VnReview
Hà Nội

Qualcomm đang nỗ lực tìm cách vượt lệnh cấm, bán chip smartphone cho Huawei

Mới đây, Huawei đã xác nhận rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, công ty con HiSilicon của họ không thể tiếp tục sản xuất chip được nữa. Đó là lý do tại sao dòng Mate 40 sắp ra mắt sẽ là những chiếc điện thoại cuối cùng được trang bị SoC Kirin. Theo dự đoán, Qualcomm hiện đang cố gắng thuyết phục chính phủ Mỹ nhằm bán những chipset của mình cho công ty Trung Quốc này.

Qualcomm đang nỗ lực tìm cách bán những con chip smartphone của mình cho Huawei

Theo quy định mới, các nhà sản xuất nước ngoài có sử dụng công nghệ xuất xứ từ Mỹ để sản xuất chip cần phải xin giấy phép trước khi bán chúng cho Huawei. Điều này đã "siết chặt" HiSilicon đến bước đường cùng. Do quy định mới này, Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) buộc phải cắt đứt mối quan hệ với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Qualcomm: Lệnh cấm xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến Qualcomm nhiều hơn là Huawei

Huawei không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua chip từ các nhà cung cấp khác, và Qualcomm muốn tranh thủ cơ hội này để nhảy vào trước các công ty khác. Nhà sản xuất chip này lập luận rằng lệnh cấm xuất khẩu sẽ không thể ngăn công ty Trung Quốc lấy những linh kiện cần thiết từ các công ty không phải của Mỹ và cơ hội đó sẽ lên đến hàng tỉ USD.

Công ty Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) tại Trung Quốc đã đảm nhiệm nhiệm vụ sản xuất con chip Kirin 710A cho Huawei. Bên cạnh đó, Huawei dường như cũng đang đàm phán với MediaTek (Đài Loan) để mua 120 triệu con chip. Samsung cũng là một đối thủ nước ngoài khác có thể cung cấp các bộ xử lý cho Huawei.

Qualcomm đang nỗ lực tìm cách bán những con chip smartphone của mình cho Huawei

Qualcomm cảnh báo rằng, điều này sẽ mang lại thị phần chipset 5G cho các đối thủ của họ tại Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác. Đầu năm nay, HiSilicon đã vượt qua Qualcomm để trở thành nhà cung cấp chip số 1 tại Trung Quốc. Kể từ khi được Mỹ đưa vào danh sách đen, Huawei đã tăng trọng tâm của mình vào thị trường nội địa. Và nếu họ không còn sản xuất những con chip của riêng mình, thị phần đó sẽ thuộc về các đối thủ của Qualcomm.

Sự tăng trưởng thị phần mạnh mẽ tại Trung Quốc của Huawei cũng sẽ tác động đến các công ty trong nước như Xiaomi và Oppo, vốn phải mua chip từ Qualcomm.

Đó là lý do tại sao Qualcomm rất muốn bán những SoC hỗ trợ 5G của mình cho Huawei. Công ty cho biết, thị trường này trị giá 8 tỉ USD mỗi năm.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tăng cường khả năng cạnh tranh về công nghệ của Mỹ và điều này có thể có lợi cho Qualcomm. Nếu được cấp phép, họ có thể tạo ra doanh thu hàng tỉ USD và đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển các công nghệ mới. Công ty cũng khẳng định rằng, nếu bị từ chối cấp giấy phép, Huawei sẽ không bị ảnh hưởng bởi họ có thể mua những linh kiện cần thiết từ một nơi khác.

Qualcom gần đây cũng đã giải quyết tranh chấp bằng sáng chế với Huawei, theo đó, công ty Trung Quốc đã đồng ý trả 1,8 tỉ USD cho gã khổng lồ thiết kế chip này. Đây là một khách hàng quan trọng đối với Qualcomm cho đến năm ngoái, trước khi Huawei bị đưa vào danh sách đen.

Một số công ty bao gồm Intel, Micron Technology và Xilinx đã xin được giấy phép kinh doanh với Huawei.

Theo một thông tin tước đó, yêu cầu của Qualcomm cũng sẽ được chấp thuận. Nếu điều này thực sự xảy ra, P50 và Mate 50 ra mắt năm sau có thể sẽ được trang bị cho chip Snapdragon.

Minh Hùng theo Phone Arena

Chủ đề khác