VnReview
Hà Nội

Vì sao Trung Quốc không trả đũa lệnh cấm TikTok của Mỹ?

Từ ZTE đến Huawei, từ TikTok đến WeChat, lệnh cấm của Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc đã được công bố rộng rãi và gây ra những thiệt hại đáng kể. Nhưng Trung Quốc dường như chẳng có phản ứng gì ngoài im lặng.

Ngoài những mối đe dọa chính thức và danh sách các thực thể liên quan, Trung Quốc không phản ứng với bất cứ hành động vào khác. Đó là vì khi phải chống lại cường quốc công nghệ số một thế giới thì Trung Quốc không có nhiều lựa chọn cũng như không đủ sức. Nhưng không vì thế mà Mỹ có thể tiếp tục duy trì vị thế cường quốc công nghệ của mình trong thời gian dài.

Ảnh: LightRocket/Getty Images

Khi cân nhắc về các lựa chọn trả đũa, những lựa chọn hiển nhiên nhất là nhắm vào các công ty công nghệ của Mỹ như Apple, Intel, Qualcomm, Micron Technology, Broadcom và Boeing. Hay nói cách khác, những công ty trên kiếm được rất nhiều tiền từ thị trường Trung Quốc. Và khi doanh thu tại Trung Quốc chiếm phần lớn doanh thu toàn cầu, như Qualcomm, Broadcom và Micron Technology, thì những công ty này dễ bị Trung Quốc trả đũa nhất và thiệt hại cũng là lớn nhất. Vấn đề là những sản phẩm của các công ty trên rất quan trọng cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Vì thế, ban lệnh cấm những công ty này gây tổn hại cho công ty của Trung Quốc còn lớn hơn.

Trong một số trường hợp, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới cũng đã cắt đứt sự phụ thuộc của công ty Mỹ vào doanh thu từ Trung Quốc. Doanh thu hằng năm của Boeing tại Trung Quốc năm 2017 là 12 tỉ USD giảm còn 5,7 tỉ USD trong năm 2019, tỉ lệ doanh thu tại Trung Quốc so với toàn cầu giảm từ 13% còn 7%, dù vụ scandal liên quan dòng Boeing 737 Max cũng góp một phần nguyên nhân. Doanh thu của Qualcomm tại Trung Quốc giảm từ 14,6 tỉ USD trong năm 2017 xuống còn 11,6 tỉ USD trong năm 2019, tỉ lệ doanh thu giảm từ 66% còn 48%. Và doanh thu của Apple tại Trung Quốc giảm từ 59 tỉ USD, chiếm 25% doanh thu toàn cầu vào năm 2015 còn 44 tỉ USD, chiếm 17% doanh thu toàn cầu vào năm 2019. Xu hướng giảm doanh thu tại Trung Quốc của các công ty Mỹ đã làm giảm khả năng trả đũa của nước này.

Lấy Apple làm ví dụ chẳng hạn, công ty này là viên ngọc quý trên vương miện của Mỹ và đây thường được cho là mục tiêu lớn nhất nếu Trung Quốc trả đũa. Tuy vậy, Trung Quốc phải cực kỳ cẩn trọng vì bất cứ hành động nào chống lại Apple cũng có thể khiến Mỹ trả đũa ngược lại Trung Quốc. Tương tự như vai trò của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính quốc tế, Mỹ cũng là quốc gia nắm giữ mạng internet toàn cầu hiện nay. Ngoài công nghệ bán dẫn, Mỹ vẫn còn nhiều loại "vũ khí hạt nhân" khác trong kho có thể phá hủy toàn bộ hệ thống kỹ thuật số của Trung Quốc.

Ví dụ, Mỹ có thể cấm toàn bộ người Trung Quốc sử dụng hệ điều hành của Mỹ có thể khiến toàn bộ thiết bị công nghệ nước này tê liệt, ví dụ hệ điều hành Windows của Microsoft chiếm đến 82% thị trường tại Trung Quốc trong năm 2019. Và thậm chí nếu những công ty phát triển phần mềm trong nước chạy đua để phát triển ứng dụng thay thế và sử dụng một hệ điều hành mở như Linux cũng sẽ mất nhiều thời gian. Mỹ cũng có thể ngắt kết nối giữa Trung Quốc và hệ thống internet toàn cầu dựa trên các proxy của họ kiểm soát Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers - ICANN). ICANN là nơi lưu giữ nhật ký truy cập internet toàn cầu để chỉ định và khớp tên miền với địa chỉ IP. Những hành động "gậy ông đập lưng ông" như trên dù hiếm khi xảy ra nhưng chắc chắn chúng đã nằm trong suy nghĩ của cả Trung Quốc và Mỹ.

Ảnh: Imaginechina/AP

Khi nói về công nghệ, Trung Quốc là quốc gia đi sau và vẫn còn chậm chân trên hầu hết các lĩnh vực, từ chip, robotic, sản xuất máy bay cho đến dược phẩm. Vẫn có một số ngoại lệ như Huawei dẫn đầu về công nghệ 5G và có một số bằng sáng chế công nghệ. Thậm chí trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, bao gồm nhận diện khuôn mặt và công nghệ giám sát, Trung Quốc dẫn đầu trong quy mô thương mại nhưng về báo cáo nghiên cứu và nguồn vốn đầu tư lại trái ngược. Hãy nghĩ xem có công ty công nghệ Trung Quốc nào có thể tồn tại nếu thiếu những công ty công nghệ của Mỹ không? Câu trả lời là không.

Nếu vậy thì Trung Quốc sẽ phải nhận thua chăng?

Phản ứng của Trung Quốc hiện nay cho thấy nước này đang ngồi im chờ đợi cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11. Kết quả bầu cử dựa trên quan điểm cứng rắn của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc có thể chuyển sự chú ý của cử tri khỏi đại dịch và tăng tín nhiệm cho ông hay không. Nếu so với thời điểm triển khai chiến dịch "Made in China 2025" thì Trung Quốc đang khiêm tốn hơn trước. Nước này đang âm thầm xây dựng "con tàu Noah" đề phòng xảy ra "Splinternet" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến công nghệ toàn diện gồm việc ra chỉ thị cho các cơ quan nhà nước phải thay thế toàn bộ máy tính sử dụng hệ điều hành và phần mềm không phải của Trung Quốc trong vòng 3 năm tới. Năm ngoái, hai công ty Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ xây dựng máy chủ để nhân bản tên miền gốc nhằm đảm bảo mạng internet tại Trung Quốc vẫn hoạt động trong trường hợp bị tác động từ bên ngoài. Đó là chưa kể đến một lượng lớn nhân lực và nguồn lực đang được đổ vào xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc.

Nếu cuộc xung đột công nghệ Mỹ - Trung ngày càng tệ hơn, chúng ta sẽ phải suy nghĩ đến trường hợp mạng internet toàn cầu sẽ bị hư hại. Và Trung Quốc có nguồn lực, nhân tài, tài nguyên và cả đồng minh để dần bắt kịp, xây dựng và mở rộng một hệ sinh thái của riêng mình. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ có đủ khả năng để thách thức vị trí số một của Mỹ. Chính vì vậy, leo thang một cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho Mỹ.

Minh Bảo;theo Nikkei

Chủ đề khác