VnReview
Hà Nội

Các biện pháp trả đũa giữa Trung Quốc và Mỹ đang “bóp nghẹt” chuỗi cung ứng toàn cầu

Sau khi Mỹ mạnh tay đưa ra các biện pháp hạn chế nhắm vào Huawei, Trung Quốc cũng lập tức chuẩn bị các kế hoạch đáp trả.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tuần trước đã đưa tin các quan chức chính phủ nước này sẵn sàng thực thi "các biện pháp đối phó mạnh mẽ" chống lại cái mà họ gọi là "sự áp chế vô lý" của Mỹ đối với Huawei. Các mục tiêu mà Trung Quốc nhằm tới sẽ là các công ty công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Qualcomm và Apple.

Các biện pháp đối phó được đề xuất bao gồm khởi động "các cuộc điều tra không giới hạn" chống lại các công ty Mỹ, đưa các công ty đó vào danh sách "các thực thể không đáng tin cậy" và buộc tuân theo sự giám sát pháp lý của luật chống độc quyền Trung Quốc. Những đe dọa trên được đưa ra nhằm đáp lại các hạn chế mà chính phủ Mỹ áp đặt lên nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC, ngăn không cho công ty này cung ứng linh kiện sản xuất điện thoại thông minh cho Huawei. Đầu tuần này, theo Nikkei Asian Review , TSMC đã thông báo quyết định ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei, cắt đứt quan hệ với khách hàng lớn thứ hai của họ sau Apple.

Những động thái này sẽ càng khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo lên một nấc thang mới, thúc đẩy sự phân chia trong chuỗi cung ứng các nhà sản xuất thiết bị smartphone. Giờ đây, Huawei đã bị cắt khỏi mối liên hệ hợp tác với TSMC do ảnh hưởng từ các nhà cung cấp thiết bị tại Mỹ, họ sẽ cần phải tái thiết lại chuỗi cung ứng của mình bằng cách sử dụng các nhà cung cấp phù hợp đến từ Trung Quốc. Đây sẽ là một "canh bạc" rất lớn khi mà Huawei đã đặt 18.7 tỷ USD vào các nhà cung cấp linh kiện tại Mỹ trong năm 2019 và hiện tại họ thiếu đi một phương án hoàn toàn thay thế tồn tại ở Trung Quốc.

Ứng cử viên hàng đầu tại thời điểm này dường như là công ty chế tạo bán dẫn lớn nhất Trung Quốc - SMIC. Trong tuần này, SMIC đã nhận được khoản tiền đầu tư là 2.3 tỷ USD từ chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ phát triển các khả năng sản xuất tiên tiến hơn và Huawei cũng đã lựa chọn SMIC để sản xuất con chip cấp thấp Kirin 710A của mình. Nhưng quy mô của SMIC nhỏ hơn nhiều so với TSMC và công ty này vẫn chưa đủ khả năng sản xuất trên tiến trình 5nm, cần thiết để sản xuất các con chip hiệu năng cao dành cho dòng flagship, theo The Verge.

Việc tách rời chuỗi cung ứng sẽ khiến các quốc gia bị hạn chế tiếp cận vào thị trường tiêu dùng trước đây của họ dựa trên sự liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc tìm chọn vị trí đặt các cơ sở sản xuất vào lúc này sẽ đóng một vai trò rất lớn đối với các hãng sản xuất điện thoại thông minh. Ví dụ, tại Ấn Độ, Apple và Samsung đã xây dựng các cơ sở sản xuất nhằm xâm nhập thị trường rộng lớn này một cách thuận lợi, bao gồm cả việc hưởng ưu đãi mức thuế quan thấp hơn. Khi Huawei tìm cách phát triển chuỗi cung ứng thiết bị smartphone độc lập, nhiều khả năng họ sẽ tận dụng các cơ hội sản xuất nhằm thiết lập nên một cơ chế thị trường tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.

Nếu chuỗi cung ứng dành cho smartphone tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ nhằm đối phó với sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thì việc tiếp cận thị trường tiêu dùng vào thời điểm hiện tại có thể sẽ ngày càng phụ thuộc vào sự liên kết sản xuất ngay tại quốc gia đó. Điều này sẽ làm giảm đáng kể thị trường mục tiêu của các nhà cung cấp smartphone hàng đầu toàn cầu, cô lập Apple và Samsung khỏi Huawei, Xiaomi và Vivo.

Giang Vu theo Business Insider

Chủ đề khác