VnReview
Hà Nội

Tại sao nhiều người bỏ ra cả triệu USD để mua màn microLED của Sony?

Có giá bán ra từ hàng trăm ngàn cho tới cả triệu USD và sử dụng công nghệ microLED tiên tiến, màn hình Sony gây ấn tượng mạnh với các khách hàng trên thế giới.

Công nghệ microLED đang gây được sự chú ý của giới mộ điệu. Dù được hứa hẹn rất nhiều, nhưng rào cản lớn nhất của microLED hiện nay là quy trình sản xuất phức tạp, vướng nhiều rào cản chưa vượt qua được. Hệ quả là công nghệ mới có giá thành đắt đỏ, gần như không thể phổ cập tới đại chúng.

Hiện nay, dù có hàng chục công ty đang đầu tư nghiên cứu microLED nhưng rất ít hãng có thể tiến tới thương mại hóa, dù chỉ là trên quy mô nhỏ. Cái tên được biết tới nhiều nhất trong ngành là Sony, khi họ vừa là người đầu tiên trình làng nguyên mẫu TV microLED tại CES 2012, vừa công bố sản phẩm thương mại đầu tiên của công nghệ này năm 2016.

Hành trình của microLED: được phát minh lần đầu năm 2000, nguyên mẫu trưng bày đầu tiên vào 2012 và sản phẩm thương mại đầu tiên công bố vào 2016

Theo một bài đăng trên trang sixteen-nine vào giữa năm 2019, đại diện Sony xác nhận họ đã hoàn thành được hơn 50 đơn hàng trên toàn cầu. Đó là thông tin hiếm hoi về việc kinh doanh màn hình microLED mà chúng ta có hiện nay. Theo IHS Markit dự báo, thị trường microLED phải chờ đến năm 2026 mới phổ cập xuống thị trường đại chúng. Tốc độ thương mại hóa còn tương đối chậm chạp, tính từ nguyên mẫu đầu tiên công bố năm 2012 đến bây giờ đã là 8 năm.

Thị trường phù hợp nhất với microLED trong thời gian đầu này không gì khác chính là khối doanh nghiệp, tổ chức, viện nghiên cứu hay bảo tàng. Và với những đơn vị có đủ tiềm lực chi đến hàng trăm ngàn hay hàng triệu USD như vậy, chất lượng hình ảnh mới là thứ họ kỳ vọng đạt được. Trong danh sách khách hàng đã đặt mua hệ thống CLEDIS của Sony, có nhiều cái tên quen thuộc với chúng ta như Google, NTT Docomo, Fox Sport, Honda,...

Giám đốc thiết kế toàn cầu Mitsibishi khen ngợi công nghệ microLED (ảnh: Sony)

Mitsubishi cũng là một trong số các công ty mua màn hình Sony. Được đặt tại hai trung tâm thiết kế sản phẩm ở Tokyo và Okazaki, mỗi hệ thống Crystal LED có kích thước 5,6 x 2,3m và độ phân giải 4.480 x 1.800 pixel, phục vụ cho đội ngũ thiết kế của Mitsubishi. Trong đó có ông Tsunehiro Kunimoto, Giám đốc thiết kế toàn cầu của công ty, công nhận rằng "so với công nghệ LED thông thường, microLED đạt tới các khía cạnh xuất sắc nhất, vượt trội trong việc diễn đạt và có khả năng tái hiện lại thiết kế…".

Trong khi đó, nhà thiết kế Alessandro Dambrosio đang làm việc cho Mitsubishi cũng bị thuyết phục tương tự. "Khi lần đầu trông thấy Crystal LED tại trụ sở Sony, tôi đã bị choáng ngợp bởi chất lượng hình ảnh tuyệt đẹp. Tại hãng xe từng công tác, chúng tôi sử dụng nhiều màn hình ghép lại và bị lộ rõ các đường viền… Crystal LED không hề xuất hiện đường kẻ nào. Hoàn toàn bình thường nếu nói chúng là các màn hình được đưa tới từ chiều không gian khác…".

Màn hình microLED tại tòa nhà cao cấp EDGE Olympic

Đó là với công việc của các nhà thiết kế xe hơi tại Mitsubishi đòi hỏi chất lượng hiển thị phải thật chính xác, còn với EDGE Technologies, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp giải pháp tòa nhà thông minh và bền vững, họ lại cần một màn hình thật đẹp trưng bày tại phòng họp. Ở đây, Sony đã lắp đặt một màn hình microLED cỡ nhỏ chỉ 3,2 x 1,8m, có độ phân giải 2.560 x 1.440 pixel.

Giám đốc tài chính của công ty là Erik Ubels đã giải thích về sự lựa chọn của họ: "Chúng tôi đã biết ngay từ đầu rằng Sony là sự lựa chọn chính xác để hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Crystal LED cần thiết phải có trong tòa nhà cao cấp EDGE Olympic của chúng tôi. Nó đại diện cho một thế giới hoàn toàn mới của loại màn hình khổ lớn…". Tại châu Âu, họ là một trong các khách hàng đầu tiên đặt hàng màn hình microLED Sony.

Và không chỉ được sử dụng để trình chiếu video tại phòng họp, thiết kế sản phẩm trong trung tâm thiết kế của các hãng xe, màn hình microLED cũng có thể phục vụ trưng bày, trình diễn tại hành lang. Hãng hàng không China Eastern Airlines đã cộng tác cùng Sony China để thiết kế một brand showroom hiện đại, tương lai. Họ đã lắp đặt ở đây một màn hình Crystal LED khổng lồ dài tới 10m, độ phân giải 8K x 2K.

Tại brand showroom của;China Eastern Airlines, hành lang lắp đặt một hệ thống CLEDIS dài 10m

Thế nhưng, hành lang của China Eastern Airlines vẫn chưa phải giới hạn của công nghệ microLED. Vào tháng Tư năm 2019, Sony thông báo hoàn tất lắp đặt hệ thống Crystal LED lớn nhất từ trước tới nay. Đó là một bức tường hiển thị theo đúng nghĩa đen khi dài tới 19,3m và cao 5,4m. Hệ thống Crystal LED này cũng có độ phân giải cao nhất trong các dự án của Sony lẫn toàn ngành công nghiệp, đạt 16K và được ghép từ 576 module.

Khách hàng lần này là hãng mỹ phẩm Shiseido, một trong những công ty lâu đời nhất của ngành này đã gần 150 tuổi. Hệ thống CLEDIS của họ được ước đoán có mức chi phí không dưới 5,8 triệu USD (tương đương khoảng 135 tỷ đồng), nếu tính theo giá dự đoán mỗi module là 10.000 USD không bao gồm phí lắp đặt và các khoản phát sinh khác. Tất nhiên mức giá cuối cùng của dự án không được công bố, nhưng điều gì đã khiến công ty chịu chi đến như vậy?

Bức tường hiển thị được tạo nên từ 576 module và có đường chéo 790 inch (ảnh: Sony)

Với mục đích xây dựng Trung tâm Đổi mới Toàn cầu Shiseido tại thành phố Yokohama thật ấn tượng, họ muốn tất cả mọi người khi bước chân vào tòa nhà phải trầm trồ trước một thứ gì đó. Ở đây là một màn hình có đường chéo 790 inch, chiếu các video 16K được thiết kế độc quyền cho Shiseido với chất lượng cao, trông không khác gì một bức tường hiển thị sống động.

Khách tham quan, nhân viên hãng sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ khoảng trống hay đường viền nào giữa các module, tạo trải nghiệm thị giác liền mạch giống như nhà thiết kế Mitsubishi ở trên. Tetsuyuki Kushiro là người dẫn dầu dự án này đánh giá rất cao sản phẩm Sony. Ông thừa nhận đã "nổi da gà" vào khoảnh khắc nhìn thấy nó khi hoàn thành.

Các video 16K độc quyền được trình chiếu mang lại cảm giác choáng ngợp với bất kỳ ai (ảnh: Sony)

Màn hình Crystal LED của Sony chắc chắn phải rất tuyệt vời mới thuyết phục được những doanh nghiệp như Mitsubishi, Shiseido, China Eastern Airlines đến thế. Mặc dù là sản phẩm hướng tới khách hàng doanh nghiệp (B2B), nó đã cho thấy tiềm năng rõ ràng của công nghệ microLED. Công nghệ màn hình của tương lai ngành công nghiệp hiển thị.

Ambitious Man

Chủ đề khác