VnReview
Hà Nội

App Store đạt 519 tỷ USD doanh thu năm 2019 vác cách Apple "lách" luật chống độc quyền

Apple đang tìm cách bảo vệ kho ứng dụng di động của mình trước những cuộc điều tra chống độc quyền liên tiếp của giới chức các nước.

Thứ Hai vừa qua, Apple đã công bố kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế Analysis Group, trong đó cho thấy kho ứng dụng App Store đã tạo ra ước tính khoảng 519 tỷ USD doanh thu từ việc bán các sản phẩm vật lý lẫn kỹ thuật số trong năm 2019.

Trong số đó, Apple cho biết chỉ có khoảng 61 tỷ USD các mặt hàng kỹ thuật số phải "chịu" mức chia sẻ doanh thu 30% với Apple (hoặc 15% đối với những gói thuê bao dài hạn) – mục tiêu chủ yếu của các cuộc điều tra chống độc quyền. Hạng mục này bao gồm nhóm ứng dụng lớn nhất – các trò chơi điện tử – cùng các giao dịch mua hàng trong ứng dụng, một số gói thuê bao và doanh số bán các ứng dụng trả phí.

Apple: Kho ứng dụng App Store đã tạo ra 519 tỷ USD doanh thu trong năm 2019

Nghiên cứu này cũng rất cẩn thận khi chỉ ra rằng số liệu này không phải là tổng doanh thu của App Store. Analysis Group cho biết họ tính cả một số mục khác, chẳng hạn như doanh thu từ các thuê bao những dịch vụ streaming trực tuyến, có thể được người dùng đăng ký và trả tiền qua các nền tảng khác của riêng nhà cung cấp, nhưng chủ yếu vẫn hoạt động dựa trên nền tảng của các thiết bị iOS, cũng như các ứng dụng doanh nghiệp thường được các công ty lớn mua cho nhân viên sử dụng.

Quảng cáo trong ứng dụng, một hạng mục cũng chủ yếu gắn với các ứng dụng trò chơi điện tử, đóng góp 45 tỷ USD doanh thu. Doanh thu từ các ứng dụng còn lại – từ các ứng dụng gọi xe trực tuyến, giao đồ ăn cho tới các gian hàng bán lẻ – mang lại phần doanh thu trị giá 413 tỷ USD còn lại; và nghiên cứu cũng cho biết rằng Apple không "đòi" chia sẻ một đồng nào từ doanh số của các ứng dụng dịch vụ này.

Trên thực tế, chúng ta đã từng biết đến cách thức mảng kinh doanh dịch vụ đầy béo bở này của Apple hoạt động như thế nào và doanh thu mà nó mang lại qua từng tuần và từng tháng. Tuy nhiên, thật thú vị khi lần đầu tiên được chứng kiến chính Apple phân tích chi tiết đến từng hạng mục như vậy.

Vì sao những số liệu này lại quan trọng đối với Apple? Dĩ nhiên, Táo Khuyết muốn không chỉ các nhà phát triển ứng dụng mà cả các cơ quan thực thi pháp luật coi App Store là một "ngành kinh tế" đang phát triển mạnh mẽ mà, theo ngôn ngữ của Apple, rất "năng động, cạnh tranh và nở rộ mạnh mẽ".

Nhà sản xuất iPhone chỉ là một trong số rất nhiều công ty công nghệ lớn hiện đang chịu sự truy xét kĩ lưỡng của chính quyền Washington, cũng như Bộ Tư pháp Mỹ và Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ đang tìm hiểu liệu các công ty công nghệ lớn như Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft có đang nắm quá nhiều quyền lực và sử dụng chúng cho các hành vi độc quyền hay không.

Apple: Kho ứng dụng App Store đã tạo ra 519 tỷ USD doanh thu trong năm 2019

Biểu đồ doanh thu từ kho ứng dụng App Store của Apple. Màu hồng: doanh số bán các sản phẩm và dịch vụ vật lý. Màu tím đậm: doanh số bán các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số. Màu xanh: doanh số quảng cáo trong ứng dụng. Nguồn: Apple

Đặc biệt, riêng Apple đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích trong nhiều năm qua vì mức chia sẻ doanh thu bắt buộc lên đến 30%, khiến những công ty đang cung cấp các dịch vụ cạnh tranh với Apple, như Spotify, cảm thấy bất công, đồng thời dẫn đến các cáo buộc và ít nhất một vụ kiện từ các nhà phát triển cho rằng Apple đang độc quyền. Trong cuộc "đấu trí" dài hơi giữa Apple và Spotify, hiện Uỷ ban châu Âu đang điều tra Apple sau khi Spotify chính thức nộp đơn kiện chống lại Táo Khuyết tại châu lục này.

Áp lực gia tăng dường như đã dẫn tới việc Apple bổ sung một số tính năng có lợi cho người tiêu dùng, chẳng hạn như trợ lý ảo Siri hiện đã hỗ trợ Spotify. Đa số những tranh luận về mối quan hệ giữa Apple và các nhà phát triển trong thời điểm này nằm ở chỗ liệu Apple đang trở thành một "kẻ độc tài" đang có nguy cơ dính vào các vấn đề pháp lý vì sự "tận thu" của mình hay, như quan điểm của Apple, chỉ là một nhân tố cộng sinh trong hệ sinh thái di động.

Đặt các vấn đề pháp lý sang một bên, chúng ta có thể thấy có một vài số liệu thú vị trong báo cáo này, khi Apple chia nhỏ số liệu doanh thu ra theo từng hạng mục. Theo kết quả nghiên cứu, các ứng dụng du lịch và ứng dụng của các hãng hàng không mang lại 57 tỷ USD doanh thu đặt vé, trong khi các ứng dụng đặt xe và giao đồ ăn mang lại con số doanh thu lần lượt là 40 tỷ USD và 31 tỷ USD cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, "tay chơi" lớn nhất theo báo cáo này là các ứng dụng của ngành công nghiệp bán lẻ, đem lại doanh thu vượt xa so với tất cả các nhóm dịch vụ nêu trên.

"Trong số 519 tỷ USD doanh thu mà hệ sinh thái App Store đã tạo ra trong năm 2019, nghiên cứu cho thấy doanh số bán các sản phẩm và dịch vụ vật lý chiếm thị phần cao nhất, lên đến 413 tỷ US đoanh thu. Trong nhóm này, các ứng dụng thương mại điện tử tạo ra phần lớn doanh số, và trong số đó, doanh số từ mảng bán lẻ là cao nhất, ước đạt 268 tỷ USD.

Các loại ứng dụng thương mại điện tử khác cũng nằm trong nhóm những ứng dụng tạo ra doanh thu đáng kể nhất. Các ứng dụng du lịch, chẳng hạn như Expedia và United, mang đến khoản doanh thu 57 tỷ USD. Các ứng dụng đặt xe, bao gồm Uber và Lyft, đóng góp 40 tỷ USD; trong khi đó các ứng dụng giao đồ ăn như DoorDash và Grubhub mang lại 31 tỷ USD."

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chia doanh thu ứng dụng theo các khu vực địa lý: người tiêu dùng Mỹ đem lại 138 tỷ USD doanh thu cho kho ứng dụng App Store, trong khi người dùng Trung Quốc "đóng góp" lên đến 246 tỷ USD.

Quang Huy

Chủ đề khác