VnReview
Hà Nội

Tổng thống Mỹ cấm tất cả giao dịch mua bán trên TikTok và WeChat sau 45 ngày tới

Tổng thống Trump vừa đưa ra sắc lệnh cấm tất cả giao dịch với công ty mẹ của TikTok, ByteDance trong nỗ lực "giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và truyền thông".;

Hiện sắc lệnh mới chưa có hiệu lực ngay lập tức mà sẽ bắt đầu từ ngày 20/9

"Sự phổ biến của các ứng dụng do chính phủ Trung Quốc kiểm soát tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phải có hành động tích cực chống lại đơn vị chủ quản TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia", sắc lệnh ghi rõ.

Không riêng gì TikTok, lệnh cấm cũng đã áp đặt lên các giao dịch với ứng dụng WeChat, nền tảng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc đang hoạt động với một cơ sở dữ liệu nhỏ tại Mỹ. Động thái này diễn ra sau nhiều diễn biến, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các ủy viên tại Nhà Trắng cảnh báo TikTok được xem là mối đe dọa an ninh quốc gia do thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc. Hôm 7/8, Trump cho biết với các phóng viên trên Air Force One rằng ông sắp sửa thông qua lệnh cấm một số ứng dụng mới vì có liên quan đến Trung Quốc.

Tuy nhiên nỗ lực này đang trở nên phức tạp hơn sau khi Microsoft mong muốn mua lại TikTok từ ByteDance. Vào hôm 2/8, CEO Microsoft Satya Nadella xác nhận rằng đang bàn bạc với Tổng thống Trump về khả năng mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Công ty cũng cho biết những kế hoạch hiện vẫn còn mang tính dự kiến và "không có gì đảm bảo rằng Microsoft sẽ hoàn tất một thương vụ lớn". 

Microsoft cam kết sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán với ByteDance trước ngày 15/9, trong khi sắc lệnh cấm giao dịch có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành, tức 20/9. Về phần mình, Tổng thống Trump đã đặt tên cho hai sắc lệnh là Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp – mở rộng thẩm quyền cho các thương vụ mua bán và Đạo luật Các Trường hợp Khẩn cấp Quốc gia – việc TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ và được xem như tình trạng khẩn cấp quốc gia là một ví dụ điển hình.

Động thái bất thường này của Nhà Trắng có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý. Theo quy định, cơ quan hành pháp có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt với cá nhân, tổ chức bằng cách liệt vào "danh sách thực thể", mà trước đó Mỹ đã thực hiện với Huawei và ZTE.

Nhưng các lệnh trừng phạt được đưa ra bởi Nhà Trắng là chưa từng có tiền lệ. Thông thường, Bộ Thương mại sẽ đảm nhận vai trò này. Việc Nhà Trắng đưa ra lệnh hành pháp bất ngờ sẽ làm phá vỡ một trình tự thủ tục đã được xây dựng từ trước.

Mặt khác, tổng thống cũng có quyền buộc các công ty Mỹ thoái vốn khỏi những tập đoàn thuộc sở hữu nước ngoài qua Ủy ban Đầu tư Nước Ngoài tại Mỹ (CFIUS). Nhưng làm như vậy cũng cần có một quy trình cụ thể, rành mạnh, và tất cả dường như đã bị loại bỏ để hướng đến một sắc lệnh cứng rắn hơn.

Không rõ lệnh hành pháp này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng hoạt động của TikTok trong thời gian tới. Không như Huawei và ZTE, TikTok không cần giấy phép để vận hành nền tảng và cũng không có nội dung nào trong lệnh cấm buộc các kho ứng dụng ngừng thông hành nó.

Tuy nhiên, lệnh cấm quy định rõ ràng ByteDance và các công ty con của mình đang hoạt động tại Mỹ sẽ không thể thực hiện các giao dịch tài chính ở cả hai đầu. Do đó, TikTok cần phải xoay sở tìm hướng giải quyết, có thể là bán mình cho Microsoft càng sớm càng tốt nếu không muốn dừng dịch vụ ngay lập tức sau khi lệnh cấm có hiệu lực.

Minh Hoàng theo The Verge

Chủ đề khác