VnReview
Hà Nội

Sony đang xây dựng một đế chế streaming?

Sony vừa thực hiện một vụ đầu tư vào Epic Games, công ty đứng sau trò chơi nổi tiếng toàn cầu Fortnite. Thoạt nhìn, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến việc chuẩn bị cho màn ra mắt PS5 sắp tới. Nhưng đó có phải tất cả?

Với khoản đầu tư 250 triệu USD vào Epic Games, Sony sẽ sở hữu 1,4% cổ phần trong công ty. "Thông qua khoản đầu tư, chúng tôi sẽ khám phá các cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa với Epic, nhằm mang tới giá trị cho các khách hàng và ngành công nghiệp. Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ trò chơi điện tử, mà còn là toàn bộ lĩnh vực giải trí kỹ thuật số", CEO tập đoàn Sony nói.

Hai hãng đã có sự cộng tác từ trước khi Fortnite có mặt trên hệ máy PS4. Ngoài ra, Sony còn sử dụng công cụ Unreality của Epic để phát triển video ca nhạc thực tế ảo, trò chơi điện tử. Bước đầu, khoản đầu tư sẽ mở ra cơ hội để thắt chặt các mối quan hệ lợi ích của họ hơn nữa, đưa công nghệ của Epic vào nhiều dự án sản xuất nội dung của Sony hơn.

Ca sĩ thuộc Sony Music tổ chức sự kiện ảo trong Fortnite, thu hút gần 28 triệu người tham gia (ảnh: Nikkei)

Thế nhưng, đằng sau đó còn là sự hứng thú của tập đoàn đa ngành Nhật Bản với nền tảng giải trí xây dựng từ công nghệ của Epic. Rapper người Mỹ Trasvis Scott là một nghệ sĩ trực thuộc Sony Music Entertainment, hãng ghi âm lớn thứ hai thế giới, đã tổ chức một concert trong Fortnite. Sự kiện ảo này đã thu hút gần 28 triệu người chơi tham gia trong ba ngày.

Từ thành công đó, Sony nhận ra tiềm năng của khía cạnh tương tác trong thế giới ảo của Fortnite, khi người chơi có thể đến dự các sự kiện như ngoài đời thực. nắm trong tay hai công ty giải trí về phim ảnh và âm nhạc, Sony có thể tận dụng tiềm năng này để thúc đẩy hơn nữa sự phổ biến của kho nội dung mình sở hữu.

Khoản đầu tư của Sony xuất phát từ trụ sở của chi nhánh quản lý Hoa Kỳ, không phải từ đơn vị trò chơi như nhiều người tưởng. Đây chính là tín hiệu cho thấy mối quan hệ liên ngành giữa Sony và Epic không đơn giản là vì PS5, trò chơi điện tử hay điều gì tương tự. Họ đang nhắm đến một thứ to lớn hơn thế.

Tầm nhìn của CEO Sony là hướng tới 'Tập đoàn sáng tạo nội dung giải trí dựa trên nền tảng công nghệ' (ảnh: Sony)

Dưới sự lãnh đạo của ngài Yoshida, Sony đặt trọng tâm hàng đầu của họ là nội dung. 'Tập đoàn sáng tạo nội dung giải trí dựa trên nền tảng công nghệ' là những gì mà vị CEO này mô tả về tầm nhìn của mình, bắt đầu từ thương vụ thâu tóm EMI Publishing để biến Sony thành hãng xuất bản âm nhạc lớn nhất thế giới.;

Sony thực sự là một doanh nghiệp gắn chăt với nội dung, hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác trên thế giới. Ở lĩnh vực điện tử, họ tham gia vào cả phát triển thiết bị sản xuất lẫn tiêu thụ nội dung, cùng các tiêu chuẩn lưu trữ lẫn chuẩn hóa chất lượng nội dung. Tại ngành giải trí, họ sở hữu cả hãng phim lẫn hãng đĩa trực tiếp sản xuất và phân phối nội dung. Một cơ cấu độc nhất vô nhị.

Với sự lên ngôi của hình thức streaming, công ty bắt đầu tích cực thâu tóm các tài nguyên kỹ thuật số để khám phá cơ hội kinh doanh mới. Mới tháng Tư vừa rồi, họ cũng đầu tư 400 triệu USD vào nền tảng streaming video Bilibili của Trung Quốc, bây giờ là đến Epic Games sở hữu Fortnite. Thay vì bỏ hàng tỷ USD xây dựng một hệ thống streaming riêng, công ty chọn cách "cắm rễ" vào các nền tảng kỹ thuật số hiện có.

Không cần trực tiếp phân phối, Sony sẽ đẩy các nội dung của mình tới khán giả thông qua nhiều dịch vụ streaming nhằm thu lợi (ảnh: Sony)

Cuối cùng, các nội dung kỹ thuật số mà Sony sản xuất sẽ hiện diện trên mọi nền tảng dưới nhiều hình thức khác nhau. Streaming là cầu nối để họ tiếp cận với nhiều khách hàng hơn và công ty Nhật đang muốn lợi dụng điều đó, xây dựng một đế chế streaming mà không cần sở hữu dịch vụ streaming thực sự. 

Ambitious Man

Chủ đề khác