VnReview
Hà Nội

TSMC mắc kẹt giữa chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, làng công nghệ lại sắp hỗn loạn

Từ khi thành lập hơn 30 năm trước, TSMC luôn đứng sau thành công của những gã khổng lồ công nghệ. Nhưng hiện nay, công ty bán dẫn Đài Loan này đang trở thành trung tâm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn mới khi mà cả hai nước đều muốn giành giật TSMC về phía mình.

Công ty sản xuất chế tạo bán dẫn Đài Loan (TSMC) từ lâu đã là một đối tác đáng tin cậy của những công ty công nghệ hàng đầu như Apple hay Qualcomm. Nhưng gần đây xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Huawei, gã khổng lồ trong ngành công nghệ của Trung Quốc, sử dụng trái phép công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Điều đó có nghĩa là TSMC sẽ phải cắt đứt mối quan hệ với Huawei, trừ khi họ nhận được lệnh miễn trừ từ Bộ Thương mại Mỹ.

Mọi chuyện bắt nguồn từ hành động của Mỹ vào ngày 15/5. Chính quyền Mỹ thay đổi quy định nhằm ngăn chặn các công ty sản xuất chip xử lý của nước này bán hàng hoặc cung cấp sản phẩm cho Huawei.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang sửa đổi quy định xuất khẩu, "nhắm một cách chiến lược vào khả năng sở hữu hoặc mua lại bóng bán dẫn là sản phẩm trực tiếp từ phần mềm và công nghệ của Mỹ".

Bóng bán dẫn (semiconductor) là thành phần chính có kích thước siêu nhỏ trong các bộ vi xử lý máy tính cũng như điện thoại thông minh. Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định này của họ sẽ cắt đứt những nỗ lực hiện tại của Huawei nhằm lách qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Kết quả, ngày 18/5, TSMC thông báo đã ngừng mọi hợp đồng đặt hàng mới từ Huawei.

TSMC mắc kẹt giữa chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, làng công nghệ lại sắp hỗn loạn

Động thái này có nguy cơ thay đổi toàn bộ chuỗi sản xuất công nghệ trên toàn thế giới bởi trong hệ sinh thái phức tạp của giới công nghệ, đòn tấn công này không chỉ đe dọa các công nhân và vị trí dẫn đầu thị trường smartphone và thiết bị viễn thông của Huawei mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm nhà cung ứng của họ.

Về phía mình, Chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ bảo vệ Huawei và đe dọa sẽ trả đũa bằng cách nhằm vào các công ty Mỹ đang phải phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như Apple và Boeing.

Gần như ngay lập tức, các nhà cung cấp của Huawei trên khắp châu Á đều đã ghi nhận cổ phiếu giảm, trong đó, AAC Technologies Holdings; Q Technology Group; Sunwoda Electronic và Lens Technology đều giảm từ 5% trở lên. Bản thân doanh thu của TSMC cũng giảm 2,5%.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết, quyết định của chính phủ Mỹ có khả năng gây tổn hại không chỉ cho Huawei và TSMC, mà còn cho rất nhiều công ty công nghệ khác. Có thể kể tới các công ty sản xuất thiết bị chế tạo bán dẫn như Applied Materials, KLA, Lam Research Corp. Các khách hàng Mỹ của Huawei cũng sẽ chịu ảnh hưởng như Micron, Qorvo hay Texas Instruments.

Làng công nghệ lại sắp hỗn loạn

Khi Morris Chang, kỹ sư từng học và làm việc tại Mỹ nhiều năm, trở lại Đài Loan và thành lập công ty gia công bán dẫn tiền thân của TSMC vào năm 1987, không ai nghĩ một ngày TSMC sẽ trở thành một công ty khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều thèm muốn. Thời điểm mới thành lập, công việc kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn khi các tập đoàn lớn như Intel hay Advanced Micro Devices (AMD) thống trị thị trường sản xuất chip.

Nhưng trong những năm qua, ngành công nghiệp đúc chip đã trở thành trọng tâm chiến lược đối với ngành công nghệ. Những khách hàng của TSMC, từ Apple, Huawei đến Qualcomm và Nvidia Corp nhận thấy họ có thể đổi mới nhanh hơn nếu họ tập trung vào thiết kế chip và sau đó chuyển sang các xưởng đúc như TSMC để sản xuất chúng. Hàng loạt công ty về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo hay internet cũng phụ thuộc vào các xưởng đúc chip để khai phá các thị trường mới.

Ngày nay, nhiều chip cho điện thoại di động, xe tự hành, trí tuệ nhân tạo và bất kỳ công nghệ quan trọng nào khác đều được sản xuất tại các xưởng đúc chip. TSMC đã trở thành nhà máy đúc chip hàng đầu trên thế giới bằng cách đầu tư mạnh vào các loại xưởng chế tạo vi mạch tiên tiến hơn, với chi phí vốn hàng năm khoảng 16 đô la tỷ - con số của năm nay.

Hiện tại, TSMC có thể sản xuất chip bán dẫn ở tiến trình 5 nm, gấp đôi chiều rộng DNA trên cơ thể người, trong khi xưởng đúc chip hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, mới chỉ sản xuất được tiến trình 14 nm. Điều đó làm cho các loại chip do TSMC sản xuất mạnh và tiết kiệm năng lượng hơn.

Vì vậy, nếu Mỹ tiếp tục đưa ra các hạn chế đối với TSMC, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Rất nhiều công ty trên thế giới sẽ không kịp tiến độ sản xuất và công bố các sản phẩm của mình.

Đối với bản thân TSMC, ngày càng khó giữ thái độ trung lập trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang như hiện nay. Tự nhận mình là "nhà máy của tất cả mọi người", TSMCty cung ứng cho những khách hàng Trung Quốc như Huawei và cả quân đội Mỹ, đồng thời cũng dựa vào những nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Mỹ như Applied Materials và Lam Research.

Tuần trước, TSMC đã bước 1 bước gần hơn với Mỹ khi tuyên bố xây dựng 1 nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng nhà máy ở nước ngoài sẽ dễ dàng bị tấn công mạng và chuyển nhà máy đến Mỹ sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định hơn.

Theo Bloomberg, quyết định xây nhà máy tại Mỹ của TSMC sẽ giúp các đối tác cung cấp cho quân đội Mỹ như Xilinx yên tâm hơn, trong khi không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu của công ty. Tuy nhiên, điều này không giúp họ tiếp tục làm việc với Huawei.

"TSMC sẽ không được cấp giấy phép dựa trên việc họ xây nhà máy tại Mỹ. Không có gì đảm bảo cho việc đó, và chúng tôi cũng nghĩ nó sẽ không xảy ra", ông Keith Krach, thư ký về kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ.

L.A - theo Bloomberg

Chủ đề khác