VnReview
Hà Nội

Mỹ có thể là bên chịu thiệt hại nặng nhất nếu Donald Trump cấm TikTok

Dịch vụ chia sẻ video TikTok đang phải bước vào một cuộc chạy đua với thời gian nhằm hoàn tất thoả thuận với Microsoft, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ sẽ cấm ứng dụng vốn thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc là ByteDance.

Đối với Trump, việc Microsoft tiếp quản TikTok sẽ giúp giảm đi phần nào nỗi ám ảnh của ông và bộ sậu về sự trỗi dậy của TikTok: dữ liệu phát sinh trong ứng dụng bị gửi về Trung Quốc, nơi chúng được phân tích bởi chính quyền nước này. Tất nhiên, ByteDance phủ nhận điều đó.

Trong một bài viết trên blog, Microsoft cho biết hãng đang thương thuyết để nắm quyền điều hành TikTok tại Mỹ, Canada, Australia, và New Zealand, và dự kiến quá trình thảo luận giữa hai bên sẽ kết thúc vào ngày 15/9 tới.

TikTok đã bị ông Trump đưa vào tầm ngắm từ nhiều tháng qua giữa tình hình căng thẳng về địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; và chiến dịch bầu cử của ông Trump đã chi ra hàng ngàn USD cho các quảng cáo Facebook nhằm tiếp cận hàng triệu cử tri trong hai tuần qua với thông điệp TikTok đang theo dõi người dùng tại Mỹ.

Thông điệp đó có lẽ không chính xác - theo các nhà nghiên cứu bảo mật - bởi dữ liệu mà TikTok thu thập chẳng khác là bao so với các nền tảng mạng xã hội của Mỹ. Bản thân TikTok cũng khẳng định họ chưa từng nhận được bất kỳ yêu cầu trao quyền truy xuất dữ liệu nào từ chính phủ Trung Quốc - và nếu có, họ cũng sẽ từ chối.

Động cơ của ông Trump trong việc triệt hạ TikTok dường như xuất phát từ vị thế ngày một đi xuống của nước Mỹ trong các dịch vụ chủ chốt trên internet. "Đây là ứng dụng đầu tiên cho người Mỹ có độ phổ biến rất cao nhưng không phải do người Mỹ tạo ra" -;Matthew Brennan, một nhà phân tích công nghệ tại Trung Quốc nói. "Tôi nghĩ người châu Âu có cái nhìn thiện cảm hơn đối với tình huống đó, trong khi đối với người Mỹ thì đây là lần đầu tiên họ đối mặt với vấn đề. Họ đang gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống".

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có cái nhìn tiêu cực về công nghệ Trung Quốc. Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc vào ngày 29/6 vừa qua, bao gồm cả TikTok, trong khi các chính trị gia tại Anh và Australia cũng đang kêu gọi cấm TikTok tại các quốc gia của mình. Cùng lúc đó, nhiều bản tin cho biết TikTok đang chuyển dần trụ sở toàn cầu của hãng đến London, và điều đó có thể khiến Anh rơi vào thế xung đột với Mỹ.

Brennan lo sợ rằng những lệnh cấm như trên có thể củng cố sự thống trị của Mỹ trong thế giới số. "Nếu TikTok bị cấm, hoặc thậm chí là bị buộc phải bán đi, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ cho những thứ tương tự như thế này". Những cải tiến trong tương lai diễn ra bên ngoài Thung lũng Silicon sẽ bị dập tắt vì các công ty lo sợ một khi thành công, họ sẽ phải "bán thân" hoặc bị cấm nếu trở nên quá phổ biến, Brennan nhận định.

Nhưng lệnh cấm nhằm vào TikTok cũng có thể "gậy ông đập lưng ông". Ở thời điểm hiện tại, các dịch vụ được sử dụng rộng rãi nhất, như Google, Facebook, và Amazon, đều thuộc sở hữu của Mỹ, và chúng có thể bị ảnh hưởng mạnh nhất nếu mối liên kết internet vượt trên biên giới quốc gia bị bẻ gãy. Nếu các quốc gia tìm cách tự mình tạo ra những phiên bản nội địa của các dịch vụ đó, sự thống trị toàn cầu của Mỹ sẽ có nguy cơ suy giảm nhanh hơn.

"Mỹ có quyền lực mềm, sức mạnh kinh tế và ưu thế trí tuệ từ sự thống trị của họ đối với internet để có thể thúc đẩy mạnh mẽ những biện pháp tiệm cận điên rồ kia", James Ball, tác giả cuốn sách sắp ra mắt mang tên "The System: Who owns the internet and how it owns us" nói. "Đó sẽ là một hành động tự huỷ hoại quốc gia".

Minh.T.T theo NewScientist

Chủ đề khác