VnReview
Hà Nội

Lệnh cấm mới của Mỹ tàn phá, thậm chí hủy diệt, chuỗi cung ứng Huawei như thế nào?

Lệnh cấm vận mới bổ sung của Mỹ phá vỡ chuỗi cung ứng của Huawei, đã cho thấy các doanh nghiệp Mỹ nắm vai trò chủ chốt có thể dẫn tới cô lập gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như thế nào.

Theo đó, Huawei bị cấm tiếp cận với các con chip do nước ngoài sản xuất, cùng các linh kiện điện tử mà có sử dụng công nghệ hoặc phần mềm Mỹ trong quá trình sản xuất, chế tạo. Như vậy, với các sản phẩm mà bản thân Huawei không thể tự sản xuất được, họ không còn có thể mua từ bên thứ ba được nữa nếu nó có dính dáng đến Mỹ.

Trước đây, lệnh cấm có lỗ hổng khiến các công ty Mỹ có thể bán sản phẩm cho một bên thứ ba, bên này sau đó giao hàng lại cho Huawei, lách luật cấm vận. Giờ thì lỗ hổng đó đã bị chính quyền Mỹ chặn hoàn toàn. Và điều tồi tệ với Huawei là vật liệu, công cụ thiết kế và sản xuất, tài sản sở hữu trí tuệ và phần mềm Mỹ đang được sử dụng rộng rãi từ Qualcomm tới Samsung, Sony.

Mỹ ra sức phong tỏa tham vọng bán dẫn của Huawei (ảnh: Business Korea)

Có rất ít cơ hội cho họ lúc này, Phó chủ tịch nghiên cứu của CCS Insights là ông Geof Blaber, nói: "Ngành bán dẫn toàn cầu phụ thuộc rất rất nặng nề vào Mỹ. Có rất ít cách giải quyết mà Huawei có thể tìm ra vào lúc này". Theo ông, sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn, chính là "nền tảng của Thung lũng Silicon" mà chúng ta thấy ngày nay.

Phần mềm thiết kế chip bị các doanh nghiệp Mỹ nắm trọn. Họ là Cadence Design Systems, Synopsys và Ansys. Còn Mentor Graphic là hãng cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn thứ ba thế giới, đã bị Siemens của Đức thâu tóm năm 2016 nhưng vẫn còn hoạt động rất nhiều tại Mỹ. Bốn công ty này kiểm soát 90% thị trường công cụ thiết kế chip.

Nhờ sở hữu rất nhiều tài sản trí tuệ có liên quan tới hoạt động thiết kế chip, bọn họ không thể bị thay thế trong một sớm một chiều. Hoạt động chế tạo chip sau đó còn phức tạp hơn, chỉ có Cadence và Synopsys là hai công ty hàng đầu thế giới, có thể cung cấp giải pháp từ A đến Z cần cho việc sản xuất những con chip rất tiên tiến.

Huawei tự thiết kế chip nhưng là trên công cụ EDA đến từ... Mỹ; 

Mặc dù Huawei vẫn sở hữu công cụ thiết kế cài đặt sẵn trên máy tính, nhưng đó chỉ là phiên bản cũ. Không có sự hỗ trợ cập nhật đến từ các công ty Mỹ, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn và xử lý vất vả hơn khi khắc phục các vấn đề kỹ thuật phát sinh.

Một công ty khác là ARM của Anh, cung cấp các thiết kế tham chiếu cho khách hàng, đang năm hơn 90% thị phần chip di động trên toàn cầu, nền tảng của Internet of Things. Tuy họ là công ty nước ngoài nhưng hoạt động nghiên cứu lại diễn ra ở một trung tâm R&D lớn đặt tại Mỹ, do vậy cũng không nằm ngoài lệnh cấm vận.

"Có rất nhiều tài sản trí tuệ của ARM bắt nguồn từ cơ sở Mỹ của họ, và ARM cũng sử dụng công cụ thiết kế chip từ Cadence" - Blader nói tiếp, cho thấy sự tuyệt vọng của Huawei. Tất cả các hãng phát triển chip trên thế giới không phân biệt quốc tịch, đều phụ thuộc vào công cụ và tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp kể trên. Đó có thể là những cái tên rất nổi tiếng như Apple, Sony, Samsung, SK Hynix, Koxia, NXP, Qualcomm, Nvidia, MediaTek, STMicroelectronics và cả chính Huawei. Sau chính sách mới, tất cả đều phải xin được giấy phép chấp thuận của chính quyền Mỹ nếu muốn giao dịch với Huawei, không có ngoại lệ.

Các dây chuyền bán dẫn của TSMC hay Samsung vẫn phải phụ thuộc vào máy móc và thiết bị đến từ Mỹ, Nhật hay châu Âu (ảnh: Reuters)

Và phần mềm thiết kế mới chỉ là lĩnh vực mở đầu của ngành chip mà Mỹ nắm quyền kiểm soát. Sau khi thiết kế hoàn chỉnh, các công ty sẽ phải tìm đơn vị sản xuất được con chip cụ thể, có thể tại chính dây chuyền bán dẫn của mình (mô hình fab) hoặc đi thuê ngoài một đối tác khác (mô hình fabless). Và các dây chuyền bán dẫn lẫn thử nghiệm đều ít nhiều liên quan tới Mỹ.

Mỹ có ba doanh nghiệp lớn là Applied Materials (AMAT), Lam Research và KLA-Tencor, cùng với ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật, hợp thành nhóm năm "ông trùm giấu tên" của ngành bán dẫn, vị thế còn trên cả các công ty sản xuất chip có tiếng như TSMC, Samsung. Nhóm này kiểm soát tới hơn 70% thị phần của thị trường trang thiết bị bán dẫn. Tuy nhiên, Tokyo Electron phụ thuộc vào một số linh kiện và công nghệ Mỹ để hoàn thiện sản phẩm.

ASML vốn có trụ sở tại Hà Lan, nhưng giống như ARM, sản phẩm của họ cũng chứa công nghệ Mỹ bên trong. Một số thành phần quan trọng trong hệ thống sản xuất chip thậm chí còn được chế tạo ngay trên đất Mỹ. Năm ngoái, công ty Hà Lan này từng bị lôi vào thương chiến Mỹ-Trung và mắc kẹt lại. Mỹ đã tìm cách gây sức ép hòng trì hoãn việc giao hàng của ASML tới SMIC, hãng bán dẫn lớn nhất Trung Quốc.

Hiện diện của Mỹ trong ngành công nghiệp chip (ảnh: Nikkei)

Với lĩnh vực hóa chất và vật liệu dùng để sản xuất chip, Mỹ cũng có hiện diện lớn. Các công ty Dow Dupont, 3M và Corning có những vị thế đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng màn hình và chip. Theo các chuyên gia pháp lý, lệnh cấm mới không chỉ giới hạn trong ngành bán dẫn nữa mà có thể lan sang tới cả ngành màn hình. Hầu hết màn hình trên thế giới cần có vật liệu từ 3M, Corning và AMAT để chế tạo.

Những công ty sản xuất và chế tạo chip hay màn hình như Samsung, TSMC và rất nhiều tên tuổi mới nổi gần đây của Trung Quốc, không thể làm chủ được những trang thiết bị căn bản quan trọng, tài sản trí tuệ hay các ngành khoa học cơ bản, vốn là nền móng cho ngành công nghiệp đó. Đây là nhận định của Su Tze-yun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan.

Hoạt động tìm tòi nghiên cứu yêu cầu phải có tiềm lực công nghệ rất lớn, đầu tư trong dài hạn, tích lũy kinh nghiệm và ứng dụng đại trà bởi khách hàng, theo bà. Những lĩnh vực này thường có liên hệ mật thiết với các ngành ứng dụng nhạy cảm như hàng không, vũ trụ, quân sự.

Trong top 10 hãng bán dẫn toàn cầu, Mỹ chiếm 6 vị trí, công ty con Huawei đứng thứ 10 nhưng sẽ sớm bị loại vì cấm vận (ảnh: IC Insights)

"Cuối cùng thì vẫn là nước Mỹ kiểm soát phần mềm cơ bản, khoa học vật liệu, hóa chất và kim loại, cũng như trang thiết bị thiết yếu trong hoạt động sản xuất chip hay đồ điện tử. Một số kinh loại cao cấp sử dụng trong động cơ máy bay là ví dụ, nhưng cũng được sử dụng trong sản phẩm tiêu dùng, Mỹ nắm những thứ quan trọng đó và các công nghệ cốt lõi".

Theo Chủ tịch của TSMC, các doanh nghiệp sản xuất chip rất khó xây dựng được một dây chuyền tiên tiến, hiện đại mang tính cạnh tranh cao, mà không động chạm tới công nghệ Mỹ. Và trong ngành bán dẫn, cứ đi qua mỗi thế hệ chế tạo chip là cấp độ phức tạp lại tăng lên. Việc thay thế bất cứ mắt xích nào trong vật liệu, hóa chất hay thiết bị đều trở nên rất khó. Chúng được thiết kế để liên kết với nhau nhằm tạo ra hiệu suất cao nhất.

Đây là vấn đề nghiêm trọng khi Trung Quốc muốn xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ "phi Mỹ hóa", có thể vận hành mà không lệ thuộc vào Mỹ. Trung Quốc đã đạt được một số thành công nhất định, như SMIC có nhà nước chống lưng, hãng sản xuất chip nhớ "cây nhà lá vườn" đầu tiên Yangtze Memory Technologies. Tuy nhiên, những công ty này cũng giống TSMC hay Samsung, đều phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc (ảnh: Credit Suisse Research)

Thực chất, tại Trung Quốc cũng có những công ty hoạt động trong các lĩnh vực tương ứng. Ví dụ Empyrean Software được chính phủ chống lưng, chuyên sản xuất phần mềm thiết kế chip và được kỳ vọng đến một ngày nào đó, có thể thách thức Synopsys hay Cadence đang thống trị. Naura Technology và Advanced Micro-Fabrication Equipment là những hãng làm thiết bị chế tạo chip, có thể thay thế AMAT và Lam Research.

Vấn đề duy nhất của các doanh nghiệp kể trên hay rộng hơn là toàn bộ chuỗi cung ứng "phi Mỹ hóa" mà Trung Quốc xây dựng, là họ chưa đủ cả về trình độ lẫn quy mô để thách thức đối thủ. Nhà phân tích bán dẫn Roger Sheng tại Gartner nói với Nikkei rằng, những công ty này không phải lo lắng về tiền vốn và có thể đầu tư thoải mái trong dài hạn. Nhưng sẽ phải rất lâu nữa họ mới thu được trái ngọt.

Blader tại CCS Insights cũng đồng ý với nhận định này. Ông bổ sung thêm: "Kể cả khi bơm một lượng tiền khổng lồ để thúc đẩy năng lực bán dẫn, đến một lúc nào đó vẫn cần khả năng tiếp cận với rất nhiều yếu tố khác nhau để chuỗi cung ứng làm việc". Mỹ sẽ vẫn là thế lực trong tương lai có thể đoán trước, ông kết luận.

Bị cách ly khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, còn ai có thể cứu được Huawei? 

Huawei giống như bị "cách ly" khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi chuỗi cung ứng mà chính phủ Trung Quốc xây dựng lại tụt hậu về công nghệ và quy mô để có thể thay thế hoàn toàn. Số phận của công ty Trung Quốc đang thực sự rất nguy cấp, khi việc mua sắm linh kiện do đối tác nước ngoài sản xuất ngày càng bị siết chặt hơn. Ai có thể cứu Huawei lúc này?

Ambitious Man

Chủ đề khác