VnReview
Hà Nội

Giải pháp tự động hóa robot giúp tăng cường năng lực cho nhà sản xuất

Universal Robots, công ty sản xuất robot cộng tác (cobots) có trụ sở tại Đan Mạch khuyến khích các nhà sản xuất Việt Nam đẩy mạnh việc triển khai giải pháp tự động hóa robot để duy trì lợi thế cạnh tranh và năng lực sản xuất hiệu quả, đón đầu thời kỳ phục hồi kinh tế sắp tới.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và gián đoạn liên tiếp, việc thúc đẩy giải pháp tự động hóa để tối ưu hoá năng lực sản xuất luôn là một thách thức. Một thế hệ robot mới có tên là "robot cộng tác" đã ra đời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lắp ráp hoàn toàn thủ công với dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động. Universal Robots nhấn mạnh rằng các cobot có khả năng cải thiện năng suất cho ngành sản xuất của Việt Nam lên đến 30%.

"Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp có năng lực cạnh tranh. Với việc đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, dành ưu tiên cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Việt Nam đang hướng tới một tương lai tăng trưởng năng động ở ngành sản xuất," ông Darrell Adams, Giám đốc khu vực Đông Nam Á & Châu Đại Dương của Universal Robots chia sẻ. "Cobot đặc biệt phù hợp với thị trường Việt Nam, nơi con người và robot cùng thực hiện công việc trong cùng một dây chuyền sản xuất. Với sự hỗ trợ của cobot, các nhà sản xuất trong nước có thể đạt hiệu quả cao hơn và gia tăng năng suất một cách nhanh chóng."

Ông Darrell Adams, Giám đốc khu vực Đông Nam Á & Châu Đại Dương của Universal Robots

"Cobot có thể dễ dàng được lập trình lại để thực hiện những tác vụ mới và giải quyết những thách thức về sản xuất trong ngắn hạn mà nhiều công ty gặp phải, và có thể được điều chỉnh để thực hiện những công việc phức tạp trong các quy mô nhỏ hơn. Việc sử dụng cobot có thể giúp tăng tỷ trọng đóng góp của ngành sản xuất cho nền kinh tế và thúc đẩy đổi mới và phát triển năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)."

Ngành sản xuất là động lực phát triển kinh tế của Việt Nam. Năm 2018, ngành sản xuất đóng góp 16% GDP của cả nước, đạt giá trị 886,58 nghìn tỷ đồng. Ngành sản xuất tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp trong năm 2019, giúp ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao 8,86%. Mặc dù vậy, mức độ tự động hóa bình quân của các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn còn ở mức thấp. Tự động hóa có khả năng tăng năng suất và tăng trưởng GDP của Việt Nam, nâng cao thu nhập cho người lao động và mở ra nhiều cơ hội trên thị trường cho các doanh nghiệp.

Theo Universal Robots, các doanh nghiệp ứng dụng tự động hóa đã tăng sản lượng lên đến 300%, giảm tỷ lệ phát sinh lỗi 90% và tăng thêm 20% lợi nhuận. Universal Robots hiện đang tập trung vào các ngành chủ chốt như điện tử, xe hơi, bán dẫn, thực phẩm và đồ uống, nội thất và sản phẩm tiêu dùng.

"Không gian làm việc trong tương lai sẽ do những nhân viên có kỹ năng cao điều hành với sự hỗ trợ của thiết bị thông minh. Cobot giúp tự động hóa và hợp lý hóa các quy trình lặp đi lặp lại và có nguy cơ tiềm ẩn, qua đó đảm bảo môi trường làm việc an toàn và đồng thời gia tăng năng suất và hiệu quả công việc," ông Darrell Adams chia sẻ thêm.

Cobot đảm nhận vai trò mới

Universal Robots có 7 mẫu cánh tay robot cộng tác đơn giản, linh hoạt và có mức giá hợp lý- UR3, UR5, UR10 thuộc dòng series CB3 và UR3e, UR5e, UR10e và UR16e thuộc dòng e-Series. Các mẫu này được đặt tên theo tải trọng của chúng, tính bằng kg. Với khả năng xoay linh hoạt 360 độ trên tất cả các khớp cho phép các cobot hoạt động trong không gian nhỏ hẹp. Những mẫu robot này có thể gắn trên sàn, trần và tường tùy theo yêu cầu. Thay vì phải có lập trình viên giỏi, cobot có sẵn giao diện người dùng bằng màn hình cảm ứng kích cỡ như một chiếc máy tính bảng. Với màn hình này, người dùng có thể điều khiển cánh tay robot bằng các thao tác di chuyển trên màn hình.

Theo ABI Research, cobot hiện là phân khúc tự động hóa công nghiệp phát triển nhanh nhất, với doanh thu hàng năm đối với mảng cánh tay robot kỳ vọng đạt 11,8 tỷ USD đến năm 2030, tăng từ 1,9 tỷ USD vào năm 2018.

Universal Robots (UR) được thành lập vào năm 2005, phát triển các dòng robot cộng tác (cobots) có kích thước nhỏ gọn, thân thiện với người dùng, có giá cả hợp lý, khả năng làm việc linh hoạt và an toàn khi sử dụng. Kể từ lần đầu tiên cobot được ra mắt vào năm 2008, công ty đã đạt được bước tăng trưởng đáng kể. Hiện sản phẩm cobot thân thiện với người dùng đang được bán trên khắp thế giới. Universal Robots hiện là công ty thành viên của tập đoàn Teradyne Inc. có trụ sở tại Odense, Đan Mạch và các văn phòng khu vực ở Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Cộng hoà Séc, Ba Lan, Hungary, Romania, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mexico. Năm 2019, Universal Robots đạt mức doanh thu 248 triệu đô la Mỹ.

Theo Universal Robots

Chủ đề khác