VnReview
Hà Nội

Flagship không còn là động lực sáng tạo smartphone nữa

Nhiều smartphone cao cấp hiện nay đang rơi vào thế bị động khi chỉ hoàn thiện những thứ sẵn có từ phiên bản tiền nhiệm, thay vì dám mạo hiểm mang đến những cải tiến để dẫn đầu công nghệ.

Kết quả là khiến thị trường di động trở nên bão hòa với vô vàn flagship na ná nhau từ tính năng cho đến thiết kế

Trong nhiều năm, đa số đổi mới đều xoay quanh sức mạnh vi xử lý và công nghệ màn hình. Nhưng từ đó đã khiến khoảng cách giữa các sản phẩm dần thu hẹp. Dường như các nhà sản xuất đã đạt đến đỉnh điểm của sự sáng tạo khi giữa flagship nay năm với flagship năm trước không có nhiều khác biệt.

Hầu hết các điện thoại đầu bảng hiện nay đều sở hữu nhiều trang bị "khủng", từ bộ nhớ RAM, sức mạnh vi xử lý đến phần cứng camera. Dung lượng RAM 12GB hay 16GB trở nên dư thừa và không cần thiết, thậm chí mức RAM ấy còn vượt xa một số mẫu máy tính. Hay các tính năng chụp ảnh "cao siêu" như zoom 100x, cảm biến độ phân giải 108MP mà đến cả người dùng chuyên nghiệp phải tìm cách khai thác triệt để phần cứng.

Cuộc chiến smartphone hiện nay dần đi vào lối mòn khi các thông số cấu hình dần trở nên dư thừa và khiến giá bán tiếp tục tăng cao, trong khi người dùng không cần đến chúng.

Sẽ chẳng có gì đáng nói khi những trang bị dư thừa mà các nhà sản xuất cho là nâng cấp mới lại quá đỗi giống nhau. Trong mỗi buổi ra mắt, họ đều nói về những thông số khủng, rồi lấy đó so sánh với các đối thủ để nâng tầm bản thân.

Tuy nhiên vẫn có những đổi mới đáng ghi nhận trên thị trường di động, nhưng chúng phải nhìn xa hơn đến các thương hiệu ít tên tuổi. Điển hình là Trung Quốc, nơi hầu hết các smartphone được "ra lò" – điểm nóng của sự đổi mới.

Các nhà sản xuất tại đây thay vì đưa những đột phá, sáng tạo công nghệ lên smartphone cao cấp, thì nay họ chọn cách phô diễn chúng trên những mẫu điện thoại ý tưởng hoặc thương mại hóa với số lượng giới hạn và giá bán không tưởng.

Thiết kế mặt lưng của Huawei P40 và Galaxy S20 có nhiều điểm tương đồng;

Cùng với đó, đôi khi những tính năng thể hiện sự sáng tạo lại đến từ những thứ ít được chú ý, điển hình là tốc độ làm tươi màn hình được du nhập từ các sản phẩm chuyên game, giúp tăng trải nghiệm người dùng trở nên mượt mà hơn.

Theo số liệu từ IDC, Samsung và Apple chiếm 35% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu, tập trung chủ yếu ở Hoa Kỳ và châu Âu. Nhưng đây lại là hai tên tuổi có ít sự đổi mới nhất trên các smartphone đầu bảng của mình.

Chủ yếu những tính năng sáng tạo của Samsung chỉ được trang bị trên những sản phẩm phụ. Đơn cử như các biến thể Galaxy Edge, Galaxy Note và giờ là Galaxy Fold, Galaxy Flip. Nếu chúng được đón nhận, Samsung sẽ tinh chỉnh, thử nghiệm và đưa lên dòng sản phẩm chính.

Trong khi Apple luôn "chậm mà chắc" trong việc đưa những trang bị mới lên iPhone. Tuy nhiên, so với các đối thủ Android đi trước, Apple luôn là hãng làm tốt nhất. Thậm chí, Apple còn có truyền thống 3 năm một thiết kế iPhone và người dùng chấp nhận với điều đó.

Mặc dù luôn muốn có những đổi mới trên smartphone, nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng thực hiện đúng cách. Một số hãng đã không ngần ngại đưa những tính năng mới mà chưa được thử nghiệm kỹ lưỡng lên flagship. Sẽ ra sao nếu người dùng chi một khoản tiền lớn để mua một chiếc smartphone cao cấp với nhiều tính năng chưa được kiểm chứng và không có nhiều ứng dụng thực tế.

HTC, LG và Motorola là ba nhà sản xuất điển hình. Khi smartphone vẫn còn mới mẻ, doanh số khi ấy của họ cao ngất ngưởng và họ có thể thử nghiệm những tính năng mới trên flagship. Nhưng ngày nay, cách tiếp cận ấy đã không còn khả thi vì yêu cầu sử dụng của người dùng ngày càng cao. Những đổi mới, sáng tạo trên smartphone của họ đã chỉ mang về những khoản lỗ.

Dù rằng nhiều tính năng sáng tạo mà bộ ba này mang đến được báo chí ca ngợi và có thể trở thành tiêu chuẩn trong toàn ngành công nghiệp di động tương lai. Nhưng đổi mới không đồng nghĩa với doanh thu tăng.

Giờ đây, những đổi mới, cải tiến tập trung chủ yếu ở phân khúc điện thoại tầm trung. Các sản phẩm đầu bảng trong năm 2020 sẽ vẫn ấn tượng và mạnh mẽ, nhưng cũng chỉ dựa trên những nâng cấp nhỏ giọt sẵn có.  

Có thể nói, flagship giờ đã đạt đến giới hạn của thiết kế, phần cứng. Trong khi các dòng điện thoại như smartphone chuyên game, điện thoại ý tưởng dần có được nhiều sự quan tâm và các nhà sản xuất Trung Quốc từng bước rút ngắn vòng lập giữa ý tưởng và hiện thực hóa sản phẩm.

Mặc dù sự đổi mới mang đến hứng thú cho người dùng, nhưng gần như luôn có một khoảng cách rất lớn giữa việc ra đời tính năng mới và hoàn thiện chúng. Điện thoại đầu bảng được cho là hoàn hảo, và sự hoàn hảo phải đi đôi với nhàm chán. Đó là lý do vì sao các smartphone cao cấp hiện nay không có sự đổi mới.

* Trên đây là quan điểm của trang Android Authority. VnReview.vn lược dịch lại để bạn đọc tham khảo.

Thái Âu

Chủ đề khác