VnReview
Hà Nội

Tại sao Fortnite bị xóa khỏi hai chợ ứng dụng Apple Store và Google Play?

Những người đam mê tựa game Fortnite giờ đây đã bước vào một cuộc chiến mới nằm ngoài phạm vi của mạng internet giữa công ty đứng đằng sau tựa game này – Epic Games – và những gã khổng lồ làng công nghệ: Apple, Alphabet, và Google. Dưới đây sẽ là cái nhìn toàn cảnh về màn "so găng" không tưởng này.

Tại sao Fortnite lại bị xóa khỏi hai chợ ứng dụng là Apple Store và Google Play?

Nguyên nhân của những bất đồng là gì?

Thứ Năm tuần trước, Apple và Google đã đồng loạt gỡ tựa game Fortnite khỏi Apple Store và Google Play. Trước đó, Epic Games đã quyết định giới thiệu hệ thống thanh toán mới nhằm né tránh khoản phí 30% mà các nhà phát triển phải trả cho hai công ty kể.

Đáp lại động thái trên, Epic Games đã kiện Apple và Google lên tòa án liên bang Mỹ, cáo buộc hai công ty này về hành vi độc quyền phân phối ứng dụng tới thiết bị người dùng và xử lý thanh toán cho nội dung số. Apple và Google thì biện hộ rằng với những dịch vụ mà các kho ứng dụng cung cấp, trong đó bao gồm tính bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thì khoản phí hoa hồng ấy là cần phải có.

Từ lâu nay, Epic đã liên tục yêu cầu các chợ ứng dụng giảm bớt một phần phí mà các lập trình viên phải gánh. Công ty này cũng đã từng kêu gọi Apple mở cửa để tự mình cạnh tranh trên thị trường phân phối ứng dụng iOS.

Căng thẳng leo thang, thứ Hai vừa qua, Epic lại cáo buộc Apple về hành vi đe dọa không cho công ty này lập trình phần mềm trên iOS và Mac. Epic cho rằng động thái trên có thể gây ra những hậu quả "không thể đong đếm hay khắc phục được" cho hoạt động kinh doanh và khách hàng của công ty này.

Liệu người dùng còn có thể chơi Fortnite trên điện thoại nữa hay không?

Giờ đây, người dùng sẽ chỉ có thể tiếp tục chơi tựa game này nếu đã cài Fortnite trên thiết bị iOS hoặc Android từ trước khi nó bị gỡ khỏi App Store và Google Play.

Việc nó bị gỡ bỏ có nghĩa là người chơi sẽ không thể tải Fortnite về máy hoặc cập nhật lên những phiên bản mới hơn thông qua hai chợ ứng dụng trên. Dù vậy, Fortnite vẫn có thể được tải về cho điện thoại Android từ nhiều chợ ứng dụng khác.

Ngoài ra, điều này cũng không ảnh hưởng tới những ai đang chơi Fortnite trên hệ máy console, PC hoặc Mac.

Tại sao Apple và Google lại chọn mức hoa hồng là 30%?

Khi lần đầu ra mắt App Store vào năm 2008, Apple đã bắt đầu thu 30% hoa hồng từ một số danh mục ứng dụng, quyết định này đã tạo thành một xu hướng để những chợ phần mềm trực tuyến khác noi theo. Năm 2012, Google giới thiệu Play Store để mang tới nhiều loại dịch vụ số tích hợp trong một ứng dụng.

Theo phân tích viên của Công ty Chứng khoán Wedbush, Michael Pachter, quyết định chọn con số 30% của Apple từ hơn 10 năm trước có nguyên do là vì vị CEO đương thời là Steve Jobs đã tham khảo mức chiết khấu 35% mà các công ty truyền hình cáp yêu cầu khi nhận phân phối phim trả phí theo mỗi lượt xem.

Apple thậm chí đã trích dẫn từ một nghiên cứu kinh tế mà công ty này ủy quyền thực hiện rằng khoản phí thu từ phía nhà phát triển này cũng giống với chi phí mà các chợ phần mềm và cửa hàng bán trò chơi điện tử đang thu.

Những người chỉ trích phương án trên thường gọi khoản phí 30% là một loại "thuế".

Thứ gì đang đe dọa những khoản phí kể trên?

Chợ phần mềm là một mảng kinh doanh lớn và thu lời lớn cho Apple, Google cùng nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác. Tính riêng trong bảy tháng đầu năm nay, người dùng toàn cầu của Apple Store đã chi tiêu gần 39 tỷ USD cho hoạt động mua bán trong ứng dụng, phí thuê bao và phí sở hữu ứng dụng cao cấp. Tương tự, người dùng Google Play cũng tiêu tốn gần 21 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian ấy. Mức chi tiêu trên được cho là đã tăng tới 25% khi so với cùng kì năm 2019.

Giới phân tích ước tính rằng App Store đang đóng góp cho Apple khoảng 15 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Cuộc chiến pháp lý này có thể tạo thành một làn sóng lan truyền trên thị trường ứng dụng di động toàn cầu – thứ đã làm người dùng toàn cầu phải tiêu tốn tới 120 tỷ USD chỉ trong năm trước.

Giới chức trách nghĩ gì?

Trong một phiên điều trần trước quốc hội về chống độc quyền trong công nghệ diễn ra vào tháng trước, hạ nghị sỹ Hoa Kì, Hank Johnson đã chất vấn CEO Apple là Tim Cook về việc công ty này có đang đối xử công bằng với các nhà phát triển ứng dụng hay không khi mà chính họ đã đồng ý giảm phí hoa hồng đối với một vài hoạt động mua bán từ công ty Amazon.com và đã "mở đường tắt" cho ứng dụng của công ty Baidu, Trung Quốc để được phê duyệt nhanh hơn.

Apple đã biện hộ cho chính sách của mình rằng khoản phí ấy chỉ là một phần nhỏ khi so với con số mà các nhà phát triển ứng dụng đã phải trả để phân phối phần mềm trước khi App Store được ra đời vào năm 2008.

Vào tháng Sáu vừa qua, App Store cũng đã trở thành đối tượng trong cuộc điều tra chống độc quyền của Liên minh Châu Âu.

Trung ND theo Wall Street Journal

Chủ đề khác