VnReview
Hà Nội

Việc Olympus tháo chạy báo trước một cuộc đại tu toàn diện ngành máy ảnh Nhật Bản

Việc Olympus;thông báo sẽ tách bộ phận hình ảnh, vốn sản xuất các máy ảnh số cũng như quay video, và bán cho một công ty cổ phần tư nhân vào ngày 24/06 đã báo hiệu rằng sẽ có những động thái tương tự xảy ra trong thời gian sắp tới.

Việc Olympus tháo chạy khỏi thị trường báo hiệu sự cải tổ toàn diện cho cả ngành máy ảnh Nhật Bản

Ngành công nghiệp máy ảnh số của Nhật Bản đã từng được coi là ngang hàng với ngành ô tô tại quốc gia này về khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Thế nhưng, chính smartphone đã đẩy các công ty sản xuất máy ảnh đến bờ vực sụp đổ. Và năm nay, đại dịch coronavirus đã đánh sập gần như toàn bộ ngành công nghiệp vốn đang đứng trên bờ vực thẳm này.

Trong phần công bố sẽ bán bộ phận hình ảnh của mình cho Japan Industrial Partners (JIP), Olympus đã mô tả tình hình thị trường hiện tại là "cực kỳ nghiêm trọng". Công ty này đã phải điều chỉnh lại các cơ sở sản xuất của mình và thúc đẩy lợi nhuận thu về từ mảng ống kính có thể hoán đổi, thế nhưng, Olympus đã thua lỗ liên tiếp 3 năm, tính đến hết tháng 3 năm nay.

Olympus không phải là nhà sản xuất máy ảnh số duy nhất đang phải vật lộn với tình cảnh khó khăn này.

Bộ phận hình ảnh của Nikon, tập trung vào việc phát triển những chiếc máy ảnh số, đã hoàn thành năm tài chính (tính đến hết tháng 3) với khoản lỗ 17,1 tỉ Yên (tương đương 158,7 triệu USD), giảm từ mức lợi nhuận 22 tỉ Yên vào hồi năm trước. Trong tháng 11, bộ phận này đã phác thảo một kế hoạch xây dựng lại, tập trung vào "phân khúc chuyên nghiệp", vốn tiêu thụ 3 triệu ống kính có thể hoàn đổi mỗi năm. Nó nhằm mục đích cắt giảm 50 tỉ Yên từ chi phí hoạt động của năm tài chính 2019 vào cuối năm tài chính 2022. Sự cắt giảm này sẽ bao gồm việc điều chỉnh lại các nhà máy sản xuất, thu hẹp sản phẩm và tiết chế nhân sự.

Hoạt động máy ảnh số của các công ty như Ricoh và Panasonic cũng tiếp tục gặp khó. Lợi nhuận hoạt động từ bộ phận hệ thống hình ảnh của Canon đã giảm 48,2 tỉ Yên trong năm, tính đến tháng 12, giảm 62% so với năm trước. Biên lợi nhuận của họ chỉ là 6%, khác xa so với mức 27% mà họ đã đạt được trong cùng kỳ năm 2007, trước cú sốc Lehman.

Casio Computer trong những năm 1990 cũng đã tiên phong trong thị trường máy ảnh số với sản phẩm QV-10 của mình, vốn được trang bị màn hình tinh thể lỏng (LCD) ở mặt sau. Thế nhưng, công ty này đã rút khỏi thị trường máy ảnh số thương mại vào năm 2018.

"Một mô hình đúc máy ảnh là một tùy chọn", một giám đốc điều hành cấp cao của một ngân hàng đầu tư, đề cập đến việc sản xuất hợp đông. Vị giám đốc này bổ sung rằng, ngành máy ảnh số đang hướng tới một cuộc cải cách.

Theo Hiệp hội Sản phẩm Hình ảnh và Máy ảnh, thị trường máy ảnh số đạt đỉnh vào năm 2010 khi có 121 triệu thiết bị được bán ra. Trong năm 2019, con số này chỉ khoảng 15 triệu.

Sự giảm sút này đã gia tăng do đại dịch coronavirus, với chỉ 2,63 triệu thiết bị được bán ra trong 4 tháng đầu năm, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Olympus tháo chạy khỏi thị trường báo hiệu sự cải tổ toàn diện cho cả ngành máy ảnh Nhật Bản

Với việc thị trường bị thu hẹp ở tốc độ nhanh như vậy, các công ty sản xuất máy ảnh số nhiều khả năng sẽ rơi vào nguy cơ khủng hoảng tài chính. Một số nhà phân tích tin rằng, toàn bộ ngành máy ảnh sẽ bị sụp đổ, trừ khi các công ty thực hiện những cuộc cải cách lớn, chẳng hạn như phân tích thiết kế và phát triển từ sản xuất cũng như củng cố sản xuất.

Một thập kỉ trước, ngành công nghiệp máy ảnh đã kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng. "Các máy ảnh số duy trì khả năng cạnh tranh của mình nhờ vào sức mạnh từ mô hình kinh doanh cũng như ‘việc so sánh và điều chỉnh' vốn có trên ô tô", Bộ kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cho biết vào hồi tháng 6 năm 2010. Máy ảnh số, cùng với ô tô, được ca ngợi như là thành trì vững chắc của ngành sản xuất Nhật Bản khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng kỹ thuật số tại quốc gia này đang bị thách thức bởi những đối thủ từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Smartphone không phải là nguyên nhân duy nhân duy nhất khiến các nhà sản xuất máy ảnh Nhật Bản, vốn đã tạo tiếng vang gần như trên toàn thế giới, rơi vào tình trạng này. Ngành công nghiệp Nhật Bản, vốn có xu hướng cạnh tranh với những sản phẩm của chính họ, cũng nên tự trách mình.

"Các công ty máy ảnh Nhật Bản thường có ý định bóp nghẹt đối thủ của họ thông qua sự cạnh tranh quá mức, nhưng cuối cùng, họ sẽ tự bóp nghẹt mình", Hiroshi Hamada giải thích hồi 11 năm trước. Thời điểm đó, Hamada là Giám đốc Điều hành của Hoya, công ty đã mua lại Pentax. Ông hiện là chủ tịch và CEO của Aruhi – một nhà cung cấp các dịch vụ tài chính.

Khi còn giữ chức chủ tịch Dell Nhật Bản, Hamada đã thành lập mô hình bán hàng trực tiếp cho Dell và giúp công ty này chiếm lĩnh vị trí thứ ba tại thị trường PC ở Nhật Bản.

"Nó khá giống với ngành công nghiệp máy tính cá nhân", sau này khi ông đề cập đến lĩnh vực máy ảnh số. "Rất nhiều nhà sản xuất cạnh tranh quá mức."

"Nhật Bản dồn vào thị trường máy ảnh bằng cách đánh đuổi người Đức", một đại lý máy ảnh Châu Âu hỏi Hamada khi ông còn làm việc tại Hoya. "Tại sao các nhà sản xuất Nhật Bản hiện tại lại phải cạnh tranh với nhau để giảm giá?"

Vào thời điểm đó, nhiều nhà sản xuất tràn vào thị trường, dẫn đến mức giá hàng năm giảm từ 10% trở lên. Ngoài ra, chu kỳ sản phẩm cũng đã bị rút ngắn lại và các sản phẩm dần trở nên lỗi thời với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Loại cạnh tranh này rất tuyệt vời đối với người tiêu dùng, mang lại cho họ sự lựa chọn đa dạng và chi phí thấp hơn. Thế nhưng, nó cũng làm giảm khả năng đầu tư của các nhà sản xuất.

Sau khi ra mắt máy ảnh số vào những năm 1990, Sony đã mua lại bộ phận máy ảnh của Minolta, và Ricoh cũng mua lại mảng kinh doanh Pentax từ Hoya. Dẫu vậy, đã có gần 10 công ty chiến đấu với họ tại Nhật Bản, cho đến khi Casio, vốn tập trung vào những mẫu máy ảnh compact nhỏ gọn, chọn cách thoát khỏi thị trường vào năm 2018.

Tác động từ quyết định tháo chạy khỏi thị trường máy ảnh và hi sinh 84 năm kinh nghiệm của Olympus có thể lan rộng.

Năm ngoái, Olympus đã mời 2 nhà đầu tư chủ động từ ValueAct Capital có trụ sở tại Mỹ tham gia vào hội đồng quản trị của mình với tư cách là giám đốc không điều hành. Vào tháng 11, họ đã công bố một kế hoạch kinh doanh trung hạn, đưa ra mục tiêu lợi nhuận hoạt động từ mức 20% trở lên vào năm tài chính 2023. Và có lẽ, việc rút khỏi mảng kinh doanh hình ảnh sẽ giúp công ty này giảm thiểu mức thua lỗ.

Ricoh mới đây cũng đã trao đổi với các nhà đầu tư chủ động. Với việc đã thu hẹp và hợp nhất các hoạt động của mình, chẳng hạn như thông qua việc bán một số cổ phần trong Ricoh Leasing, lối đi của bộ phận máy ảnh của Ricoh là rất đáng xem. Bên cạnh đó, Panasonic, thương hiệu đã hợp tác với Olympus để cùng phát triển tiêu chuẩn Micro Four Thirds cho máy ảnh không gương lật hoán đổi ống kính vào những năm 2000, cũng cần phải đẩy mạnh các hoạt động của mình.

Minh Hùng theo Nikkei

Chủ đề khác