vienna vào ngày 6/3/2020. Sau khi Nga tuyên bố sẽ từ bỏ liên minh, Ả Rập Xê Út cảnh báo Nga sẽ hối hận về quyết định này.

Moscow đã trở nên mệt mỏi với việc cắt giảm sản xuất để ổn định giá cả và cảm thấy rằng chính sách hạn chế nguồn cung đã tạo thêm cơ hội cho các công ty đá phiến của Mỹ phát triển. Mikhail Leontiev, người phát ngôn của công ty dầu mỏ Nga Rosneft, đã mô tả thỏa thuận OPEC + là "chủ nghĩa bạo dâm".

"Bằng cách ghim sản lượng, chúng ta loại bỏ dầu Ả Rập và Nga giá rẻ để dọn chỗ cho dầu đá phiến đắt tiền của Mỹ và đảm bảo hiệu quả sản xuất của nó", ông nói với truyền thông Nga hôm 8/3.

Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu số một trên thế giới và dự kiến sẽ bơm khoảng 13 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm nay.

Cuối tuần đầu tháng Ba, Ả Rập Xê Út đã quyết định đấu tranh giành thị phần lớn hơn bằng cách giảm giá cho khách hàng từ 4 đến 7 đô la một thùng. Vương quốc này cũng được lên kế hoạch nâng sản lượng lên hơn 10 triệu thùng mỗi ngày.

Virus corona mới có ảnh hưởng gì?

Virus corona đã làm suy yếu nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi hiện là nhà nhập khẩu dầu thô số một.

Các nhà máy tạm dừng hoạt động và hàng ngàn chuyến bay bị hủy trên toàn thế giới khi dịch Covid-19 bắt đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc tư tháng 12 năm ngoái, đã trở thành đại dịch toàn cầu. Nhu cầu đi lại cũng giảm mạnh do nhiều nước quyết định giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển.

Giá dầu thô Mỹ sụp đổ, âm lần đầu tiên trong lịch sử. Chuyện gì đã xảy ra?

Những quốc gia nào sẽ bị tổn thương nhiều nhất?

Một cuộc chiến giá cả trong lúc nhu cầu sụp đổ không phải là một công thức cho sự ổn định của dầu thô.

Thật khó để thấy bất kỳ người chiến thắng nào: các nước sản xuất dầu lớn sẽ mất tiền bất kể thị phần mà họ có thể lấy lại. Nga tuyên bố là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã buộc nó trở nên hiệu quả hơn và ít chịu tổn thất nhất vì ngân sách hàng năm của họ dựa trên mức giá trung bình khoảng 40 đô la một thùng.

Các quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu với chi phí thấp nhất - ước tính khoảng 2 - 6 đô la một thùng ở Ả Rập Saudi, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - nhưng do chi tiêu chính phủ cao và trợ cấp hào phóng cho công dân, họ cần một mức giá trong khoảng 70 đô la một thùng hoặc cao hơn để cân bằng ngân sách của họ.

Các quốc gia phụ thuộc dầu mỏ đã phải chịu đựng nhiều năm xung đột, nổi dậy hoặc trừng phạt sẽ phải trả giá đắt nhất. Iraq, Iran, Libya và Venezuela đều thuộc loại đó. Nhưng Hoa Kỳ cũng sẽ không trốn thoát. Sự bùng nổ dầu đá phiến đã mang lại một cơn gió kinh tế cho một số bang và giá thấp sẽ bóp nghẹt các công ty dầu mỏ.

Nhưng đó là ở mức giá còn chấp nhận được, tức là quanh vùng trên dưới 40 đô la/ thùng. Giờ đây, giá dầu thô WTI đã xuống mức âm, thị trường dầu chao đảo thì khó có nước sản xuất dầu nào lại có thể khẳng định chúng tôi ít bị ảnh hưởng.;  

Vinh Hiển

Chủ đề khác