VnReview
Hà Nội

TSMC xây nhà máy 12 tỷ USD tại Mỹ, gây chấn động ngành bán dẫn toàn cầu

Một nhà máy bán dẫn trị giá 12 tỷ USD tại Mỹ có thể thay đổi hoàn toàn ngành bán dẫn hiện tại. Đặc biệt là với các đối thủ của TSMC trong chuyên môn đúc chip.

Hôm 15/5, hãng bán dẫn Đài Loan đã chính thức xác nhận kế hoạch xây dựng một cơ sở bán dẫn 5nm tại Arizona, Mỹ. Công suất dự kiến mỗi tháng là 20.000 tấm wafer và bắt đầu động thổ vào năm sau, đi vào hoạt động có thể đâu đó trong năm 2024. Thông báo phát đi của hãng đúc chip lớn nhất thế giới sẽ làm rung chuyển chuỗi cung ứng tại châu Á, theo Digitimes Research.

Bang Arizona là nơi tụ họp của nhiều công ty lớn trong ngành điện tử, sản xuất hàng không vũ trụ và quốc phòng. Có thể kể ra như Intel, Raytheon, Microchip, ON Semiconductor, VLSI, Freescale, NXP, ST Microelectroncis, Honeywell, Marvel, Amkor, Philips,... Một khi TSMC tham gia vào cụm công nghệ cao này, một hệ sinh thái địa phương lớn hơn sẽ hình thành.

Mỹ-Trung tranh chấp đã khiến ngành công nghiệp bán dẫn chao đảo (ảnh: TechSpot).

TSMC là một công ty chỉ chuyên về đúc chip theo hợp đồng và không làm gì khác, đặc biệt tuân theo nguyên tắc không tự thiết kế và công bố sản phẩm cạnh tranh với chính khách hàng. Do vậy, một khi họ muốn chạy các dự án bán dẫn tại đây, sẽ phải đảm bảo có một chuỗi cung ứng theo sau hỗ trợ đầy đủ như một điều kiện bắt buộc.

Bên cạnh lợi ích đem lại cho nền kinh tế địa phương, hình thành một trung tâm thiết kế và sản xuất vi mạch mới bên ngoài châu Á, kế hoạch TSMC cũng sẽ khiến Samsung và GlobalFoundries phải nóng mặt. Hãng Đài Loan đang nắm hơn 50% thị trường đúc chip, và nhà máy mới này lại càng đe dọa thêm đến cơ hội cạnh tranh của Samsung và GlobalFoundries.

Cả hai đều có những cơ sở sản xuất tại Mỹ từ trước. Tuy nhiên, trước khi TSMC quyết định xây nhà máy để chiều lòng tổng thống Trump, họ đã nhận được vô số đơn hàng từ các doanh nghiệp Mỹ như AMD, Apple, Broadcom, Nvidia,... Mỹ chính là thị trường đóng góp doanh thu lớn nhất cho công ty dù hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra ở Đài Loan.

Cơ hội cạnh tranh với TSMC trên thị trường đúc chip đang trở nên... vô vọng (ảnh: Nikkei)

Cơ sở bán dẫn Samsung Austin tại Texas được thành lập năm 2005 đã mở rộng tới dây chuyền 14nm FinFET, sẽ tiếp tục đạt tới các tiến trình chế tạo bán dẫn tiên tiến hơn nhằm thu hút khách hàng Mỹ. Họ đã đầu tư 291 triệu USD vào cơ sở ở đây. Trong khi đó, GlobalFoundries đã quyết định bỏ qua tiến trình 7nm vì quá tốn kém, khiến các đơn hàng đổ hết về tay TSMC.

Năm 2019, GlobalFoundries thậm chí còn bán lại một fab 300mm tại New York cho ON Semiconductor. Có thể thấy, dù Samsung và GlobalFoundries đã ở ngay bên cạnh, các công ty Mỹ vẫn tìm đến bên kia đại dương để liên hệ sản xuất chip. Nếu TSMC xây dựng sẵn nhà máy ở đây, dây chuyền 5nm hiện đại nhất, càng khó có cơ hội cho hai đối thủ kia cạnh tranh giành đơn hàng.

Ambitious Man

Chủ đề khác