VnReview
Hà Nội

Châu Âu điều tra Apple Store và Apple Pay độc quyền

Liên minh châu Âu EU sẽ bắt đầu mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Apple Store và dịch vụ Apple Pay của Táo Khuyết bắt đầu từ ngày 16/6/2020.

Theo The Verge, Ủy ban Châu Âu đang xem xét mở hai cuộc điều tra cùng lúc nhằm kiểm chứng các cáo buộc liên quan đến hành vi độc quyền của App Store và dịch vụ Apple Pay.

Cuộc điều tra đầu tiên sẽ xem xét các chính sách của App Store có vi phạm các quy tắc cạnh tranh của EU hay không, đặc biệt sau hàng loạt khiếu nại của Spotify và Rakuten về việc Apple giảm 30% lượng đăng ký và doanh số ebook của các ứng dụng này trên App Store.

Margrethe Vestager, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của EU cho biết, chúng tôi cần đảm bảo rằng các quy tắc của Apple không làm ảnh hưởng đến hoạt động cạnh tranh trên thị trường với các đối thủ khác. Vì Apple cũng sở hữu dịch vụ phát nhạc Apple Music và sách Apple Books, tức là đối thủ của Spotify và Rakuten nên việc điều tra là cần thiết.

Spotify khẳng định, Apple sử dụng App Store như một cách để kìm hãm sự đổi mới và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng, đặc biệt là hướng họ chuyển sang dùng Apple Music. Trong khi đơn khiếu nại của Rakuten gửi lên EU hồi đầu năm nay cáo buộc, Apple lấy đi 30% hoa hồng từ việc bán sách điện tử của dịch vụ này trên App Store và lợi dụng chính chợ ứng dụng App Store để quảng bá cho dịch vụ Apple Books.

Bên cạnh các cuộc điều tra App Store, Ủy ban Châu Âu cũng sẽ điều tra Apple Pay để đánh giá xem hệ thống thanh toán của Apple có vi phạm các quy tắc cạnh tranh của EU hay không. Apple được cho đã hạn chế quyền truy cập tính năng NFC trên một loạt thiết bị như iPhone, Apple Watch. Điều này cũng đồng nghĩa các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ tài chính không thể hỗ trợ tính năng thanh toán thông qua NFC.

Vestager khẳng định, xu hướng thanh toán di động ở Châu Âu đang ngày càng tăng do đại dịch Covid-19 và đây là động lực để EU điều tra Apple Pay. Bởi lẽ Apple thường đặt các điều kiện khi sử dụng Apple Pay thông qua các ứng dụng và website của các thương nhân. Ngoài ra, Apple Pay cũng không cung cấp tính năng "Tap & Go" cho iPhone để hỗ trợ thanh toán nhanh một chạm. Điều quan trọng hơn cả là Apple không cung cấp tính năng mà đáng lẽ ra người tiêu dùng cần được hưởng lợi.

Cuộc điều tra liên quan đến Apple Pay được thực hiện sau hơn nửa năm các nhà lập pháp Đức bỏ phiếu ủng hộ yêu cầu Apple phải cho phép các công ty khác sử dụng chip NFC. Trong khi đó phía Apple cho rằng, động thái trên của các nhà lập pháp có thể gây hại cho quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng.

Một phát ngôn viên của Apple nhấn mạnh: "Thật là thất vọng khi Ủy ban Châu Âu đang đưa ra những khiếu nại vô căn cứ từ một số các công ty đơn giản chỉ muốn miễn phí và không muốn tuân thủ theo quy tắc như những người khác. Chúng tôi không nghĩ rằng điều đó đúng một chút nào. Chúng tôi muốn duy trì một sân chơi bình đẳng, ở đó bất cứ ai có quyết tâm và ý tưởng tuyệt vời đều có thể thành công".

Mặc dù vậy không lâu sau đó, Apple lại đưa ra một tuyên bố khẳng định sẵn sàng đón nhận bất cứ cáo buộc nào và Táo Khuyết cho rằng, đây là cơ hội để hãng chứng minh sự trong sạch và mục tiêu cung cấp tới người dùng những ứng dụng, dịch vụ tốt nhất.

Hai cuộc điều tra mở ra chỉ một ngày sau khi Apple dẫn nghiên cứu khẳng định, tổng doanh số giao dịch trên App Store đã đạt tới 517 tỷ USD trong năm 2019.

Tiến Thanh

Chủ đề khác