VnReview
Hà Nội

Thấy gì từ việc Tiktok dừng dịch vụ ở Hồng Kông?

Rõ ràng các công ty công nghệ như TikTok đang phải đối mặt với các bài toán kiểm duyệt nội dung đau đầu không kém Facebook, Google tại thị trường Trung Quốc.

Mới đây ứng dụng mạng xã hội TikTok đã lên tiếng khẳng định sẽ rút lui khỏi thị trường Hồng Kông. Thông tin này được đưa ra không lâu sau khi Trung Quốc đại lục thông qua luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông.

Một phát ngôn viên của TikTok khẳng định: "Trong bối cảnh các sự kiện gần đây, chúng tôi đã quyết định ngừng mọi hoạt động của ứng dụng TikTok tại Hồng Kông". Người này cũng cho biết người dân Hồng Kông sẽ không thể tải được TikTok. Hiện tại có khoảng 150 ngàn người dùng TikTok tại Hồng Kông.

Cụ thể Hồng Kông mới đây đã thông qua các quy định về tiêu chuẩn kiểm duyệt Internet mới. Theo đó các công ty dịch vụ Internet có thể bị buộc phải cung cấp hoặc xóa các dữ liệu liên quan đến những người vi phạm các quy định của bộ luật an ninh mạng. Trước đó TikTok cũng khẳng định sẽ không tuân thủ các yêu cầu về kiểm duyệt nội dung của chính phủ Trung Quốc để đảm bảo tính minh bạch dữ liệu người dùng.

Ra đi là cách giải quyết tốt nhất trong lúc này đối với TikTok

Theo Fang Kecheng, trợ lý giáo sư tại Đại học Hồng Kông cho rằng, quyết định của TikTok là không thể tránh khỏi nếu như mạng xã hội này muốn quốc tế hóa và cố gắng tách khỏi Trung Quốc.

Đây cũng là mục tiêu của TikTok. Tuy kiếm phần lớn lợi nhuận từ thị trường nội địa Trung Quốc nhưng mạng xã hội này muốn xây dựng một hình ảnh thương hiệu quốc tế, đồng thời làm hài lòng giới chức Mỹ.

TikTok cũng hiểu rằng, nếu mạng xã hội này còn tiếp tục hoạt động ở Hồng Kông, mọi thứ sẽ ngày càng khó khăn hơn so với hoạt động ở nước ngoài. Chính vì vậy, giải pháp ra đi được coi là hợp tình hợp lý trong lúc căng thẳng này.

Cách đây không lâu hàng loạt các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Google, Facebook, Twitter đã đồng loạt từ chối xử lý các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng của chính quyền Hồng Kông. Các bên cho rằng, Hồng Kông chưa có đánh giá về mức độ an toàn của luật an ninh mạng mới.

Từ lâu, ứng dụng TikTok của công ty mẹ ByteDance luôn bị truyền thông phương Tây quy kết lạm dụng thông tin người dùng và chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên phía TikTok luôn một mực phủ nhận điều này.

Mới đây, Ấn Độ cũng đã ban hành lệnh cấm ứng dụng TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc trong một động thái trả đũa ngoại giao với quốc gia láng giềng vì xung độ quân sự.

Hay cách đây vài ngày, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố Mỹ đang xem xét cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, bao gồm TikTok với các cáo buộc do thám người dùng.

Theo tờ BBC đưa tin, các công ty khác như Microsoft, nền tảng họp trực tuyến Zoom và dịch vụ nhắn tin ẩn danh Telegram sẽ sớm tạm dừng chia sẻ dữ liệu với Hồng Kông. Phía Apple cũng đã khẳng định lập trường cứng rắn với đạo luật Internet mới và yêu cầu các tổ chức tư nhân phải tuân thủ luật pháp khi yêu cầu truy cập vào dữ liệu khách hàng của Apple.

Tiến Thanh theo Qz

Chủ đề khác