VnReview
Hà Nội

Hiếm hoi: Gia tộc giàu có nhất Thụy Sĩ này vẫn không ngừng thịnh vượng trong suốt 124 năm,

Gia tộc đứng đằng sau sự thành công của hãng dược nổi tiếng Roche đã tài tình lèo lái để vượt qua cạm bẫy mang tên "sự thay đổi thế hệ".

Fritz Hoffman (phải), người sáng lập F. Hoffmann-La Roche & Co và nhà hóa học Emil Barell vào năm 1898. Nguồn: Roche.

Chỉ với một vài thao tác khéo léo, một thế hệ mới của gia tộc Oeri-Hoffmann đã đánh dấu tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của mình đối với triều đại giàu có nhất ở Thụy Sĩ.

Đầu tiên, vào cuối năm ngoái, 7 thành viên thuộc thế hệ thứ 5 đã gia nhập vào nhóm cổ đông của gia tộc, nắm giữ 25 tỷ USD cổ phần của gã khổng lồ dược phẩm Roche Holding AG. Tiếp đó, vào tháng 3, Joerg Duschmale, một thành viên khác của thế hệ đó đã thay thế người chú của mình ngồi vào hội đồng quản trị của công ty thuốc.

Sự thay đổi này đã được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ. Con đường đi lên trở thành giám đốc của Duschmale đã được dự báo từ gần 2 năm trước trong một cuộc phỏng vấn công khai hiếm hoi, ông đã nhấn mạnh cam kết của gia đình đối với Roche, nền tảng của khối tài sản kếch xù từ năm 1896.

Joerg Duschmale. Ảnh: Maya & Daniele của BILANZ.

"Điều quan trọng là tiếp tục lịch sử thành công của gia đình và truyền lại nó cho những thế hệ kế cận. Chúng tôi đang cho thấy rằng gia đình sẽ tiếp tục đứng đằng sau và hỗ trợ công ty", ông chia sẻ với tờ tạp chí kinh doanh Bilanz của Thụy Sĩ.

Theo bảng xếp hạng hàng năm của Bloomberg, khối tài sản trị giá 39 tỷ USD của họ đã tăng gần một phần tư so với ban đầu trong vòng 12 tháng qua. Điều này nhờ vào doanh số bán các bộ xét nghiệm Covid-19 của Roche tăng vọt, giúp giá trị cổ phiếu của họ càng mạnh mẽ trong năm 2020.

Tuy nhiên, thứ mang đến sự nổi bật không chỉ nằm ở sự đồ sộ nơi tài sản mà còn là sự bền bỉ đáng ngưỡng mộ của nó. Gia tộc;Oeri-Hoffmann hiện tại đã là đời thứ năm và vẫn đang trở nên giàu có hơn bao giờ hết.

Trò chơi thế hệ

Cho đến nay, nhà sản xuất thuốc Roche vẫn do gia đình sáng lập của nó kiểm soát, đó là một thành tựu cực kỳ to lớn. Theo Balz Hoesly, một đối tác MME chuyên về quy hoạch bất động sản có trụ sở tại Zurich, thì không có đến 1/5 số công ty được sáng lập nên bởi gia đình vẫn còn có thể nằm trong tay họ ở thế hệ thứ ba.

"Chỉ một vài thành viên trong gia đình tỏ thái độ không hài lòng sẽ mang đến rắc rối thực sự", ông nói.

Đối với những ngườ giàu có ở mức độ không tưởng như vậy, quản lý sự thay đổi theo từng thế hệ được coi là mối quan tâm hàng đầu và thường trực. Dưới đây là một vài lý do tại sao gia tộc Oeri-Hoffmann đến nay vẫn có thể giải quyết vấn đề khó khăn này.

Sứ mệnh

Việc giám sát công việc tại Roche từ lâu đã trở thành một phần trong DNA của gia tộc.

Cổ phiếu Bearer do các thành viên trong gia đình nắm giữ cho phép họ quyền kiểm soát bỏ phiếu đối với nhà sản xuất thuốc mặc dù chỉ sở hữu khoảng 9% cổ phần công ty, họ luôn nhấn mạnh vai trò người quản lý của công ty.

Maja Oeri. Ảnh: Desiree Navarro/WireImage.

Sứ mệnh chung đó vẫn tạo ra sức ảnh hưởng ngay cả đối với những thành viên gia tộc đứng ngoài phần vốn chung. Maja Oeri, cháu gái của Fritz Hoffmann-La Roche, người sáng lập công ty, đã chuyển cổ phần của mình ra khỏi khối bỏ phiếu của gia tộc vào năm 2011. Nhưng bà ấy đã không bán bất kỳ cổ phiếu nào trong số cổ phần 8 triệu của mình kể từ đó.

Thanh khoản

Sự ổn định cổ phần của Hoffmann và Oeri được hỗ trợ bởi phần cổ tức khổng lồ mà họ nhận được, tổng trị giá hơn 700 triệu USD vào năm 2020. Đó là vận may trời cho hàng năm giúp đón đầu doanh số bán cổ phần, nếu không sẽ làm loãng cổ phần của gia đình.

Họ cũng được giúp đỡ bởi một số lượng tương đối nhỏ các thành viên gia đình chia cổ tức. Nhóm cổ đông của họ tập trung vào 15 cá nhân, so với hàng chục, đôi khi hàng trăm người thừa kế tại các gia tộc khác.

Tiết kiệm

Hầu hết các thành viên trong gia đình đều không có nhiều thời gian cho những thú vui hoang phí. Những bữa tiệc xa hoa hay siêu du thuyền đều không hề xuất hiện.

Theo hồ sơ Bilanz, Duschmale dùng xe đạp để đi làm và thứ xa xỉ nhất của anh là đôi giày leo núi. Người bác Andreas Oeri là một bác sĩ chỉnh hình đã duy trì việc hành nghề của mình trong suốt một phần tư thế kỷ dù vẫn tại vị hội đồng quản trị của Roche. Dì Beatrice Oeri - người đã bán lại cổ phần của mình cho nhóm cổ đông vào năm 2009 thì quản lý một câu lạc bộ nhạc jazz ở Basel.

Thuế

Tránh được một hóa đơn thuế đắt đỏ khi tài sản được chuyển giao giữa các thế hệ cũng rất hữu ích.

Thụy Sĩ không áp dụng thuế thừa kế liên bang. Bang Basel, nơi Roche và nhiều người trong gia đình cư trú, không đánh thuế cổ phần được truyền lại trong gia đình trực hệ của người đó.

Một nhà máy Hoffmann-La Roche ở Basel, Thụy Sĩ năm 1948. Ảnh: RDB/Ullstein Bild.

Sự thận trọng

Luôn biết cách giữ cho bản thân không quá nổi bật đã hỗ trợ rất tốt cho gia tộc cực thịnh tại Thụy Sĩ, cho phép họ tránh được những thất bại vốn thường xuất hiện và làm chia rẽ các gia tộc khác.

"Họ hoạt động rất riêng rẽ", một vị luật sự Thụy Sĩ cho biết. "Họ được xem là một gia đình bình thường, thân thiện". Cho đến nay, thế hệ thứ năm vẫn thể hiện một khuynh hướng tương tự.

Giang Vu theo Bloomberg

Chủ đề khác