VnReview
Hà Nội

Samsung có thể đang ngắm nghía mua lại cổ phần ARM

Samsung đang cân nhắc mua lại một cổ phần nhỏ trong ARM, ở mức khoảng từ 3% đến 5%. Kế hoạch này nhằm hướng đến những cổ phiếu còn lại, dành cho một hiệp hội các công ty bán dẫn không có nhà máy sản xuất.

Samsung có thể đang ngắm nghía mua lại cổ phần ARM

Mục tiêu của Samsung là giảm các khoản thanh toán tiền bản quyền trong việc sản xuất chipset dựa trên nền tảng ARM, bao gồm thiết kế CPU Cortex và GPU Mali. Gã khổng lồ Hàn Quốc sử dụng những thiết kế này trong các con chip Exynos của mình.

Ngay cả khi một công ty nào đó bỏ qua Cortex để sử dụng thiết kế CPU của riêng mình (chẳng hạn: các nhân M-series), họ vẫn cần phải trả tiền bản quyền cho việc sử dụng tập lệnh ARM. Điều đó không còn là mối lo ngại đối với Samsung nữa bởi họ đã đóng bộ phận CPU tùy biến của mình.

Tuy nhiên, Apple đang chuyển sang sử dụng các con chip "nhà trồng" dựa trên ARM của mình cho những chiếc máy Mac, thế nên, họ sẽ cần phải xin giấy phép trong trương lai gần. Đó chính là lý do tại sao Apple lại là một trong những công ty quan tâm đến việc mua lại ARM.

Một số nguồn tin tuyên bố rằng NVIDIA đã thực hiện "các cuộc đàm phán nâng cấp" nhằm mua lại toàn bộ ARM, nhưng sự khả thi của thương vụ này vẫn nằm trong diện nghi vấn. Liệu công ty chuyên sản xuất GPU này có bỏ ra 41 tỉ USD không? Con số này là định giá mà SoftBank đưa ra cho ARM.

Quan trọng hơn, một thương vụ lớn như vậy có thể không được chấp nhận. Các CPU được cấp phép ARM xuất hiện ở bất cứ đâu, từ smartphone đến máy giặt. Tất cả chúng đều đến từ một công ty duy nhất, khiến mối lo ngại về vi phạm chống độc quyền ngày càng tăng lên. SoftBank không tạo ra chipset, nhưng Apple, NVIDIA và Samsung đều cạnh tranh nhau trong lĩnh vực này ở một mức độ nào đó, thế nên, họ có thể bị ngăn chặn lại nếu cố gắng mua 100% cổ phần ARM.

Đó có thể là một phần lý do khiến Samsung không cố gắng tiếp quản công ty mà chỉ chia sẻ nó với một hiệp hội. Điều này sẽ đảm bảo với các cơ quan quản lý rằng sẽ không có bất kỳ hành vi chống cạnh tranh nào.

Samsung đã từng thực hiện một chiến lược như vậy khi mua lại 3% cổ phần của ASML (Hà Lan) hồi năm 2012 với giá 642 triệu USD. Đây hiện là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất thiết bị in thạch bản thiết yếu cho các con chip Extreme UltraViolet (EUV).

Kể từ đó, Samsung đã có một mối quan hệ tốt với công ty này, dù đã bán đi một nửa cổ phần của mình vào năm 2016 và hiện chỉ nắm giữ 1,5%. Samsung chiến 29% doanh số của ASML trong quý 1/2020, do họ đang mở rộng công suất cho các fab EUV của mình.

Minh Hùng theo GSMArena

Chủ đề khác