VnReview
Hà Nội

Huawei khẳng định không có luật pháp nào tác động được tới đến quyền riêng tư của họ

Mới đây trên kênh YouTube chính thức của Huawei, hãng công nghệ Trung Quốc đã có đôi điều chia sẻ về lý do tại sao công ty khó có thể bị tác động bởi đạo luật tình báo của Trung Quốc.

Huawei đã có một thời gian dài phải đối mặt với những biện pháp cấm đoán từ phía chính phủ Mỹ. Phía Mỹ cho rằng, Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia trong khi Huawei luôn kịch liệt phản đổi bất cứ cáo buộc nào của Mỹ.

Một trong những bước đi leo thang nhất của Mỹ là cấm Huawei mua phần cứng và dịch vụ của các công ty Mỹ. Sau đó dù chính phủ Mỹ liên tục trì hoãn ban hành lệnh cấm nhưng rốt cuộc Mỹ vẫn quyết định giữ lệnh trừng phạt này kéo dài tới năm 2021.

Thậm chí chính phủ Mỹ còn có các bước đi mạnh tay hơn khi gây sức ép với các đồng minh như Nhật Bản, Úc, New Zealand sớm cấm cửa Huawei tham gia xây dựng hệ thống mạng 5G.

Cách đây không lâu, chính phủ Mỹ cũng lên kế hoạch tài trợ cho Brazil mua thiết bị mạng 5G của Ericsson và Nokia, nhằm thay thế cho Huawei. Gần đây, Mỹ cũng gây áp lực với các công ty sử dụng công nghệ của Mỹ như TSMC nhằm hạn chế quyền tiếp cận với nguồn cung chip của Huawei.

Mỹ luôn tin rằng, luật tình báo của Trung Quốc sẽ biến Huawei trở thành gián điệp cho chính phủ nước này. Cụ thể, bộ luật này của Trung Quốc có quy định bất cứ tổ chức hoặc công dân nào cần phải hỗ trợ và hợp tác trong hoạt động tình báo của quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế không chỉ Trung Quốc mới có những bộ luật như vậy nhằm chống tội phạm và bảo vệ an ninh quốc gia.

Lấy ví dụ đầu tiên phải kể đến đạo luật "Electronic communication privacy act" ban hành vào năm 1986. Một phần trong đạo luật này quy định, một nhà cung cấp dịch vụ liên lạc điện tử sẽ phải cung cấp tất cả thông tin, phương tiện hoặc hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để chặn các liên lạc của công dân Mỹ hoặc công dân không phải người Mỹ sống trên đất Mỹ.

Hay như một đạo luật khác của Mỹ có tên FISA (Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài) về cơ bản khá giống với bộ luật tình báo mới của Trung Quốc. Theo Wikipedia, FISA ban hành vào năm 1978 là luật liên bang. Nó đưa ra các quy định giám sát vật lý và điện tử, đồng thời thu thập thông tin tình báo từ các đặc vụ của nước ngoài hoặc những người nghi ngờ gián điệp và khủng bố.

Mặc dù luật này cần có sự cho phép của một tòa án đặc biệt. Nhưng vào năm 2018, đạo luật nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) được Hạ viện Mỹ thông qua kèm điều khoản tất cả tòa án đều được quyền cấp phép.

Một đạo luật khác có tên là Cloud của chính phủ Mỹ hoặc đạo luật sử dụng dữ liệu ở nước ngoài hợp pháp cho phép chính phủ Mỹ có thể buộc các công ty công nghệ nước này chuyển giao dữ liệu được lưu trữ trên các máy chủ ở bên ngoài nước My, miễn là nó thuộc về một công ty Mỹ.

Vào năm 2018, quốc hội Úc cũng đã thông qua dự luật Assistance and Access. Luật này còn được gọi là luật chống mã hóa. Về cơ bản, luật này có thể yêu cầu các công ty Úc phải ngừng hoạt động mã hóa dữ liệu và bảo mật dữ liệu cá nhân. Các công ty như Apple, WhatsApp hay Cisco đã lên tiếng phản đối dự luật này nhưng cuối cùng thì nó vẫn được thông qua.

Với những dẫn chứng trên có thể thấy, luật tình báo của Trung Quốc không phải là bộ luật duy nhất có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Một công ty luật nước Anh có tên Clifford Chance và công ty Tây Ban Nha Cremades & Calvo Sotelo cũng đưa ra kết luận tương tự, đồng thời cho rằng luật tình báo của Trung Quốc không thể buộc các công ty của họ hoạt động gián điệp.

Ngoài ra, luật pháp Trung Quốc chỉ được phép áp dụng được ở Trung Quốc và không áp dụng cho các công ty con ở ngoài quốc gia tỷ dân. Điều này khác so với một số đạo luật cho phép chính phủ Mỹ truy cập vào dữ liệu của các công ty Mỹ ở nước ngoài.

Nói cách khác, luật tình báo Trung Quốc ảnh hưởng đến hầu hết các công ty của nước này. Như vậy các công ty như Xiaomi, OnePlus, Oppo hay Vivo, BOE sẽ đều phải tuân theo đạo luật này chứ không riêng gì Huawei.

Vì vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Mỹ chỉ nhắm vào Huawei chứ không phải là công ty khác? Câu trả lời có lẽ chỉ chính nước Mỹ mới biết.

Tiến Thanh

Chủ đề khác