VnReview
Hà Nội

Tencent đã vươn “vòi bạch tuộc” vào sâu trong ngành game đến mức nào?

Tại Trung Quốc, Tencent đứng đầu cả ba hoạt động là phát hành phim, phát hành game và phát hành nhạc. Thị trường tỷ dân đã tạo nền tảng cho Tencent lớn mạnh, vươn "vòi bạch tuộc" ra thế giới. Vậy họ đã thao túng ngành trò chơi điện tử toàn cầu như thế nào?

Với danh mục đầu tư trải dài hơn 300 công ty lớn nhỏ khác nhau, thật khó để có thể liệt kê ra hết. Dưới đây là một danh sách dài các công ty hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử có cổ phần của Tencent, thông qua những cái tên nổi tiếng này, bạn sẽ biết được công ty Trung Quốc đã "cắm rễ" vào ngành game đến mức nào.

Riot Games

Năm 2011, Tencent từ một đối tác lớn của Riot Games đã trả 400 triệu USD để nắm 93% cổ phần của công ty này, trở thành cổ đông lớn nhất của họ. Bốn năm sau, Tencent bỏ ra một số tiền không tiết lộ, thâu tóm nốt cổ phần còn lại trong Riot, biến đây trở thành công ty con thuộc toàn quyền sở hữu của mình.

"League of Leagends" thuộc sở hữu của Tencent (ảnh: Riot)

Trò chơi nổi tiếng nhất của Riot là League of Leagends (tựa Việt: Liên minh Huyền thoại), trò chơi phổ biến nhất trên nền tảng máy tính hiện nay. Năm ngoái, nó ước tính đã tạo ra doanh thu 1,4 tỷ USD. Bản thân Tencent từng yêu cầu tạo ra một phiên bản trò chơi di động của LoL nhưng bị Riot từ chối, vậy là họ tự phát triển Arena of Valor (tựa việt: Liên quân Mobile).

Tuy nhiên, mới đây Riot đã thông báo phát hành trò chơi mới là League of Legends: Wild Rift (tựa Việt: Liên minh Huyền thoại: Tốc chiến) trên nền di động. Đây được xem là phiên bản di động chính thức của họ, thay vì Liên quân Mobile vốn hay bị người chơi trên PC chế giễu. Dù vậy, hiện tại thì Liên quân Mobile vẫn đang là trò chơi di động phổ biến nhất ở châu Á.

Epic Games

Năm 2012, Tencent thực hiện một vụ đầu tư chiến lược được đánh giá là thay đổi ngành công nghiệp game. Họ rót 330 triệu USD vào Epic Games, hướng công ty này theo hướng bán dich vụ thay vì chỉ đơn giản bán game. Bộ công cụ làm game Unreal Engine 4 chuyển sang hình thức miễn phí, nhưng công ty sẽ thu tiền bản quyền dựa trên doanh thu bán hàng của trò chơi.

"Fortnite" đang được Tencent phát hành tại Trung Quốc (ảnh: Epic)

Điều này khiến Unreal Engine bùng nổ và hình thành cộng đồng sử dụng đông đảo gồm các nhà phát triển indie. Tại thời điểm đó, Epic cũng thử nghiệm mô hình kinh doanh dịch vụ với Paragon Fortnite: Save the world. Tuy thất bại, Epic sau đó vô tình tạo ra trò chơi chiến đấu kiểu đấu trường sinh tồn. Qua đó, Fortnite ra đời, trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu.

Năm ngoái, Fortnite kiếm được 2,4 tỷ USD doanh thu từ các nền tảng, trở thành trò chơi sinh lời nhất năm. Với số lượng người chơi lên đến hơn 350 triệu, đây cũng là game có cộng đồng người chơi đông nhất hiện tại. Mặc dù nắm đến 40% cổ phần nhưng Tencent vẫn chỉ là cổ đông lớn thứ hai, sau nhà sáng lập hãng.

Bluehole

Hai cái tên dẫn đầu thể loại đấu trường sinh tồn là PUBG Fortnite, và chúng đều có liên quan tới Tencent. Một điều thú vị khác, Tencent có quyền phát hành với cả hai game ở thị trường Trung Quốc, theo một nghĩa nào đó, hai trò chơi cạnh tranh nhau nhưng tiền vẫn chảy vào túi họ, bất kể bạn chơi cái gì.

Công ty cũng đang có ý định thâu tóm hãng phát triển "PUBG" (ảnh: Bluehole)

Năm 2017, Tencent đầu tư vào Bluehole với 1,5% lần đầu tiên. Sau đó họ mua thêm cổ phần để tăng lên mức 11,5%, số tiền không được tiết lộ. Gần đây đã bắt đầu xuất hiện tin đồn Tencent muốn mua đứt Bluehole để sở hữu hoàn toàn trò chơi PUBG.

Ubisoft

Tencent cũng là một nhà đầu tư trong Ubisoft. Theo thỏa thuận thì Tencent chỉ sở hữu cổ phiếu ở mức 5% và không có quyền tăng thêm quyền biểu quyết hay nắm cổ phần sở hữu. Vậy nên họ không thể mua đứt Ubisoft như với Riot. Với 5% cổ phần trong tay, Tencent có quyền phát hành các trò chơi của Ubisoft tại Trung Quốc. Một hệ lụy sau đó là vấn đề kiểm duyệt nội dung đã gây nên làn sóng phản đối dữ dội.

Activision Blizzard

Trong cơ cấu cổ phần hiện tại của công ty đứng sau tương đài World of Warcartf, Tencent nắm 5% với một số tiền bỏ ra không được tiết lộ.

Grinding Gear Games

Năm 2018, Tencent đã thâu tóm một lượng lớn cổ phiếu của nhà phát triển game New Zealand. Tuy sở hữu 80% cổ phần, Tencent hầu như không can thiệp vào các trò chơi của họ. Những game thủ của Path of Exile không còn quá lo lắng về việc Tencent hướng doanh thu trò chơi theo các giao dịch vi mô, mua bán vật phẩm ảo làm nguồn chính.

Tencent đã len lỏi vào ngành công nghiệp trò chơi điện tử ngoài sức tưởng tượng của bạn (ảnh: eSport Wekkly)

Supercell

Thương vụ từng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Tencent đã chi tới 8,6 tỷ USD để thâu tóm 84,3% cổ phần trong Supercell. Công ty Phần Lan đứng sau nhiều trò chơi mà nổi tiếng nhất là Clash of Clans. Trong bảng báo cáo tài chính, Tencent cho biết di động là nền tảng cống hiến nhiều nhất, tới 60% doanh thu. Rõ ràng thương vụ Supercell đã đem tới trái ngọt cho công ty.

Platinum Games

Đầu năm 2020, Tencent tiếp tục rót tiền vào hãng Platinum Games với khoản chi không được tiết lộ. CEO hãng hứa hẹn rằng dù nhận được đầu tư, họ không chịu sự chi phối của Tencent và vẫn tự đưa ra quyết định điều hành của mình.

Yager;

Cũng là đầu năm nay, Tencent đã rót một khoản tiền không được tiết lộ vào Yager, nhà phát triển đứng sau Spec Ops: The Line. Và cũng như nhiều trường hợp kể trên, công ty Trung Quốc giữ cho công ty hoạt động tự do như vốn có mà không tìm cách can thiệp.

Frontier Developments

Năm 2017, hãng đầu tư 17,7 triệu bảng Anh vào nhà phát triển trò chơi di động Frontier Developments. Mục đích của việc này là để tăng tài sản trong thể loại video game quản lý, mô phỏng ông trùm ở Trung Quốc. Với số tiền này, Tencent sở hữu 9% cổ phần trong công ty.

Trụ sở của Tencent tại Thâm Quyến (ảnh: Dezeen)

Kakao

Là một công ty giải trí và Internet ở Hàn Quốc, sở hữu công ty con đã phát triển tựa game Black Desert Online, game này đã đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm ngoái. Tencent hiện đang nắm 13,5% cổ phần trong Kakao.

Paradox Interactive

Khi hãng game tiến hành IPO năm 2016, Tencent đã nhanh tay thâu tóm 5% cổ phần với số tiền 21 triệu USD. Được biết, một lãnh đạo trong Tencent là người hâm mộ cuồng nhiệt trò chơi do Paradox Interactive phát triển - Heart of Iron 2.

Netmarble

Là hãng game lớn nhất Hàn Quốc, Netmarble cũng nằm trong danh sách các công ty có Tencent đầu tư. Hiện tại, Tencent đang sở hữu 17,66% trong công ty này.

Fatshark

Sự thành công của tựa game đình đám Warhammer: Vermintide 2 đã thôi thúc công ty Trung Quốc tiến hành thâu tóm hãng phát triển Thụy Điển. Ước tính, thông qua số tiền trị giá 56 triệu USD, Tencent đã sở hữu 36% cổ phần trong Fatshark.

Funcom

Nhà phát triển của Conan ExilesThe Secret World đã đồng ý trao cho Tencent 29% cổ phần. Mới đây, công ty Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tìm cách thâu tóm luôn công ty.

Sharkmob

Công ty đã thuộc toàn quyền kiểm soát của Tencent vào đầu năm 2019, kể cả khi ấy họ chưa tung ra bất kỳ trò chơi nào.

Tựa game gây sốt khi đại dịch COVID-19 bùng phát cũng thuộc sở hữu của Tencent

Miniclip

Năm 2015, Tencent cũng đã thâu tóm công ty Thụy Sĩ Miniclip, chính là công ty đã phát triển trò chơi Plague Inc. bất ngờ nổi tiếng trong đợt đại dịch bùng phát vừa qua.

Discord

Vào năm ngoái, công ty Trung Quốc cũng rót cho nền tảng liên lạc của cộng đồng game thủ số tiền không được tiết lộ. Tại vòng gây quỹ đó, Discord đã thu về 158 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư.

Một số cái tên khác gồm có cả SEA, công ty chủ quản của Garena và Shopee, trước khi  công ty này IPO thì Tencent đã nắm 39% cổ phần. Hiện tại, lượng cổ phần đã giảm xuống còn 20%. Ngoài ra, Tencent được cho là cũng đang sở hữu cổ phần ở hàng chục các công ty khác trong ngành game.

Về vị thế trong ngành trò chơi điện tử, Tencent là công ty kiếm được nhiều tiền nhất không bao gồm doanh thu bán phần cứng, theo sau họ là Sony, Apple,... Trong ba nền tảng chơi game là PC, di động và console, Tencent đã giành được vị trí số 1 ở hai nền tảng là PC và di động, chỉ còn console thì đang bị Sony chiếm lĩnh. 

Tencent là công ty kiếm nhiều tiền nhất ngành game không tính doanh thu bán phần cứng trong Q4/2019 (ảnh: Newzoo)

Và không chỉ ngành trò chơi điện tử

Bên cạnh ngành game, Tencent cũng tích cực mở rộng tầm ảnh hưởng tới ngành âm nhạc. Ứng dụng streaming nhạc lớn nhất thế giới là Spotify, có 9,1% cổ phần của Tencent. Trong nhóm ba hãng ghi âm lớn nhất thế giới (Big 3), Tencent có cổ phần trong Universal Music (10%) thông qua khoản đầu tư 3,4 tỷ USD, Warner Music (1,6%) với 200 triệu USD. Hãng còn lại không nhận đầu tư chính là Sony.

Trong lĩnh vực phim ảnh, Tencent Pictures là đơn vị chịu trách nhiệm phát hành nhiều phim bom tấn Hollywood tại đất nước tỷ dân. Họ có đầu tư sản xuất nhiều bộ phim quen thuộc như Kong: Skull Island, Wonder Woman, Venom, Terminator: Dark Fate, Top Gun: Maverick, Men in Black: International, Bumblebee,...

Ambitious Man tổng hợp

Chủ đề khác