VnReview
Hà Nội

Windows 3.0 tròn 30 tuổi - Điều gì làm hệ điều hành của Microsoft đặc biệt?

Ba mươi năm về trước cũng vào tháng này, Microsoft đã ra mắt Windows 3.0, một hệ điều hành sử dụng môi trường đồ họa với những cải tiến đáng kể so với các phiên bản Windows trước đó cả về tính năng lẫn độ phổ biến.

Dưới đây là những yếu tố khiến hệ điều hành này trở nên đặc biệt, theo tổng hợp của trang tin How-to Geek.

Windows 3.0 tròn 30 tuổi – Điều gì khiến hệ điều hành của Microsoft trở nên đặc biệt?

Phiên bản Windows đầu tiên thực sự thành công

Trong thời kỳ đầu của những chiếc máy tính PC IBM, hầu hết chúng đều chạy Microsoft MS-DOS, một hệ điều hành dựa trên dòng lệnh vốn chỉ có khả năng chạy một chương trình ở một thời điểm. Khi máy tính ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn vào đầu những năm 1980, "đa nhiệm" cũng trở thành một thuật ngữ "hot" trong ngành công nghiệp. Người ta bắt đầu ca ngợi về những lợi ích của việc có thể chạy hai ứng dụng cùng lúc, mà cụ thể là giúp cải thiện đáng kể hiệu suất công việc.

Cũng vào thời điểm đó, những ý tưởng về các giao diện đồ họa máy tính có sử dụng con trỏ chuột – xuất hiện lần đầu trên hệ máy Xerox Alto – manh nha xâm nhập ngành công nghiệp máy tính cá nhân. Sau khi chứng kiến nhiều hệ điều hành với giao diện người dùng đồ họa (GUI) xuất hiện, Microsoft cũng tung ra một giao diện đồ họa điều khiển bằng chuột của riêng mình – Windows 1.0 – vào năm 1985. Hệ điều hành này chạy trên nền MS-DOS, cung cấp cho người dùng một màn hình bitmap với các cửa sổ ứng dụng không chồng lên nhau.

Cả Windows 1.0 lẫn 2.0 đều không đạt được thành công trên thị trường. Và rồi vào năm 1990, Windows 3.0 xuất hiện – cũng một hệ điều hành giao diện người dùng đồ họa chạy trên nền MS-DOS. Hệ điều hành mới này cho phép chạy đa nhiệm với cả các chương trình MS-DOS lẫn các ứng dụng được viết riêng cho nền tảng Windows. Không như các phiên bản Windows trước đó, Windows 3.0 thực sự là một cú "hit" ở thời bấy giờ, khi đã bán được hơn 10 triệu bản. Các bản cập nhật sau đó của Windows 3.0 đã hỗ trợ cài đặt và chạy các ứng dụng bên thứ ba, và giúp Microsoft củng cố vị thế thống trị thị trường hệ điều hành PC của mình.

Dưới đây là một số yếu tố đã tổng hoà với nhau để khiến Windows 3.0 trở thành một hệ điều hành đặc biệt và thành công ở thời điểm nó "bước chân" vào thị trường máy tính cá nhân.

Trình quản lý phần mềm (Program Manager) mới

Windows 3.0 tròn 30 tuổi – Điều gì khiến hệ điều hành của Microsoft trở nên đặc biệt?

Trên các phiên bản Windows ngày nay, Start Menu là nơi cho phép người dùng nhanh chóng và dễ dàng quản lý và khởi động các ứng dụng đã được cài đặt trên máy tính. Tuy nhiên ở thời Windows 3.0, công việc này thuộc về Program Manager, và đây cũng là giao diện chính (shell) của Windows.

Nếu như shell trên Windows 2.0 sử dụng trình khởi chạy MS-DOS (MS-DOS Executive) – về cơ bản đó chỉ là một danh sách tập tin, không hỗ trợ hiển thị dưới dạng các biểu tượng ứng dụng, thì Windows 3.0 đã hỗ trợ các biểu tượng cỡ "lớn" với 16 màu, mang lại độ chi tiết của các biểu tượng không kém gì các máy tính Macintosh màu đắt tiền dù các máy tính Windows 3.0 có giá rẻ hơn nhiều.

Ngoài ra, Program Manager cũng dễ sử dụng. So với MS-DOS, hay MS-DOS Executive của Windows 2.0, Program Manager có giao diện thân thiện và không gây bối rối cho những người dùng mới bắt đầu làm quen với máy tính. Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và khởi chạy các ứng dụng mà không phải lo lắng việc vô tình làm xáo trộn hệ thống tập tin bên dưới của chúng.

Nếu muốn quản lý tập tin trên Windows 3.0, bạn cần phải khởi chạy một ứng dụng riêng biệt mang tên File Manager. Ngày nay, File Explorer kiêm cả vai trò của giao diện chính (shell) lẫn trình quản lý tập tin của Windows 10.

Trò chơi Microsoft Solitaire trình làng cùng phiên bản Windows này

Windows 3.0 tròn 30 tuổi – Điều gì khiến hệ điều hành của Microsoft trở nên đặc biệt?

Ngày nay, trò chơi Solitaire đã trở thành một phần không thể thiếu của Windows, đến mức thật khó có thể nói đến Solitaire mà không nghĩ đến Windows và ngược lại. Mối quan hệ đặc biệt này bắt đầu vào năm 1990, khi Microsoft đưa phiên bản đầu tiên của Solitaire lên Windows 3.0. Với việc các lá bài được hiển thị với độ chi tiết cao (và hình ảnh ở mặt sau cảu các lá bài cũng khá thú vị), Solitaire là một ví dụ chứng tỏ khả năng đồ họa của hệ điều hành Windows 3.0 thời bây giờ. Và tất nhiên, đây còn là một cách tuyệt vời để giết thời gian sau những giờ làm việc văn phòng bận rộn.

Các lá bài của Solitaire được thiết kế bởi Susan Kare, người trước đó đã từng thiết kế nhiều thành phần đồ họa và font chữ cho máy tính Macintosh. Bà còn thiết kế nhiều biểu tượng cho hệ điều hành Windows 3.0. Microsoft đã sử dụng các lá bài do Kare thiết kế cho đến tận Windows XP, và phải đến Windows Vista mới thay thế chúng bằng các mẫu mới.

Windows 3.0 còn được tích hợp một tựa game khác là Reversi. Microsoft sau đó đã loại bỏ Reversi trên Windows 3.1 (để thay bằng Minesweeper). Chỉ còn Solitaire là vẫn được tích hợp sẵn với tất cả các phiên bản Windows cho đến Windows 7.

Khả năng quản lý bộ nhớ tốt hơn, hỗ trợ đa nhiệm đúng nghĩa

Windows 3.0 được trang bị hệ thống quản lý bộ nhớ tiên tiến, cho phép sử dụng một lượng lớn bộ nhớ RAM để chạy được các chương trình nặng hơn và lần đầu tiên có thể hoạt động đa nhiệm một cách thực sự. Khi chạy đa nhiệm các chương trình MS-DOS (mà nhiều người dùng thời bấy giờ vẫn thường xuyên sử dụng), Windows 1.0 và 2.0 về cơ bản chỉ đóng vai trò các trình khởi chạy (launcher) ứng dụng đồ họa mà thôi. Trong Windows 3.0, người dùng có thể chạy nhiều ứng dụng MS-DOS đồng thời – giống như phép thuật ở thời điểm đó vậy!

Chắc hẳn, bạn hẳn đang tự hỏi vào năm 1990, người ta thường sử dụng các ứng dụng MS-DOS nào? Nhờ khả năng tương thích ngược, bất kỳ ứng dụng nào, từ Lotus 1-2-3 đến Captain Comic, đều chạy được trên Windows 3.0. Windows còn hỗ trợ các phần mềm BBS đa node, cho phép chạy nhiều cửa sổ phần mềm BBS cùng lúc một cách dễ dàng trên một máy tính.

Giao diện "3D" mới

Windows 3.0 tròn 30 tuổi – Điều gì khiến hệ điều hành của Microsoft trở nên đặc biệt?

Ngày nay, khi mọi người hầu hết đều đã quen thuộc với những giao diện đồ hoạ trong suốt đẹp mắt của Windows Vista đến Windows 10, thì giao diện này trông có vẻ bình thường (thậm chí còn có phần lỗi thời), nhưng thời bấy giờ các nút bấm trên giao diện Windows 3.0 lại là một điểm nhấn được ca ngợi trên giao diện đồ họa máy tính thời đó. Các nút bấm được thiết kế giả lập các vùng sáng và vùng tối để tạo cảm giác chúng có chiều sâu, và kết quả là hầu hết người dùng đều nghĩ các nút bấm này đều là các nút "3D".

Về tổng thể, giao diện gọn gàng của Windows 3.0 trông sắc sảo và chuyên nghiệp: các biểu tượng được thiết kế chi tiết, cách sắp xếp các cửa sổ gọn gàng, và font chữ đẹp. Lần đầu tiên trong lịch sử, Windows đã xếp ngang hàng (và thậm chí là vượt mặt) vẻ đẹp của Mac OS, vốn được xem là giao diện đồ họa người dùng chuẩn mực ở thời đó. Chính giao diện với hiệu ứng thị giác tuyệt vời đã giúp Windows 3.0 trở nên cực kỳ phổ biến.

Một bước ngoặt đối với PC trong cuộc chiến cạnh tranh với Mac

Windows 3.0 là biểu tượng cho một bước ngoặt trong quá trình tiến hóa của PC, khi mà máy tính đã có khả năng chạy giao diện đồ họa mượt mà (và xử lý tốt các thiết bị ngoại vi được kết nối) và giá thành đã giảm xuống đủ thấp để những người tiêu dùng thông thường có thể tiếp cận. Vào năm 1990, bạn có thể mua được một chiếc PC bình dân chạy Windows 3.0 với giá chưa đến 1.000 USD, trong khi chiếc Macintosh màn hình màu rẻ nhất cũng đã 2.400 USD. Với một PC, một con chuột, và một bản sao hệ điều hành Windows với giá 149 USD, bạn có thể có được một cỗ máy gần như Mac nhưng rẻ hơn nhiều.

Khi càng nhiều người mua và sử dụng một nền tảng hệ điều hành nào đó, sẽ càng có nhiều công ty sẽ muốn phát triển phần mềm có thể chạy được trên đó. Đây cũng chính là điều đã diễn ra với hệ điều hành Windows 3.0. Dù Windows 1.0 và 2.0 đã ít nhiều hỗ trợ phần mềm bên thứ 3; song phải đến Windows 3.0, nhiều nhà phát triển phần mềm mới bắt đầu bắt tay vào phát triển ứng dụng cho "đứa con" của Microsoft, bao gồm Aldus với phần mềm xuất bản nổi tiếng của họ là Aldus PageMaker. Với các tác vụ văn phòng, Microsoft tung ra các phiên bản PowerPoint, Word, và Excel với chất lượng xuất sắc dành cho Windows 3.0, cùng nhiều phần mềm khác. Bạn có thể thực sự làm việc được trên một chiếc máy tính chạy Windows 3.0.

Và cuối cùng, CHESS.BMP

Windows 3.0 tròn 30 tuổi – Điều gì khiến hệ điều hành của Microsoft trở nên đặc biệt?

Để kết thúc bài viết "hoài niệm" về hệ điều hành Windows 3.0, làm sao có thể quên được tấm ảnh hình nền độ phân giải cao (640x480) có 16 màu mà Microsoft tích hợp sẵn trong đó?

Ở thời đại các card đồ hoạ VGA bắt đầu phổ biến, nhiều người dùng cũng dần sử dụng môi trường đồ họa ở các độ phân giải cao hơn, như 640x480. Để đáp ứng nhu cầu đó, Microsoft đã tích hợp CHESS.BMP, một bức ảnh hình nền đồ họa với các quân cờ bay bay trong không trung phía trên một bàn cờ dường như kéo dài vô tận. Người dùng Windows không được hỗ trợ screensaver cho đến Windows 3.1 (ra mắt năm 1992), do đó CHESS.BMP là một sự thay thế hoàn hảo.

Chúc mừng sinh nhật, Windows 3.0!

Quang Huy theo How-to Geek

Chủ đề khác