VnReview
Hà Nội

Doanh nghiệp Hàn đổ xô đầu tư vào cảm biến hình ảnh, thách thức Sony

Đại dịch COVID-19 được cho là sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới chúng ta đang sống. Một trong những ngành công nghiệp được dự đoán sẽ bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch là cảm biến hình ảnh. Khi mọi người phụ thuộc vào camera để giao tiếp và làm việc, nhu cầu với linh kiện này sẽ tăng đột biến.

Với sự phát triển của công nghệ bán dẫn và các hệ thống cơ điện tử, cảm biến đã được thu nhỏ đáng kể so với những năm 1990. Chúng cũng trở nên thông minh hơn sau khi bộ vi điều khiển (MCU) được triển khai năm 2012. Cảm biến ngành càng trở nên quan trọng và phát triển mạnh mẽ. Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường BCC Reseach, ước tính đến 2023 sẽ đạt giá trị 283 tỷ USD, mức tăng trưởng hàng năm đạt 12,8%.

Cảm biến hình ảnh đang là phân khúc tăng trưởng rất nhanh trong ngành bán dẫn (ảnh: iFixit)

Là một mỏ vàng khổng lồ như vậy, không khó hiểu vì sao rất nhiều công ty trên thế giới muốn bành trướng ở lĩnh vực này. Tại thị trường cảm biến hình ảnh, phân khúc đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng vài năm trở lại đây, doanh nghiệp Hàn như Samsung Electronics và SK Hynix đang nỗ lực đầu tư nhằm mở rộng sự hiện diện của mình. Cảm biến hình ảnh CMOS (CIS) đang trở thành linh kiện được săn đón để áp dụng vào nhiều loại thiết bị thông minh.

CIS là một thành phần rất thiết yếu của các thiết bị IT, như smartphone, camera kỹ thuật số, laptop,... Khi công nghệ AI bùng nổ, nó càng được ứng dụng nhiều hơn vào camera an ninh, xe tự hành và robot. Có thể nói, CIS là một thành phần phải có của hạ tầng thông minh trong tương lai, nhu cầu chưa bao giờ dừng lại.

Samsung đặt cược vào chạy đua Megapixel sẽ giúp họ đánh bại Sony (ảnh: Samsung)

Samsung đang cố bắt kịp người dẫn đầu ở lĩnh vực này là Sony. Đơn vị kinh doanh cảm biến của họ đã đặt ra mục tiêu lật đổ đối thủ Nhật Bản cho tới năm 2030. Hiện tại, thị phần Samsung đang đứng thứ hai với 21%, Sony dẫn đầu với 48%, theo Techno Reseach ước tính năm 2019.

Vừa rồi, công ty tuyên bố sẽ theo đuổi cảm biến siêu độ phân giải, nhắm đến sử dụng trong smartphone. Các cảm biến có mật độ điểm ảnh dày đặc, độ phân giải trên 100MP và đang hướng tới 600MP, vượt qua mắt người (khoảng 576MP). Sau cảm biến 108MP ra mắt cuối năm ngoái, dự kiến cuối năm nay Samsung sẽ ra mắt cảm biến 150MP với Xiaomi áp dụng đầu tiên.

Một video quảng cáo về công nghệ cảm biến hình ảnh của;SK Hynix, lấy cảm hứng từ phim siêu anh hùng Marvel

SK Hynix cũng nỗ lực mở rộng hiện diện của mình ở thị trường CIS. Họ vừa giới thiệu một mẫu cảm biến mới nhắm đến smartphone, thương hiệu Black Pearl cạnh tranh với ISOCELL và IMX của Samsung, Sony. Để mở rộng công suất, công ty quyết định chuyển đổi một phần dây chuyền chip DRAM tại Icheon, tỉnh Gyeonggi, thành dây chuyền CIS.

Trong khi đó, Sony lại đang hướng tới các hạng mục cảm biến hình ảnh khác. Công ty đầu tư vào cảm biến ToF có thể đo chiều sâu môi trường, từ đó cải thiện các ứng dụng AR cần khai thác thông tin ba chiều. Sau khi cung cấp nó cho các hãng điện thoại Android như Huawei, Samsung, Sony tiếp tục giành được đơn hàng của Apple. Cảm biến ToF tạo nên hệ thống LiDAR Scanner trên iPad Pro và cũng sẽ có mặt trên iPhone.

Sony đang tập trung đẩy mạnh các công nghệ cảm biến tiên tiến để đa dạng nguồn thu (ảnh: Yole Développement)

Mới đây, Sony công bố hai công nghệ cảm biến mới ứng dụng phức tạp hơn smartphone. Một loại cảm biến SWIR dùng trong công nghiệp thuộc phân khúc cao cấp, có giá lên tới trên 8.000 USD. Một loại khác là cảm biến hình ảnh tích hợp AI, hướng tới phục vụ camera giám sát trong ngành bán lẻ. Mặc dù cảm biến cho smartphone đang đóng góp phần lớn doanh thu, Sony lại muốn giảm bớt lệ thuộc vào phân khúc này.

Ambitious Man

Chủ đề khác