VnReview
Hà Nội

Chủ tịch Foxconn: Trung Quốc sắp không còn là công xưởng của thế giới

Foxconn, đối tác gia công hợp đồng số một của nhiều hãng công nghệ lớn đã thẳng thắn thừa nhận rằng, Trung Quốc sẽ không còn là "công xưởng" của thế giới trong tương lai.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang tiếp tục căng thẳng thông qua hàng loạt các màn đấu đá liên quan đến các hãng công nghệ của hai nước. Chưa rõ mọi thứ sẽ đi về đâu nhưng ngay từ bây giờ hai nước đều đang dần thấm đòn của nhau.

Nếu như Mỹ gặp khó vì các công ty công nghệ nước này mất đi một khoản doanh số khổng lồ từ thị trường Trung Quốc và mất đi các mối khách hàng, đối tác sản xuất thì Trung Quốc lại đang chứng kiến những tổn thất to lớn về giá trị sản xuất.

Điều này càng được thể hiện rõ sau khi hàng loạt các nhà đầu tư, các hãng công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ rời bỏ thị trường này và hướng tới các quốc gia khác ở Châu Á, trong đó có Việt Nam để đặt các nhà máy sản xuất mới.

Nguyên nhân khá dễ hiểu khi căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc Mỹ áp thuế nặng nên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay gần đây nhất là cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei hay cấm TikTok, WeChat đang khiến các công ty nước ngoài tại Trung Quốc buộc phải tìm hướng chuyển các nhà máy và dây chuyền sang các nước khác.

Và hậu quả thật nặng nề khi Trung Quốc có thể sẽ đánh mất vị thế là "công xưởng của thế giới" trong tương lai không xa.

Chủ tịch Foxconn Young Liu nhận định: "Bất kể đó là Ấn Độ, Đông Nam Á hay Châu Mỹ, sẽ có một hệ sinh thái sản xuất ở mỗi nước". Liu cho rằng, Trung Quốc vẫn sẽ là một vị trí chiến lược và là nơi đặt các nhà máy của Foxconn nhưng thực tế "Trung Quốc đã không còn là công xưởng của thế giới".

Hiếm có công ty nào có nhiều nhà máy tại Trung Quốc như Foxconn với 12 nhà máy đặt tại 9 tỉnh thành phố. Công ty tham gia sản xuất đủ mọi sản phẩm từ iPhone đến Nintendo Switch và máy tính Dell hay sắp tới là TV, laptop, bộ nhớ và phụ kiện di động.

Theo Foxconn, năng lực sản xuất của công ty ở bên ngoài Trung Quốc chỉ đạt khoảng 30% tổng công suất, tăng nhẹ từ mức 25% hồi tháng 6 năm ngoái. Hiện tại Foxconn đang tích cực mở rộng dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam.

Đầu tuần này có thông tin cho rằng, Apple đang bắt đầu tuyển dụng hàng loạt công nhân để chuẩn bị khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt iPhone 12 mới. Do tác động của đại dịch Covid-19 lên chuỗi cung ứng nên thế hệ iPhone mới sẽ ra mắt muộn hơn vài tuần, cụ thể vào đầu tháng 10 thay vì cuối tháng 9 như thường lệ.

Mới đây Foxconn đã công bố báo cáo doanh thu Q2/2020 khá cao với khoản lợi nhuận lên tới 778 triệu USD, một con số khá cao trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành. Phần lớn doanh thu của Foxconn trong quý vừa qua đến từ nhu cầu cao các sản phẩm iPad và MacBook.

Tuy nhiên hãng dự báo doanh thu Q3/2020 có thể sẽ giảm hai con số so với năm 2019 do Apple trì hoãn thời điểm bán ra dòng iPhone mới.

Hiện các đối thủ khác của Foxconn cũng đặt ra thách thức ngày càng lớn cho công ty, ví dụ như Luxshare Precision và Wistron.

Tiến Thanh theo Macrumors

Chủ đề khác