VnReview
Hà Nội

Ấn Độ không cho phép Huawei và ZTE tham gia thử nghiệm 5G

Hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE sẽ không thể tham gia triển khai mạng 5G tại Ấn Độ do mối quan hệ giữa hai nước trở nên tệ nhất trong 4 thập kỷ kể từ sau cuộc đụng độ biên giới.

Theo Bloomberg, quốc gia Nam Á sẽ áp dụng các quy tắc đầu tư được sửa đổi ngày 23/7 nhằm hạn chế sự hoạt động của các nhà thầu Trung Quốc, mà ở đây là Huawei và ZTE, qua đó đảm bảo an toàn cho an ninh quốc gia.

Bộ Truyền thông Ấn Độ sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán thử nghiệm 5G với công ty đang chờ phê duyệt. Trước đó, ba công ty tư nhân bao gồm Bharti Airtel, Reliance Jio Infocomm và Vodafone Idea đã nộp đơn ứng tuyển cho Bộ nhưng bị trì hoãn do toàn quốc phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19.

Quyết định của Ấn Độ được đưa ra sau khi Anh, Mỹ và Úc tuyên bố ngừng hợp tác với các công ty viễn thông Trung Quốc. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã chính thức tuyên bố ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Theo các quan chức, quá trình đầu thầu 5G có thể kéo dài sang năm sau. Họ cho biết quyết định về lệnh cấm dự kiến được công bố sau một hoặc hai tuần văn phòng thủ tướng phê duyệt. Đứng trước thông tin trên, cả phía cơ quan chính phủ lẫn đại diện hai công ty đều không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Mặc dù Ấn Độ đã cho phép Huawei tham gia thử nghiệm 5G vào đầu năm nay, nhưng dường như lập trường chống lại các công ty Trung Quốc lại trở nên cứng rắn hơn sau một loạt các hoạt động của Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp vào đầu tháng 5.

Vào cuối tháng 6, Ấn Độ ban hành lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video trực tuyến TikTok của ByteDance, theo sau là hàng chục các ứng dụng Trung Quốc với lý do đe dọa chủ quyền và an ninh lãnh thổ.

Nikhil Batra, chuyên gia phân tích thuộc công ty IDC (International Data Corp) cho biết: "Cơ sở hạ tầng viễn thông đã trở thành một phần của tài sản an ninh quốc gia và các quốc gia đang xem xét việc kiểm soát, điều tiết chúng chặt chẽ giống như đối với điện và nước"

"Nhưng Ấn Độ đang phải đối mặt với các vấn đề về cơ sở hạ tầng và quy định khi mà thị trường thiết bị mạng tại nước không đủ lớn. Vì vậy, quyết định của Ấn Độ sẽ gây nên nhiều thách thức trong việc tìm cách thế chân Huawei và ZTE".

Theo ước tính của IDC, các công ty viễn thông đã đầu tư 4 tỷ USD để thiết lập cơ sở hạ tầng 5G. Điều này sẽ gây khó khăn khi các công ty tư như Bharti, Vodafone Group hay thậm chí là các công ty công còn đang đấu tranh để thu lợi nhuận cho mảng kinh doanh 4G hiện có.

Được biết, Ấn Độ đang phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị mạng 4G của Trung Quốc. Theo ông Rajiv Sharma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của SBICAP Securities, việc cấm Huawei và ZTE có thể làm tăng chi phí chuyển đổi 5G lên 35%.

Trong khi đó, tập đoàn Reliance lại là một thách thức lớn với Huawei tại thị trường viễn thông lớn thứ hai thế giới như Ấn Độ. Một tháng trước, tỷ phú Mukesh Ambani và cũng chủ sở hữu của Reliance đã công bố kế hoạch triển khai sớm mạng 5G cho nhà mạng Jio Infocomm bằng công nghệ phát triển nội bộ. Chi tiết công nghệ đó là gì không được ông tiết lộ.

Nhờ vậy, Jio Infocomm không cần tốn nhiều chi phí chuyển đổi 5G, cũng như ít chịu ảnh hưởng bởi tranh chấp chính trị liên quan đến các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế Ấn Độ đang có xu hướng sụt giảm trầm trọng trước bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ nên chính phủ có thể không cấp phép triển khai các băng tần 5G trong tương lai gần.

Minh Hoàng theo SCMP

Chủ đề khác