VnReview
Hà Nội

Trung Quốc khó đạt được mục tiêu Made in China vào năm 2025 vì chưa tự chủ được vi mạch

Với tốc độ như hiện nay và sức ép từ phía Mỹ, Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được mục tiêu tự cung 70% sản lượng bán dẫn như sáng kiến Made in China 2025 đã đề ra trước đó.

Theo dự đoán của hãng nghiên cứu thị trường IC Insights của Mỹ cho biết, nhu cầu vi mạch tích hợp (IC) tại Trung Quốc đang tăng nhanh và ngành công nghiệp sản xuất chip của nước này đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Trước đó mục tiêu của Trung Quốc là có thể "tự túc" tới 70% nguồn cung bán dẫn vào năm 2025.

Với đà như hiện nay, Trung Quốc sẽ chỉ có thể đạt được 1/3 mục tiêu 70% mà nước này đã đặt ra nhằm tự sản xuất và cung cấp chất bán dẫn.

Sáng kiến Made in China 2025 công bố vào năm 2015 đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh trong việc "tự túc" nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, bao gồm vi mạch (IC) và đèn LED.

Tuy nhiên kế hoạch này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài dai dẳng nhiều năm qua. Kế hoạch của Trung Quốc được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ và đó là lý do chính quyền tổng thống Trump luôn dè chừng với bất kỳ động thái thương mại nào từ phía Trung Quốc.

Tất nhiên phía Mỹ cũng đã có câu trả lời khi liên tục gây sức ép nên các sản phẩm điện tử, nông sản của Trung Quốc thông qua hàng loạt lệnh trừng phạt thương mại. Đó là chưa kể chính quyền Trump còn đưa Huawei, một trong những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ. Động thái bất ngờ này của phía Mỹ hồi giữa năm ngoái khiến Huawei và công ty con Honor không thể tiếp cận phần cứng và dịch vụ từ các công ty Mỹ.

Mới đây nhất, phía Mỹ còn leo thang căng thẳng hơn khi gia hạn lệnh cấm với Huawei tới tháng 5/2021 và "gây sức ép" với TSMC trong việc cung cấp chip cho Huawei thông qua hoạt động cấp phép công nghệ.

IC Insights nhận định, Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được mục tiêu nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại. Nguyên nhân đến từ việc Trung Quốc vẫn đang thiếu công nghệ lõi và sức ép từ các đối thủ hàng đầu ở Mỹ. Thậm chí Trung Quốc sẽ không thể tự cung tự cấp vi mạch trong vòng 5-10 năm tới.

Hãng nghiên cứu cho rằng, hoạt động sản xuất vi mạch, bao gồm cả các công ty trong và ngoài nước tại Trung Quốc sẽ chỉ chiếm 15,7% giá trị

Hiện tại sản lượng sản xuất vi mạch của Trung Quốc, bao gồm cả các hãng trong và ngoài nước chỉ chiếm 15,7% toàn thị trường chip trị giá 125 tỷ USD tính tới năm 2019 của nước này. Ngay cả khi có đạt tới con số 20,7% như dự báo của IC Insights thì nó vẫn còn khá thấp.

Bức tranh phía trước thậm chí còn mờ nhạt hơn nếu loại bỏ các công ty nước ngoài cung cấp chip tại thị trường Trung Quốc như Samsung, SK Hynix và TSMC. Lúc này các công ty Trung Quốc chỉ còn chiếm 6,1% tổng nguồn cung thị trường chip ở nước này tính đến năm ngoái

Trong một diễn biến liên quan hồi tuần qua, công ty chip GlobalFoundries của Mỹ xác nhận, hãng đã ngừng hoạt động nhà máy sản xuất chip ở Thành Đô. Đây từng được coi là một trong những dự án đầu tư nước ngoài về chất bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc cách đây 3 năm trước.

Thách thức về việc đáp ứng nhu cầu chip của thị trường đang ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết tại Trung Quốc. IC Insights ước tính, giá trị của thị trường bán dẫn Trung Quốc sẽ tăng lên mức 208 tỷ USD vào năm 2024. Nhưng giá trị sản lượng của cả công ty trong và ngoài nước sẽ chỉ đạt 43 tỷ USD, tức là nguồn cung vẫn khó có thể đáp ứng nhu cầu thị trường ở đất nước tỷ dân.

Tiến Thanh

Chủ đề khác