VnReview
Hà Nội

ByteDance muốn bán TikTok cho Ấn Độ

ByteDance hiện đang đàm phán với tập đoàn Reliance Industries Limited nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của TikTok tại Ấn Độ. Đây được xem là một phần của nỗ lực cứu vãn tình hình sau khi chính phủ nước này cấm cửa TikTok.

Từ ngày 29/6, TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ do căng thẳng chính trị liên quan đến chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Theo đó, chính quyền New Delhi đã ra lệnh chặn đứng TikTok và 58 ứng dụng khác có nguồn gốc từ Trung Quốc vì lo ngại về an ninh và quyền riêng tư quốc gia.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường quốc tế lớn nhất của TikTok với hơn 200 triệu người dùng hoạt động. Các nguồn tin giấu tên của TechCrunch cho biết Reliance và ByteDance đã tiến hành đàm phán từ cuối tháng 7 nhưng đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận chung nào. Hiện tại, tổng giá trị vốn hóa thị trường mà TikTok có được ở Ấn Độ là hơn 3 tỷ USD.

Khoản đầu tư vào TikTok có thể giúp tập đoàn bán lẻ dầu mỏ mở rộng thị trường, tiếp cận được với nhiều đối tượng người dùng hơn. Reliance hiện đang điều hành liên doanh viễn thông Jio Platforms. Nhưng mặc dù thu hút được gần 400 triệu người dùng Ấn Độ trong chưa đầy 4 năm thành lập, các ứng dụng hướng tới người dùng của Jio Platforms vẫn phải vật lộn để có được sự quan tâm và sức hấp dẫn như TikTok hiện giờ.

Kể từ cuối tháng 4, liên doanh viễn thông của gã khổng lồ Ấn Độ đã huy động được 20 tỷ USD từ 13 nhà đầu tư danh tiếng, bao gồm cả Facebook và Google. Google cho biết họ sẽ làm việc với Jio Platforms để tung ra một phiên bản tùy chỉnh của hệ điều hành Android dành riêng cho các thiết bị smartphone giá rẻ. Trong đó, số tiền mà Google đầu tư cho Jio Platforms là 4,5 tỷ USD, tương đương với 7,73% cổ phần công ty.

Facebook cho biết họ cũng đã ký kết gói thỏa thuận trị giá 5,7 tỷ USD để nắm giữ 9,9% cổ phần Reliance, thực hiện kế hoạch số hóa cho người dân và hơn 60 doanh nghiệp Ấn Độ có quy mô vừa và nhỏ.

Việc đàm phán sơ bộ giữa cả hai diễn ra trong bối cảnh ByteDance đang tìm cách giữ chân một số nhân viên chủ chốt, bao gồm một Giám đốc Chính sách và Rohan Mishra, người giám sát hoạt động của ứng dụng Helo thuộc sở hữu ByteDance tại Ấn Độ, đã rời công ty sau khi lệnh cấm TikTok được đưa ra.

Với hơn 2.000 nhân sự đang làm việc tại trụ sở Ấn Độ, ByteDance cam kết sẽ sa thải nhân viên, cũng như từng bước đàm phán với chính quyền New Delhi để giải quyết các mối lo ngại an ninh. Nếu thỏa thuận thành công với Reliance, ByteDance có thể xoa dịu nỗi lo của chính phủ nước này. Một phần là nhờ chủ sở hữu của Reliance, tỷ phú Mukesh Ambani hiện đang là đồng minh với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Sau khi lệnh cấm TikTok ở Ấn Độ có hiệu lực, hàng loạt công ty khởi nghiệp đã cho ra đời nhiều ứng dụng có tính năng tương tự để lấp đầy khoảng trống mà nền tảng Trung Quốc để lại. Và tất nhiên chúng đều được đón nhận nồng nhiệt khi có thêm hàng triệu người dùng mới chỉ sau vài tuần trở lại đây.

Không thể làm ngơ, Facebook cũng tung ra tính năng Reels trên Instagram cho thị trường Ấn Độ vào tháng 7, chứng kiến mức độ tương tác hàng ngày tăng hơn 25% kể từ sau khi TikTok bị cấm.

Minh Hoàng theo TechCrunch

Chủ đề khác