VnReview
Hà Nội

Muốn biết vì sao Apple giàu, hãy nhìn vào chiếc iPhone SE

Trong ngành công nghiệp smartphone, có lẽ không nhà sản xuất nào tối ưu được dây chuyền và chi phí sản xuất như Apple.

Tháng 4/2020, Apple giới thiệu iPhone SE thế hệ hai. Trong khi phần lớn smartphone hiện tại, bao gồm cả chính những iPhone ra mắt cuối năm 2019, đều chuyển sang thiết kế to bản, màn hình trên 6 inch, thì iPhone SE lại là sự khác biệt với màn hình 4.7 inch.

Những đánh giá đầu tiên dành cho thiết bị này đều khen ngợi một chiếc smartphone với giá 399 USD, nhưng được trang bị cấu hình gần bằng chiếc iPhone mạnh nhất hiện tại. Trang tin chuyên về Android là Android Police thậm chí còn đánh giá iPhone SE với tiêu đề "Tôi ước gì smartphone Android giá 400 USD có thể tốt thế này".

iPhone SE chính là ví dụ rõ nhất cho sự hiệu quả của Apple. Ảnh: The Verge.

Đó là một điều ước thật sự, bởi trong ngành smartphone không công ty nào làm ra một thiết bị hiệu quả như Apple, để có thể bán được chiếc smartphone 400 USD mạnh mẽ như vậy.

Cỗ máy trơn tru của Tim Cook

Để hiểu Apple hoạt động hiệu quả như thế nào, hãy xem bài phân tích về "nội tạng" của chiếc điện thoại do iFixit thực hiện. Theo bài phân tích này, iPhone SE 2020 sử dụng rất nhiều linh kiện từng có trên iPhone 8, thậm chí các bộ phận có thể hoán đổi cho nhau.

Cụ thể, cụm camera sau, khay SIM, bộ phận rung (Taptic Engine) và cụm màn hình (gồm cả micro và cảm biến tiệm cận) của iPhone SE 2020 và iPhone 8 giống hệt nhau, có thể hoán đổi mà vẫn hoạt động bình thường.

iPhone SE 2020 sử dụng chung nhiều linh kiện, có thể thay thế lẫn nhau trên iPhone 8. Ảnh: iFixit.

Điều đó đồng nghĩa nếu sử dụng iPhone SE 2020 và bị hỏng các bộ phận trên, người dùng có thể thay bằng các bộ phận tương tự lấy trong iPhone 8 với chi phí rẻ hơn nhiều, đặc biệt là màn hình. Tuy nhiên nếu hoán đổi màn hình, máy sẽ mất đi True Tone trừ khi sử dụng công cụ can thiệp.

"Chúng tôi thấy thú vị vì Apple đã tái sinh chiếc điện thoại này bằng linh kiện từ nhiều mẫu máy trước đây. Việc tìm linh kiện thay thế sẽ dễ hơn, và tái sử dụng các dây chuyền sản xuất cũ cũng giúp giảm rác thải nói chung", bài viết trên iFixit nhận định.

Việc đưa ra một chiếc smartphone với nhiều thành phần từ năm 2017 cho thấy sự hiệu quả của Apple. Theo phân tích của IHS Markit, trên iPhone 8 thì màn hình (52,5 USD) và cụm camera (32,5 USD) là hai trong ba linh kiện đắt nhất. Thành phần còn lại là khung vỏ và các cổng kết nối cũng được Apple tận dụng khá nhiều trên iPhone SE 2020.

Nhờ sử dụng lại rất nhiều linh kiện cũ, Apple sẽ không phải thiết kế mới hay phát triển lại các công nghệ quan trọng. Họ cũng có thể chủ động nhập số lượng linh kiện nhiều hơn và giá tốt hơn, qua đó giảm giá thành của mỗi linh kiện. Sự hiệu quả, tiết kiệm này chính là yếu tố giúp Apple bán iPhone SE với mức giá 399 USD mà vẫn có thể lãi to.

Cỗ máy chuỗi cung ứng trơn tru của Apple không còn là bí mật. Cỗ máy này đã vận hành trơn tru kể từ khi Tim Cook gia nhập Apple năm 1998. Chuyên gia về chuỗi cung ứng này chính là người đem tới sự hiệu quả, đồng nghĩa với lợi nhuận cho Apple trong hơn 2 thập kỷ.

Đây chính là lý do những hãng smartphone mỗi năm thay một loại thiết kế, cách sắp đặt và linh kiện khác nhau khó có thể làm ra được chiếc smartphone tương tự iPhone SE và bán với giá 399 USD mà vẫn có lợi nhuận.

Đánh đổi sự hào hứng để lấy lợi nhuận

Chính vì sự hiệu quả nói trên mà Apple luôn phải giữ tính ổn định trên sản phẩm. Thiết kế iPhone 8 thực ra xuất hiện từ năm 2014, với dòng iPhone 6 và 6 Plus. Apple chỉ tinh chỉnh một số chi tiết để làm ra thêm 3 thế hệ iPhone nữa, trước khi ra mắt iPhone X năm 2017. Đến năm nay, hãng lại có thể tận dụng thiết kế 6 năm trước một lần nữa.

Không chỉ iPhone, việc tận dụng thiết kế còn xuất hiện với dòng MacBook Pro (từ năm 2016-2018), MacBook Air (2011-2017) hay iPod Touch (2013-2019). Kéo dài một kiểu thiết kế giúp thiết bị trở thành biểu tượng và dễ nhận biết hơn, nhưng phần nào cũng khiến người dùng nhàm chán. Trước khi ra mắt iPhone X, không ít bài đánh giá đã mô tả thiết kế của iPhone 7 đã trở nên lỗi thời sau 3 năm liền lặp lại.

Bên cạnh sự nhàm chán, việc giữ dây chuyền ổn định cũng khiến cho mọi thay đổi đều có độ trễ, kể cả khi có lỗi. Bàn phím "cánh bướm" trên MacBook đã được gọi là thàm họa từ khi ra mắt năm 2015, nhưng mãi tới cuối năm 2019 hãng mới có thể tích hợp bàn phím mới trên MacBook Pro 16 inch. Apple thậm chí chấp nhận sửa bàn phím cho người dùng tới 4 năm. Chi phí sửa chữa không nhỏ, nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn chi phí thiết kế bàn phím mới và thay đổi khung máy.

Thiết kế "tai thỏ" mới mẻ khi ra mắt nhưng chỉ một năm sau đã bị các hãng Android vượt qua bằng hàng loạt kiểu dáng khác lạ. Dù vậy, Apple được cho là sẽ gắn bó với phần khuyết màn hình tới ít nhất năm 2020, khi thế hệ iPhone 12 ra đời. Thiết kế, sản xuất phần cứng rất tốn kém, nên Apple cần phải tận dụng tối đa từng thiết kế họ có.

Sự thực dụng của Apple được thấy rõ khi họ ra mắt iPod Touch năm 2019. Apple chưa dám "khai tử" thiết bị biểu tượng này, nhưng cũng không muốn đầu tư quá nhiều cho sản phẩm không còn là con cưng. Kết quả là một chiếc iPod Touch "mới mà không mới" mà cây viết Dave Smith của Business Insider đánh giá là "để giữ lợi nhuận trên hết".

Chính sách của Apple không hẳn không mang lại lợi ích cho người dùng. Nhờ tối ưu về dây chuyền, họ có thể giới thiệu những chiếc iPhone rất hợp ví tiền như iPhone SE, XR hay 11. iPhone XR đã trở thành điện thoại bán nhiều nhất trong năm 2019, và iPhone 11 có thể sẽ thay thế trong năm 2020.

Khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng, ngành smartphone cũng không còn tăng trưởng, sự thực dụng chứ không phải những công nghệ đột phá mới là chìa khóa cho sự thành công của Apple trong tương lai.

Theo Zing

Chủ đề khác