VnReview
Hà Nội

Sony bị phạt 2,4 triệu USD vì không chịu hoàn tiền game PlayStation

Trước phán quyết của Tòa án Liên bang Úc, Sony sắp phải nộp phạt 2,4 triệu USD vì đã vi phạm Luật Người tiêu dùng Úc.

Tòa án Liên bang Úc vừa thông qua án phạt 2,4 triệu USD với bị cáo là công ty Sony SIE Châu Âu (thuộc Sony Châu Âu). Họ bị cáo buộc vì đã đưa ra các mô tả sai lệch và gây hiểu lầm trên trang chủ của mình cũng như trong các giao dịch với khách hàng Úc, dựa theo các quyền lợi được bảo vệ bởi Luật Người tiêu dùng Úc (ACL).

Ủy ban Cạnh tranh & Tiêu dùng Úc (ACCC) cáo buộc Sony Châu Âu đã đưa ra các mô tả gây hiểu lầm tới bốn người khách, khiến họ tin rằng mình đã mua phải các trò chơi PlayStation bị lỗi. Chính đại diện dịch vụ chăm sóc khách hàng của hãng đã nói ra những điều này qua điện thoại, dựa trên chính sách được quy định.

Sony bị phạt 2,4 triệu USD vì vi phạm Luật Người Tiêu dùng Úc (ảnh: Notebookcheck)

Cụ thể, Sony Châu Âu cho rằng mình được miễn trừ trách nhiệm hoàn tiền trò chơi một khi nó đã được tải về, hoặc quá hạn 14 ngày kể từ sau khi được mua. Nhưng theo Chủ tịch ACCC là ông Rod Sims "quyền lợi của khách hàng không bị hết hiệu lực sau khi một sản phẩm kỹ thuật số được tải về, cũng như không biến mất sau 14 ngày hoặc bất kỳ kỳ hạn nào mà cửa hàng trò chơi hay nhà phát triển đưa ra".

Tòa cũng tuyên bố Sony Châu Âu đã vi phạm ACL khi nói với một trong bốn người khách rằng công ty không phải hoàn lại tiền trừ khi nhà phát triển trò chơi đó ủy quyền cho họ. Cũng như vi phạm vì đã nói với một vị khách thứ năm rằng công ty có thể hoàn trả dưới dạng tiền ảo thay vì tiền thật.

Theo ACCC, Sony có nghĩa vụ phải hoàn tiền cho khách hàng thay vì tìm cách chối bỏ trách nhiệm sau khi sản phẩm kỹ thuật số đã được tải về (ảnh: DualShockers)

Theo ACCC, "khách hàng được tiếp nhận sửa chữa, thay thế hoặc hoàn tiền trực tiếp cho các sản phẩm bị mắc lỗi nghiêm trọng xuất phát từ người bán", không thể đùn đẩy sang cho bên phát triển sản phẩm. Và việc hoàn tiền cho khách hàng cần phải thực hiện dưới dạng tiền mặt hoặc chuyển tiền.

Ông Sims còn bổ sung thêm rằng khách hàng dù mua bản game kỹ thuật số cũng cần được đảm bảo các quyền lợi không khác gì so với mua từ cửa hàng vật lý. Bất kỳ công ty nào trên thế giới, chỉ cần thực hiện giao dịch với khách hàng tại Úc đều phải tuân thủ theo ACL. Thực tế, đây không phải lần đầu Sony dính vào rắc rối pháp lý ở Úc. Trong quá khứ, công ty đã vài lần để xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự. Ngoài Sony, Samsung cũng từng là một nạn nhân của ACCC.


Ambitious Man

Chủ đề khác