VnReview
Hà Nội

Microsoft tuyên bố "không rác thải" vào năm 2030

Microsoft vừa công bố mục tiêu ngừng tạo ra rác thải từ các hoạt động của mình vào năm 2030, đồng thời cam kết ngưng sử dụng nhựa dùng một lần cho bao bì sản phẩm vào năm 2025.

Là một phần trong mục tiêu không chất thải của mình, Microsoft sẽ thiết lập trung tâm "Circular Centers", cho phép công ty tái sử dụng hoặc tái chế 90% rác thải tại chỗ, thay vì gửi cho các bên thứ ba xử lý. Một trong những hạng mục có giá trị lớn sẽ được tái chế nội bộ là các máy chủ được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu của Microsoft. Công ty cũng cam kết loại bỏ rác thải khỏi quy trình sản xuất của mình, mặc dù các nhà cung cấp của họ dự kiến sẽ khó lòng cùng chung mục tiêu rác thải bằng không như Microsoft.

Năm ngoái, tổ hợp văn phòng lớn nhất của Microsoft đã thải ra đến 3.189 tấn rác. Mục đích cam kết mới đây của họ chính là đưa con số đó trở về mức 0 trong thập kỷ tới. Nhưng so với lượng rác văn phòng của Microsoft, thì lượng rác thải điện tử đến từ các sản phẩm tiện ích mà Microsoft và các nhà sản xuất khác tạo ra mới thực sự là vấn đề lớn cần phải giải quyết.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 7, thế giới đã thiết lập kỷ lục đáng buồn về lượng rác thải từng được tạo ra trên toàn cầu: 53.6 triệu tấn rác điện tử trong năm 2019. Con số đó dự kiến ​​sẽ còn tăng lên trong tương lai. Dẫu vậy, tuyên bố ngày hôm nay của Microsoft lại không hề đả động gì đến việc giảm lượng rác thải điện tử của họ, chưa chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với các sản phẩm mà họ bán ra thị trường.

"Các công ty điện tử đã làm rất tốt trong việc mang đến sự hài lòng và hiệu quả, nhưng sự thay đổi nhanh chóng nơi nhu cầu của người tiêu dùng cũng có thể dẫn đến kết quả là những thứ mà các nhà sản xuất đang tập trung phát triển thật ra đã lỗi thời. Vì vậy, hôm nay sản phẩm đó có thể là mới nhất, tuyệt vời nhất nhưng qua ngày hôm sau, nó sẽ chẳng khác gì một đống rác", Scott Cassel, người sáng lập Viện Quản lý sản phẩm phi lợi nhuận, trao đổi với The Verge sau khi báo cáo về rác thải điện tử toàn cầu được công bố. Cassel và những người ủng hộ khác đang hối thúc các công ty điện tử phải tạo nên những sản phẩm có thể ứng dụng lâu hơn, đồng thời thu thập, tái chế các thiết bị đó sau khi chúng không thể sử dụng được nữa.

Các nhóm hoạt động tích cực khác như US PIRG đã kêu gọi Microsoft ngưng phản đối "quyền sửa chữa" - đề xuất này sẽ yêu cầu các công ty tiết lộ thông tin về các sản phẩm của mình, cho phép người tiêu dùng tự sửa chữa hoặc thông qua các bên thứ ba. Những người ủng hộ luật "quyền sửa chữa" nói rằng họ hoàn toàn có thể giúp sản phẩm tiếp tục hoạt động thay vì phải ném chúng vào bãi rác.

Trao đổi với The Verge, Microsoft cho rằng việc đổi mới trọng tâm của công ty đối với cắt giảm rác thải sẽ không thay đổi lập trường của họ đối với đề nghị "quyền sửa chữa". Tuy nhiên, hãng cũng đã thiết kế để những chiếc Surface Laptop và Surface Pro X có thể dễ dàng tháo gỡ và sửa chữa hơn so với các mẫu trước đây.

Brian Janous, người đứng đầu mảng năng lượng và bền vững của Microsoft cho biết "chúng tôi cam kết tuyệt đối tăng cường khả năng sửa chữa các sản phẩm của mình, nhưng cũng cố gắng cân bằng các khía cạnh khác như an toàn, độ bền và tất nhiên, thứ có lẽ quan trọng nhất đối với chúng ta - quyền riêng tư và bảo mật".

"Đây mới chỉ là những bước đầu tiên trong hành trình. Sẽ có nhiều thứ nữa cần giải quyết khi chúng tôi tìm hiểu thêm về cách thức có thể thực sự tác động đến vòng đời của rác thải", Janous nói.

Cam kết vừa được công bố sẽ đi kèm với một mục tiêu môi trường đầy tham vọng khác của Microsoft hồi đầu năm: lượng carbon thải ra sẽ là con số âm vào năm 2030. Để gánh vác trọng trách đối với sự biến đổi của khí hậu, Microsoft đã tuyên bố vào năm 2030, họ sẽ xử lý để lượng khí thải ra thường niên sẽ thấp hơn lượng khí thải nhà kính mà họ xử lý được và vào năm 2050 sẽ loại bỏ khí thải để bù đắp hoàn toàn lượng khí thải carbon dioxide mà họ từng thải ra kể từ khi thành lập.

Giang Vu theo The Verge

Chủ đề khác