VnReview
Hà Nội

Sony và tham vọng chinh phục thế giới giải trí bằng nội dung anime

Sony sẽ tận dụng sức mạnh của nhiều đơn vị trong tập đoàn nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh anime tại thị trường nước ngoài. Định hướng của tập đoàn là đưa loại hình nội dung này trở thành trụ cột thứ tư của danh mục sản phẩm giải trí, bên cạnh trò chơi điện tử, phim ảnh và âm nhạc.

CEO tập đoàn Nhật Bản phát biểu tại hội nghị chiến lược hôm 19/5: "Tập đoàn chúng tôi muốn cống hiến nội dung anime Nhật Bản tới người hâm mộ toàn cầu". Ông mô tả anime sẽ đóng vai trò như một "hoạt động kinh doanh có thể hiện thực hóa khái niệm ‘One Sony'", đã được họ theo đuổi lâu nay.

Nòng cốt của tham vọng biến anime thành một mặt hàng chiến lược là Aniplex, một công ty con sở hữu bởi Sony Music Entertainment Japan. Aniplex là đơn vị sản xuất và phân phối nhiều bộ anime nổi tiếng như Angel Beats!, Anohana: The Flower We Saw That Day, Charlotte, DARLING in the FranXX, Eromanga Sensei, series Fate, series Sword Art Online, Gintama, Your Lie in April,...

Sony không chỉ sản xuất và phân phối mà còn thực hiện cả phần âm nhạc trong các bộ anime của mình (ảnh:;Sony)

Gần đây nhất, dự án Kimetsu no Yaiba (tên tiếng Anh: Demon Slayer) của họ đã trở thành một hiện tượng văn hóa, một cơn bão quét qua cộng đồng yêu thích anime toàn cầu. Chính vì thành công ngoài mong đợi của bộ phim, tập đoàn Nhật Bản kỳ vọng có thể biến anime thành động lực tăng trưởng tương lai. Không chỉ giới hạn trong sản xuất và phân phối, Sony nhắm đến mọi hoạt động sinh lời từ bản quyền sở hữu trí tuệ (IP).

Đầu tháng Năm vừa rồi, Aniplex đã tổ chức sự kiện trực tuyến Aniplex Online Fest, tập hợp những IP hàng đầu của họ như Demon Slayer, loạt phim Fate, Sword Art Online: Alicization War of Underworld, trò chơi điện tử Fate/Grand Order,... để phục vụ người hâm mộ yêu thích anime Nhật Bản trên toàn cầu. Cùng với đó là dàn khách mời gồm toàn các nghệ sĩ làm việc cho Sony như LiSA, ASCA, Claris, Eir Aoi,...

Phần chương trình livestream đã thu hút hơn 840.000 người trong suốt hai ngày, số lượt xem đạt hơn 1,85 triệu. Con số này gấp 6 lần lượng người đã tham gia sự kiện AnimeJapan năm ngoái - 146.500 người. Đây vốn là sự kiện anime chủ đạo ở đất nước mặt trời mọc.

Sự kiện Aniplex Online Fest dành cho người hâm mộ anime toàn cầu của Aniplex (ảnh: Aniplex)

Thông qua Aniplex Online Fest, chiến lược toàn cầu biến anime thành động cơ tăng trưởng mới của họ đã được hé lộ. Sony phát stream thông qua YouTube tới khán giả toàn cầu và nền tảng Bilibili dành riêng cho cộng đồng anime Trung Quốc. Trước đó, Sony đã rót vốn đầu tư vào Bilibili, vốn đã là đối tác phân phối nội dung của họ tại đất nước tỷ dân. Bằng cách này, họ có thể đạt hiệu suất xuất khẩu nội dung tối đa.

Những dự án anime thành công sẽ gây dựng được cộng đồng người hâm mộ trung thành, biến nội dung đó thành một tài sản trí tuệ sở hữu độc quyền (IP) bởi Sony, không ai khác có thể khai thác. Sau đó, các loại hàng hóa ăn theo (merchandise) có liên quan tới IP như phim ảnh, trò chơi điện tử, âm nhạc, đồ chơi, quần áo,... sẽ trở thành nguồn doanh thu mới chảy vào túi họ.

Nguồn doanh thu từ việc bán hàng hóa ăn theo thường lớn hơn nhiều lần những gì bộ anime gốc có thể đem lại. "Một bộ anime trở thành hit sẽ tạo ra lượng người hâm mộ đông đảo và lâu bền, cho phép chúng tôi kiếm lợi nhuận từ vô số nguồn khác nhau" - Yoshinori Saito, tổng giám đốc cấp cao phụ trách mảng giải trí cho biết.

Nguồn thu từ các hàng hóa ăn theo còn khổng lồ hơn số tiền sản xuất anime mang lại (ảnh: Aniplex)

Một lợi thế và cũng là điểm khác biệt giữa Sony với các công ty cung cấp dịch vụ streaming và nhà phân phối nội dung khác, chính là ở quy mô dàn trải của tập đoàn Nhật Bản. Họ bao trùm toàn bộ hoạt động anime và không doanh nghiệp nào trên thế giới có thể cạnh tranh một cách toàn diện với họ.

Aniplex đảm nhận vai trò sản xuất và phân phối thông qua nhiều công ty con; Sony Interactive Entertainment sản xuất PlayStation và tạo ra một nền tảng chơi game; kênh truyền hình Animax Nhật Bản là kênh phân phối anime trả phí lớn nhất cả nước; Funimation là đơn vị phân phối anime lớn nhất tại Mỹ. Và cuối cùng, Sony Music Entertainment chi nhánh Nhật Bản (phân biệt với chi nhánh Mỹ có trụ sở ở New York) sở hữu nhãn đĩa chuyên sản xuất các bài hát chủ đề anime.

Cách tiếp cận theo nhiều nhánh khác nhau này rất quan trọng trong chiến lược xâm chiếm thị trường nước ngoài. Aniplex đã đạt lợi nhuận tích lùy 1,18 tỷ USD trong vòng ba năm, tính tới hết tháng Ba năm 2020. Sony không liệt kê anime như một đơn vị kinh doanh độc lập cũng như không tiết lộ doanh thu kiếm được, nhưng đó là con số rất lớn. Nguồn doanh thu tạo ra từ anime có thể nằm trong nhiều đơn vị và ở nhiều nguồn khác nhau, như trò chơi điện tử, âm nhạc, phim ảnh.

Sony bao trùm anime qua các hoạt động sản xuất, phân phối, phát sóng, trò chơi điện tử, âm nhạc (ảnh: Nikkei) 

Trước khi Demon Slayer trở thành một cú hit toàn cầu, Aniplex đã sở hữu một ví dụ thành công khác cho công thức kinh doanh của mình. Đó là Fate/Grand Order, trò chơi di động được xem là "mỏ vàng" ít người biết tới. Tựa game đứng đầu top ăn khách nhất Nhật Bản năm 2019 với doanh thu hơn 71 tỷ yên, theo tạp chí Famitsu.

Khi doanh thu Fate/Grand Order có dấu hiệu giảm nhiệt những tháng gần đây, Sony lập tức đặt kỳ vọng vào Demon Slayer, hướng tới một thành công còn bùng nổ hơn. Chủ tịch Aniplex là Atsuhiro Iwakami muốn biến series này thành một màn phô diễn sức mạnh. Sau khi chuyển thể thành anime đạt được thành công vang dội, họ đang chuẩn bị cho một bản phim điện ảnh, bên cạnh hai trò chơi điện tử sẽ phát hành trên thiết bị di động và PS4.

Animax của Sony lại có lợi thế cạnh tranh khác gọi là "4 O": lên sóng (on air), theo nhu cầu (on demand), trên mặt đất (on ground) và sản xuất gốc (original production). Chiến lược này nhằm phát huy tối đa giá trị của IP độc quyền, cũng như tăng số tiền kiếm được trên đầu người. Hầu hết các trọng tâm của họ là sản xuất gốc để củng cố kho IP, đảm bảo tạo ra những nội dung độc nhất, mang tính nguyên bản cao.

Bài hát chủ đề "Gurenge" trong anime "Demon Slayer" do ca sĩ LiSA thể hiện đã trở thành hiện tượng (ảnh: Moshi Moshi Nippon)

Chủ tịch Animax Masao Takiyama cho biết, ông muốn công ty đi theo mô hình kinh doanh của Walt Disney, một trong những tập đoàn truyền thông đại chúng lớn nhất nước Mỹ. Thành công của họ dựa trên hệ thống đa kênh, bao gồm những bộ phim hoạt hình trẻ em được hỗ trợ bởi hàng hóa ăn theo và các công viên chủ đề. Mới đây nhất, họ ra mắt dịch vụ streaming video Disney+ để củng cố thêm vòng tròn này.

Aniplex thâu tóm cổ phần trong nhà cung cấp dịch vụ streaming Pháp Wakanim năm 2015, sau đó là mua hãng phân phối Úc Madman Anime Group năm 2017. Sony Pictures TV Networks thì mua lại Funimation trong cùng năm đó. Vào tháng Chín năm 2019, hai công ty đã sáp nhập cả ba công ty này lại, hình thành một liên doanh chéo giữa hai công ty Nhật Bản và Hoa Kỳ trong cùng tập đoàn.

Đầu năm nay, Sony thông báo kế hoạch đổi tên thành "Sony Group" thay vì chỉ mỗi chữ "Sony" như trước, nhằm tuyên bố tập hợp tất cả công ty trong toàn đoàn thành một thể thống nhất. Họ cũng bỏ ra 3,7 tỷ USD để mua lại liên doanh tài chính SFH, biến đây thành công ty con sở hữu toàn phần. Giờ đây, chúng ta có thể xem anime như một phép thử cho chiến lược hợp nhất này.

Sony cũng nắm trong tay đơn vị phân phối anime lớn nhất thị trường Mỹ (ảnh: Sony)

Tầm nhìn của CEO Yoshida là định hình Sony thành một tập đoàn sáng tạo nội dung giải trí dựa trên nền tảng công nghệ", khi kinh nghiệm ở lĩnh vực điện tử hỗ trợ cho các công ty giải trí làm việc. Sony và Animax đã cùng tham gia phát triển một hệ thống lồng tiếng nhân vật từ xa. Thành quả là diễn viên lồng tiếng có thể xem hình ảnh khớp với giọng nói của mình, độ trễ giảm xuống mức tối thiểu.

Thị trường quốc tế dành cho nội dung anime tiếp tục tăng trưởng đều đặn hàng năm. Doanh thu bên ngoài Nhật Bản đã đạt gần 1 ngàn tỷ yên năm 2018, gấp ba lần so với năm 2014. Tuy nhiên áp lực cạnh tranh cũng vì thế tăng theo, Netflix đang rất tích cực bổ sung vào kho nội dung của mình các bộ anime Nhật Bản. Hay gần đây HBO Max đã ký thỏa thuận phân phối độc quyền anime của Studio Ghibli tại thị trường Mỹ.

Ambitious Man

Chủ đề khác