VnReview
Hà Nội

Túi tiền người dùng rồi sẽ bị ‘vắt kiệt’ bởi các dịch vụ thuê bao?

Mô hình thuê bao không còn mới lạ với chúng ta nữa. Rất nhiều phần mềm, dịch vụ đang cung cấp hình thức thanh toán kiểu này. Tuy nhiên, dường như các công ty đang khiến nó trở thành một loại hình "hút máu".

Đến cả cảm biến hình ảnh cũng có dịch vụ thuê bao?

Không phải sản phẩm nào cũng nên được giới thiệu cùng mô hình thuê bao đi kèm nó. Mới đây nhất, Sony là công ty tiếp theo úp mở về một mô hình thuê bao mà họ đang phát triển. Theo báo cáo, Sony dự định công bố một dịch vụ thuê bao đối với mặt hàng cảm biến hình ảnh. Thứ này không được bán trực tiếp cho chúng ta, vậy nên chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ: "Tại sao tôi phải quan tâm đến dịch vụ thuê bao cho các cảm biến mà tôi không mua?".

Về cơ bản, Giám đốc Sony là ông Hideki Somemiya ngụ ý rằng đăng ký thuê bao sẽ hình thành một thị trường mới, còn lớn hơn cả thị trường cảm biến hiện nay xét về giá trị. Sony mơ về những tờ đô la kiếm được qua phí thuê bao hàng tháng hoặc hàng năm, tạo thành dòng tiền đều đặn chảy vào túi họ. So với việc hoàn thành các đơn hàng cảm biến, nguồn thu mới này ổn định hơn.;

Cảm biến tích hợp AI đầu tiên trên thế giới của Sony

Sẽ còn rất lâu nữa trước khi dịch vụ thuê bao giàu tiềm năng này ảnh hưởng tới túi tiền của người dùng. Thực tế, nó không ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân chẳng bao giờ đến gặp Sony để đặt hàng cảm biến hình ảnh. Nhưng, nó sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang là khách hàng của cảm biến Sony. Công ty Nhật Bản cho biết thị trường đầu tiên mà họ nhắm đến là lĩnh vực camera giám sát an ninh, bán lẻ,...

Nếu Sony thành công với chiến lược mới này, nó sẽ nhanh chóng nở rộ và trở thành một loại phí đi kèm mỗi khi đạt hàng cảm biến của họ. Và rồi, điều gì đến sẽ đến, chi phí mà các công ty như Apple, Huawei, Amazon... trả cho dịch vụ của Sony sẽ chuyển sang chính túi tiền chúng ta. Bạn biết đấy, cảm biến hình ảnh đến từ công ty Nhật Bản hiện diện ở khắp nơi, smartphone, tablet, bất cứ sản phẩm nào có camera.

‘Đại dịch' đăng ký thuê bao định kỳ

Bạn nghĩ rằng chỉ mỗi Sony thì cũng không sao? Thực ra kiểu kinh doanh thuê bao định kỳ này đã lây lan khắp ngành công nghiệp rồi. Tháng Mười năm ngoái, Sonos âm thầm tung ra dịch vụ thuê bao Flex ở Hà Lan. Nó cho phép một lượng giới hạn các hộ gia đình có thể thuê loa của họ với chi phí thấp. Vào tháng Năm, Wink bất ngờ nói với khách hàng rằng họ sẽ phải thanh toán qua một dịch vụ thuê bao mới, phí 5 USD mỗi tháng.

Mỗi tháng, bạn thanh toán bao nhiêu cho các dịch vụ mà thậm chí còn không thể nhớ hết tên chúng?

Cần tôi kể ra thêm không? Apple đã công bố tại một sự kiện hồi tháng Ba năm ngoái hàng loạt các dịch vụ mới, tất cả đều là thuê bao định kỳ. Bản thân các lập trình viên trên App Store cũng phải dùng một dịch vụ dành riêng cho họ. Microsoft đã từ lâu bán gói thuê bao All Access, Xbox Pass cho người dùng Xbox và Surface. Google có gì nào? YouTube Music, Stadia Pro,... Walmart cũng đang rục rịch cho một dịch vụ mới để cạnh tranh lại Amazon Prime.

Và một ví dụ gần gũi nhất, rất nhiều người dù đã đăng ký thuê bao Netflix nhưng vẫn không tránh khỏi phải đăng ký thêm dịch vụ khác. Có thể là Disney+, Apple TV+, HBO Max... Đơn giản bởi mỗi nền tảng streaming này đều có những nội dung độc quyền riêng. Nếu chỉ dùng hạn chế một dịch vụ rất dễ bị rơi vào tình trạng nhàm chán khi không còn nội dung mới để xem. Vậy là mỗi tháng lại tốn vài chục USD nữa chỉ vì ông lớn nào cũng muốn có nền tảng của riêng mình.

Những thông báo kiểu này được đưa ra nhỏ giọt và đến từ các công ty khác nhau, nên hầu như bạn sẽ chẳng để ý mấy. Chỉ đến khi nhìn lại vào lịch sử thanh toán hóa đơn của thẻ tín dụng, bạn bất chợt nhận ra tháng vừa rồi mình đã tốn rất nhiều tiền cho các dịch vụ đó. Chưa kể có những khoản phí thuê bao "âm thầm" tính gộp vào giá bán sản phẩm, kiểu như dịch vụ thuê bao cho cảm biến hình ảnh của Sony ở đầu bài.

Tự động gia hạn hàng tháng, làm sao có thể kiểm soát được tổng mức chi tiêu chính xác đây? (ảnh: getty)

Tất cả đơn giản chỉ vì tiền

Có một lý do vững chắc đứng sau sự tăng trưởng không ngừng của mô hình kinh doanh thuê bao định kỳ này. Khoản tiền thanh toán một lần mỗi khi mua phần cứng không còn thỏa mãn được mục tiêu lợi nhuận của các công ty nữa. Nhất là trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, họ không ngừng phải đầu tư cho máy chủ hoạt động, hỗ trợ khách hàng, tìm tòi công nghệ mới... Đôi khi cắt giảm cả biên lợi nhuận trên mỗi sản phẩm bán ra hòng giành thị phần. Sau đó mới lôi kéo khách hàng mua các dịch vụ thanh toán định kỳ để thu lợi lâu dài.

Không nói đâu xa, chính Sony cũng tiết lộ ý tưởng về việc tung ra gói dịch vụ cho khách mua cảm biến là học hỏi từ mảng trò chơi. Đơn vị này dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh trong tập đoàn, tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ mà TV, smartphone hay máy ảnh kỹ thuật số không thể sánh bằng. Hãng đặc biệt nhấn mạnh nguồn thu từ dịch vụ PS Plus và PS Now, lần lượt đã có hơn 40 triệu và 1 triệu thuê bao. Khi mà doanh số phần cứng PS4 suy giảm, phí thuê bao trở thành cứu cánh cho họ.

Tương lai

Điều gì sẽ xảy đến với các sản phẩm mà chúng ta mua? Khái niệm sở hữu hay sản phẩm vật lý chết dần. Người ta hướng tới mô hình kinh tế thuê bao. Thậm chí có thể bán phần cứng với mức lợi nhuận tối thiểu nhất, nhưng để khai thác được nó một cách trọn vẹn, bạn phải đăng ký thuê bao định kỳ hoặc trả thêm tiền để mở khóa một số tính năng cao cấp.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà thuê bao định kỳ chi phối (ảnh: Abacus)

Cuối cùng, một số người ở đây sẽ chẳng sở hữu thực sự một thứ gì đó trong đời. Có thể là bất kỳ thứ gì xung quanh chúng ta, tủ lạnh, TV, điện thoại,... Bạn không thể tự do phối hợp những bộ quần áo và phụ kiện với nhau khi bạn… thuê chúng. Sách e-book hoặc bản kỹ thuật số của một trò chơi hay bộ phim sẽ không thể chia sẻ cho nhau dễ dàng như một sản phẩm vật lý.

Chúng ta sẽ bị rằng buộc bởi một thứ gọi là Điều khoản Dịch vụ, thứ trao cho các công ty quyền lực với sản phẩm của họ chứ không phải khách hàng đã mua chúng. Về cơ bản, họ nắm đằng chuôi. Một tương lai tồi tệ mà chúng ta đang mù quáng sa vào. Rồi đây, cứ mỗi tháng bạn phải thanh toán cho rất nhiều dịch vụ, gồm cả những cái không tự mình đăng ký. Chúng tự gia hạn và cứ từ từ "gặm nhấm" tài khoản của bạn.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Victoria Song đến từ Gizmodo, VnReview lược dịch cho bạn đọc.


Ambitious Man

Chủ đề khác