VnReview
Hà Nội

Cấm cả Stadia lẫn xCloud, Apple đang gây chiến với cả ngành công nghiệp game

Hầu hết các game thủ có lẽ không nhìn nhận Apple như một công ty game theo cách họ nhìn nhận Sony với Play Station hay Microsoft với Xbox, nhưng nhà sản xuất iPhone vẫn tiếp tục tìm cách hướng lái ngành công nghiệp game với những quyết định trên App Store của mình.

Trong tuần qua, Apple đã hai lần gây xôn xao dư luận: một lần khi họ từ chối cho phép một ứng dụng game lên App Store, và một lần là chấp thuận một ứng dụng game khác.

Ứng dụng bị từ chối ở đây là Microsoft xCloud, nhưng có vẻ như các game thủ Xbox cũng không quá kích động về điều này. xCloud là một trong những nền tảng phần mềm quan trọng nhất của Xbox thời gian qua, cho phép game thủ livestream các tựa game từ đám mây và chơi các game chất lượng console trên nhiều thiết bị khác nhau. Microsoft đã thử nghiệm xCloud từ vài tháng qua, nhiều khả năng sẽ chính thức ra mắt trong tháng tới. Ứng dụng xCloud dành cho iOS cũng xuất hiện trong chương trình thử nghiệm Testflight, nhưng khi Microsoft bắt đầu rục rịch chuẩn bị đưa ra bản chính thức, thì Apple lập tức ngáng đường.

Ứng dụng được chấp thuận là Facebook Gaming, vốn đã được Facebook tìm cách đưa lên App Store suốt nhiều tháng trời nhưng không có kết quả. Phải đến thứ 6 tuần qua, nó mới được Apple xét duyệt sau khi Facebook ngậm ngùi lọi bỏ một trong hai tính năng chủ chốt: một thư viện gồm các tựa game di động có thể chơi ngay trong ứng dụng. Trong một thông cáo báo chí, COO của Facebook là Sheryl Sandberg cho biết: "Không may là chúng tôi đã phải loại bỏ hoàn toàn chức năng chơi game trên ứng dụng Facebook Gaming để được Apple chấp thuận"

Nhóm Xbox của Microsoft, trong một động thái gay gắt bất thường, cũng lên tiếng chỉ trích Apple: "Apple là nền tảng đại trà duy nhất từ chối không cho người tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ game đám mây và game trả phí như Xbox Game Pass. Và họ luôn đối xử khác biệt với các ứng dụng game, ưu ái các ứng dụng không phải game với những quy định mềm mỏng hơn kể cả khi chúng có nội dung tương tác."

Microsoft vẫn là một công ty trị giá 1,61 nghìn tỷ USD, do đó bạn chẳng phải cảm thấy buồn cho họ. Nhưng iOS hiện là nền tảng game lớn nhất thế giới, một điều mà CEO Tim Cook từng tự hào tuyên bố khi công ty ra mắt nền tảng game trả phí của riêng mình mang tên Apple Arcade vào năm ngoái. Apple thích chơi theo cách của họ, và tất cả những nền tảng stream game đang đồng loạt nổi lên thời gian qua dường như là một mối đe doạ không thể xem thường.

Có một vài vấn đề trong các ứng dụng game đám mây không đáp ứng quy định của App Store, tuy nhiên những quy định đó suy cho cùng cũng chỉ là những nguyên tắc do chính Apple viết nên. Về phía Apple, họ nói rằng App Store phải được kiểm duyệt là có lý do, và việc chấp thuận các ứng dụng như vậy đồng nghĩa họ không thể đánh giá riêng rẽ từng ứng dụng có khả năng gây tác động tiêu cực đến trải nghiệm App Store.

Nói đó là "lý do" quả là dối trá, bởi công ty từ lâu đã chấp thuận cho các nền tảng hoạt động trên App Store mà không hề mò mẫm xác thực từng phần nội dung riêng rẽ có thể truy cập được bên trong các nền tảng đó. Xét việc "Games" là danh mục phổ biến hàng đầu của App Store, Apple nhiều khả năng chỉ quan tâm làm sao để giữ tiền của họ không rơi vào tay đối thủ.

Phân tích CNBC cho thấy tổng doanh thu trong năm 2019 của Apple App Store là 50 tỷ USD.

Khi những nền tảng game đám mây như xCloud đi vào hoạt động như không hỗ trợ iOS, hàng triệu khách hàng Apple sẽ cảm thấy bực bội khi chiếc iPhone của họ không thể làm được điều mà những chiếc điện thoại của bạn bè họ làm được. Chơi các tựa game đẳng cấp console trên iPhone sẽ là một trải nghiệm mới mẻ và ưu việt đối với người tiêu dùng. Có khoảng 90 triệu người dùng Xbox Live trên thế giới, một lượng đáng kể trong số đó hẳn là người dùng iPhone. Ngành công nghiệp game đang dần xoay vần quanh các mạng lưới game trả phí tháng và game đám mây, xem đó như một cách để khuyến khích người tiêu dùng thử nhiều tựa game hơn và khám phá nhiều bom tấn độc lập hơn.

Trong lịch sử ngành công nghệ, những tình huống tương tự đã từng xảy ra, và đôi lúc các bên sẽ gây hấn như một kiểu chiến thuật để tìm kiếm ưu thế trên bàn đàm phán cũng như tránh những giải pháp đi vòng, nhưng đây lại là kiểu chiến thuật chỉ thực sự phát huy tác dụng khi người tiêu dùng có lý do nào đó để quan tâm đến một vấn đề. Hầu hết những vụ tranh cãi lớn hơn liên quan các nhà phát triển trên App Store đều diễn ra âm thầm và chỉ được đưa ra ánh sáng khi mọi chuyện đã ngã ngũ; nhưng ở thời điểm này, nhóm Xbox chắc chắn đã thấy rằng Apple không có vị trí tốt để khơi mào một cuộc chiến App Store chỉ vì muốn duy trì lợi thế trong việc kiếm tiền từ các tựa game người tiêu dùng chơi trên các thiết bị của hãng, khi mà họ đang ở giữa sự chú ý ngày càng tăng lên về vấn đề chống độc quyền.

CEO Tim Cook đã ngồi trước màn hình Zoom hàng giờ liền để trả lời các câu hỏi; của Quốc hội Mỹ về tình trạng phản cạnh tranh trên cửa hàng ứng dụng của hãng.

Mấu chốt của căng thẳng giữa Apple và các nền tảng game đám mây là khá nhiều tựa game có giao dịch trong game, và dù người dùng đang trải nghiệm nội dung trên một thiết bị Apple, mọi hoạt động giao dịch đó thực chất đang được livestream từ một máy tính đám mây. Việc này có vẻ sẽ là một mối đe doạ cực lớn đến hệ thống giao dịch trong ứng dụng vốn là cỗ máy kiếm tiền của Apple trong toàn bộ hệ sinh thái của mình.

App Store hiện không hỗ trợ game đám mây trên nền tảng GeForce của Nvidia hay Stadia của Google - cả hai đều có mặt trên các điện thoại Android. GeFore lẫn Stadia đều có lượng nội dung hạn chế hơn nhiều so với Microsoft.

Có thể hiểu được nếu Apple không chấp thuận cho nhiều tựa game có thể không hoạt động như mong đợi trên iPhone bởi những hạn chế của hệ thống, lý do đó không hợp lý lắm trong thế giới game đám mây, nơi các ứng dụng chỉ đóng vai trò biên dịch các lần nhấn nút rồi gửi chúng lên đám mây, và đám mây sẽ gửi lại cho người chơi các khung hình đã được dựng. Apple đang bị buộc phải nêu cụ thể những ứng dụng phương tiện nào rơi vào hạng mục "reader" (ứng dụng đọc). Hoạt động tương tác đặc trưng của một nền tảng game đám mây dường như là điểm khác biệt mà Apple đang dùng làm cái cớ - cũng như các giao diện cho phép game thủ khởi chạy trực tiếp các tựa game với một giao diện chuyên biệt hơn nhiều so với một số ứng dụng remote déktop thông thường.

Tất cả các nền tảng nói trên đều xuất hiện sau khi Apple đã ra mắt Apple Arcade, một sản phẩm game không đám mây được thiết kế theo hình dung của Apple về những giá trị mà họ xem trọng trong thế giới game: các tựa game độc lập, chơi được trong gia đình, không quảng cáo, không giao dịch micro, và được Apple đánh giá kỹ càng.

Vị trí lèo lái của Apple trong thế giới game cho đến nay chưa mang lại ảnh hưởng tích cực đáng kể nào cho ngành công nghiệp. Apple đóng vai trò như một người gác cổng, nhưng rất nhiều những "cải tiến" được họ thông qua vì đáp ứng các chính sách của App Store lại đều mang đến lợi ích cho Apple, và làm bật lên nhiều câu hỏi đối với sự phát triển của một ngành công nghiệp game hướng đến game thủ.

Apple từng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các tựa game miễn phí thông qua hình thức giao dịch trong game, vốn đã và đang bị lạm dụng một cách bừa bãi trong nhiều năm qua khi mà các studio liên tục phát triển game với cấu trúc xoay quanh nguyên lý "gây nghiện". Game di động là một trong những lĩnh vực phát triển rầm rộ trong thập kỷ qua với hàng loạt các startup mọc lên như nấm sau mưa, và cơ chế khuyến khích giao dịch nhanh gọn trong game của Apple đã nhanh chóng phổ biến, bóp nát những giá trị cốt lõi của ngành công nghiệp game.

Cứ nhìn vào top 200 tựa game sinh lời nhất trên App Store, bạn sẽ thấy 199 trong số đó đều phụ thuộc hoàn toàn vào giao dịch vi mô trong ứng dụng để bước lên vị trí đó - tựa game Minecraft của Microsoft, xếp thứ 50, mất 6,99 USD để tải về, nhưng vẫn có giao dịch trong game!

Năm 2013, Apple dàn xếp một vụ kiện tập thể sau khi các bậc phụ huynh kiện công ty vì tiếp tay cho trẻ em thực hiện các giao dịch trong game một cách quá dễ dàng. Năm 2014, Apple lại dàn xếp một vụ kiện tương tự với FTC, mất trắng 32 triệu USD. Năm nay, có một vụ kiện chống lại Apple trong đó đặt ra tính hợp pháp của các giao dịch trong game dạng "loot box", vốn trao cho game thủ những phần thưởng ảo ngẫu nhiên.

"Thông qua các tựa game họ bán và cung cấp miễn phí cho người tiêu dùng thông qua App Store, Apple thực hành các động thái lừa gạt, dụ dỗ người tiêu dùng, bao gồm trẻ em, tham gia vào cờ bạc và những hình thức gây nghiện khác vi phạm luật này và các luật khác được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng và ngăn cấm các hành vi như vậy" - đơn kiện nêu rõ.

Tất nhiên, Apple không nhìn nhận vai trò của mình trong ngành công nghiệp game như vậy. Trong thông cáo báo chi phản hồi việc từ chối xCloud, Apple nói: 

"App Store được tạo ra để làm một nơi an toàn và đáng tin cậy cho các khách hàng khám phá và tải về các ứng dụng, và là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời cho mọi nhà phát triển. Trước khi xuất hiện trên cửa hàng của chúng tôi, mọi ứng dụng được đánh giá theo cùng một bộ quy tắc giống nhau nhằm bảo vệ khách hàng và cung cấp một sân chơi công bằng cho mọi nhà phát triển.

Các khách hàng của chúng tôi thích các ứng dụng và game tuyệt vời từ hàng triệu nhà phát triển, và các dịch vụ game có thể ra mắt trên App Store miễn là họ tuân theo bộ quy tắc chung áp dụng với mọi nhà phát triển, bao gồm đưa các tựa game lên để đánh giá, và xuất hiện trong các bảng xếp hạng và tìm kiếm. Bên cạnh App Store, các nhà phát triển có thể chọn tiếp cận mọi người dùng iPhone và iPad trên web thông qua Safari và các trình duyệt khác trên App Store."

Tác động mà Apple mang lại hiển nhiên không phải lúc nào cũng tiêu cực, nhưng Apple lại chơi trò dối trá, luồn lách trước những thay đổi của ngành công nghiệp game khi mà chính họ đang hưởng lợi từ ngành công nghiệp này. Sony và Microsoft trong nhiều năm qua cũng có những lúc "chơi xấu" game thủ, nhưng Apple lại lợi dụng vị thế của họ trong ngành công nghiệp - một công ty sở hữu nền tảng game lớn nhất thế giới - quá thường xuyên, và các game thủ nên cẩn trọng khi đặt niềm tin vào việc chủ nhân của App Store sẽ đưa ra những quyết định có lợi nhất cho các khách hàng của mình!

Minh.T.T (theo TechCrunch)

Chủ đề khác