VnReview
Hà Nội

'Hắn ta hủy hoại mọi thứ' - Mark Zuckerberg trở thành 'ác quỷ' ra sao

Từng được xem là nhà lãnh đạo táo bạo, Mark Zuckerberg giờ bị coi hiện thân của những gì xấu xí nhất ngành công nghệ và bị buộc tội hủy hoại uy tín của Thung lũng Silicon.

Sau khi đi xa rồi trở về, bạn thường thấy quê nhà chẳng có mấy đổi thay. Quán rượu quen vẫn vậy, người đưa thư giao thư trên con đường cũ. Giáo viên dạy hóa ở trường trung học của bạn cũng chẳng rời đi. Nhưng câu chuyện ở khu vực vịnh San Francisco không diễn ra như thế. Tương lai tại đây dường như phát triển với tốc độ gấp 10 lần phần còn lại của nước Mỹ.

Tại đó có máy bay không người lái mới, dịch vụ giao hàng được hỗ trợ AI trên khắp mọi nơi, xe trượt điện, ôtô bán tự động, vòng tay theo dõi từng hơi thở, bước đi, giấc ngủ mắt chuyển động nhanh… "Thứ duy nhất ở San Francisco thay đổi nhanh hơn công nghệ là thái độ đối với các ông trùm công nghệ", nhà báo Nick Bilton của Vanity Fair nhận định.

Hôm nay, Elon Musk là một nhà phát minh lỗi lạc. Ngày hôm sau, anh ta có thể trở thành một gã nghiện công kích thợ lặn người Anh trong vụ giải cứu hang Tham Luang. Hôm sau nữa, Elon Musk giới thiệu tên lửa SpaceX và lại được coi là thiên tài.

Facebook dính vô số lùm xùm trong thời gian qua. Ảnh: New York Times.

Kẻ bị căm ghét

CEO Twitter Jack Dorsey bị chỉ trích dữ dội khi cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump vi phạm các điều khoản về dịch vụ trên Twitter. Rồi ông ta đột nhiên trở thành người vĩ đại nhất thế giới nhờ chính sách cấm quảng cáo chính trị và cợt nhả logo mới của Facebook. Cựu CEO Uber Travis Kalanick rời khỏi công ty với vô vàn tranh cãi nhưng vẫn có một số lượng lớn người hâm mộ trong thế giới công nghệ.

Có lẽ nhân vật duy nhất luôn luôn không được hoan nghênh là CEO Facebook Mark Zuckerberg. Trong nhiều năm, Zuckerberg được ca ngợi là nhà lãnh đạo táo bạo và thông thái ở Thung lũng Silicon, có thể qua mặt bất kỳ đối thủ nào.

Dĩ nhiên Zuckerberg đã có một vài hành động ấu trĩ như chơi khăm Sequoia Capital hay sử dụng tấm danh thiếp ghi "I'm CEO, Bitch" (Tao là CEO đó, đồ khốn). Nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà sáng lập, doanh nhân, thậm chí một số nhà báo công nghệ... vẫn xem anh ta là một lãnh đạo thông thái.

Zuckerberg không chỉ xây dựng mạng xã hội lớn nhất thế giới mà còn nắm quyền kiểm soát toàn bộ công ty này. Zuckerberg sở hữu phần lớn cổ phần chi phối Facebook, do đó công ty này sẽ mãi mãi nằm trong tay doanh nhân 36 tuổi.

Nhưng thiện cảm dành cho CEO Facebook giờ đã cạn kiệt. "Trong chuyến đi gần nhất của tôi đến San Francisco, chẳng một ai nói với tôi bất cứ điều gì tốt đẹp về Facebook, dù đây là nơi sản sinh hàng loạt triệu phú địa phương sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) năm 2012", cây bút Nick Bilton của Vanity Fair viết.

CEO Mark Zuckerberg kiểm soát hoàn toàn Facebook. Ảnh: Getty Images.

Danh tiếng của Facebook suy sụp do những bê bối về quyền riêng tư, scandal dữ liệu Cambridge Analytica tác động đến cuộc bầu cử năm 2016. Mới đây nhất là vụ hơn 750 thương hiệu lớn nhỏ tẩy chay quảng cáo trên Facebook để phản đối việc mạng xã hội này xuất bản các nội dung thù địch, kích động.

Thêm vào đó, Facebook độc quyền thị trường quảng cáo kỹ thuật số, khiến các công ty truyền thông mắc kẹt trong hệ thống của mạng xã hội này, rồi gây những tác hại nghiêm trọng với doanh nghiệp khi thay đổi thuật toán.

Trong khi đó, Zuckerberg chưa bao giờ nhận trách nhiệm về những tác động tiêu cực mà Facebook tạo ra với thế giới. Anh ta phủ nhận trách nhiệm của Facebook với tư cách một nền tảng truyền thông ("Chúng tôi là một công ty công nghệ chứ không phải công ty truyền thông") hay bên phân xử những nội dung thù địch ("Chúng tôi không nên là trọng tài của sự thật").

"Phá hủy mọi thứ"

Zuckerberg còn tàn nhẫn đè bẹp các đối thủ bằng những vụ thâu tóm hoặc sao chép tính năng của họ. "Trong chuyến đi đến Thung lũng Silicon, tôi đã gặp một nhà đầu tư mạo hiểm địa phương đầu tư vào cà phê. Ông từng dự đoán viễn cảnh màu hồng cho thế giới công nghệ. Nhưng khi được hỏi về Zuckerberg, ông ta bắt đầu nổi đóa", nhà báo Nick Bilton kể lại.

"Hắn ta đã phá hủy nơi này", nhà đầu tư mạo hiểm gay gắt nói với nhà báo Bilton. "Bất cứ khi nào một ý tưởng mới xuất hiện, Zuckerberg đều mua hoặc sao chép rồi dập tắt nó. Vấn đề của Facebook đã vượt xa tin giả. Nó như thể hút cạn dưỡng khí tại Thung lũng Silicon", người này nhấn mạnh.

Zuckerberg không phải ông trùm duy nhất làm nhơ danh tiếng của ngành công nghệ trên báo chí. Nhưng không giống các đồng nghiệp khác, anh ta luôn tỏ ra mình biết tất cả mọi thứ. Khi Musk bị chỉ trích trong bê bối liên quan đến vụ giải cứu hang Tham Luang, ông chủ Tesla thừa nhận mình "là một tên ngốc chết tiệt". Kalanick thú nhận: "Tôi là một gã tồi" sau video ông ta la mắng một tài xế Uber.

Tuy nhiên, khi biên kịch Aaron Sorkin viết thư xin Zuckerberg suy nghĩ lại về việc cho phép quảng cáo chính trị trên nền tảng, Zuckerberg đăng tải lên trang Facebook cá nhân một trích dẫn từ bộ phim The American President của chính biên kịch này, ngụ ý bảo vệ tự do ngôn luận.

Một nhà đầu tư khác mô tả Facebook và Zuckerberg "là điều đáng sợ". Một số khác nhận xét họ "không có sự tự nhận thức". Thậm chí, một nhân viên cấp cao của Zuckerberg kể rằng ông chủ của họ rất ít khi thể hiện cảm xúc, đôi khi anh ta trông giống như robot. "CEO của Facebook cố đạt sự tăng trưởng về số người dùng, doanh thu quảng cáo và thị phần bằng bất cứ giá nào", nhà báo Charlie Warzel nhận định.

Hàng trăm công ty lớn nhỏ, bao gồm các đại gia như Unilever, Ford, Coca-Cola, Microsoft... tham gia chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên nền tảng Facebook và Instagram. Ảnh: Getty Images.

Theo Vanity Fair, nếu đọc một tờ báo cách đây hai thập kỷ, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp một bài báo về Bill Gates với câu chuyện tương tự Zuckerberg ngày nay. Nhà sáng lập Microsoft từng làm ngơ luật lệ và sẵn sàng đá phăng bất cứ đối thủ nào cản đường trên đường đua.

Giống với CEO Facebook, Gates thể hiện sự khinh thường với Quốc hội và thậm chí đi đến cuộc đấu tranh chống lại chính phủ Mỹ khi bị buộc tội vi phạm luật chống độc quyền hồi năm 1998. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Có thể chính phủ Mỹ đã kiềm chế Gates thành công, hoặc ông già đi và trở nên khiêm tốn hơn.

Chỉ trong vòng một thập kỷ, CEO từng được coi là hiện thân của bóng ma ngành công nghệ đã trở thành lãnh đạo được yêu thích nhất thế giới. Nhưng có một số lý do cho thấy Zuckerberg không thể thay đổi giống Gates. Đầu tiên, cổ phiếu Facebook tiếp tục tăng giá và hội đồng quản trị không có lý do để chống lại anh ta. Zuckerberg kiểm soát toàn bộ công ty và dường như ngày càng trở nên bất chấp hơn.

Hơn nữa, nhà báo Nick Bilton nhận định Zuckerberg đã đi quá xa để có thể trở lại. Không giống Gates, người đã đạt đến đỉnh cao và sau đó quay lại phát triển về mặt tinh thần, Zuckerberg dường như vẫn tập trung phát triển cỗ máy kiếm tiền Facebook bất chấp chi phí xã hội. "Zuckerberg là người cố chấp nhất mà tôi từng gặp", một người từng làm việc với Zuckerberg khẳng định.

Theo Zing

Chủ đề khác