VnReview
Hà Nội

Chặng đường vươn tới danh hiệu "công ty 3 nghìn tỷ đô" sẽ không dễ dàng đối với Apple

Vừa qua, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã chính thức chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD, chỉ hai năm sau trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mức định giá nghìn tỷ đô.

Với giá trị cổ phiếu tăng 60% trong năm nay, Apple là một trong những ông lớn thuộc nhóm Big Tech gặt hái được nhiều thành công. Các nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu của Apple, đặt cược vào mô hình kinh doanh, bảng cân đối kế hoạch bền vững và nguồn lực kinh tế ổn định, từ đó cũng cố niềm tin giúp Apple vượt qua bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đi xuống do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cuối tháng 7, Apple đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2020, cho thấy thắng lợi ấn tượng nhờ vào doanh số bán hàng tăng mạnh, chiến lược ra mắt iPhone SE giá rẻ đúng thời điểm và sự thúc đẩy từ chính phủ.

Nhưng trong tương lai, Apple sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước tiên, định giá của Apple hiện tại đã nâng cao kỳ vọng của các chuyên gia phân tích. Đơn cử như trên sàn giao dịch Phố Wall, giới phân tích dự đoán doanh số bán hàng trong năm tài chính 2020 của Apple kết thúc vào tháng 9 tới sẽ cao hơn 3% so với doanh thu hai năm trước. Chưa kể, giá cổ phiếu của hãng đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, kéo theo giá trị thị trường cao hơn gấp 33 lần so với doanh thu dự đoán của bốn quý kế tiếp.

Mức định giá cao ngất ngưởng của Apple không đồng nghĩa với việc dòng sản phẩm iPhone sắp tới có thể được người dùng đón nhận. Trái ngược với iPhone SE giá rẻ đã thúc đẩy doanh thu quý 3, Apple sẽ phải thuyết phục người dùng bỏ ra hơn 1.000 USD để sở hữu chiếc iPhone 5G mới nhất được ra mắt trong thời gian sắp tới.

Hơn nữa, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn để đổi điện thoại, nhất là khi hàng triệu người dân Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Với lượng ứng dụng ít ỏi hiện tại, liệu 5G có thực sự cần thiết, đồng thời khiến việc nâng cấp điện thoại trở nên kém hấp dẫn.

Tuần trước, bản tin của Bloomberg cho biết Apple sẽ không thay đổi nhiều chiến lược kinh doanh dịch vụ, ngoại trừ việc bổ sung gói tập thể dục ảo mới và một vài gói dịch vụ đăng ký ít ỏi.

Quan trọng hơn hết, Apple đang đối mặt với sự giám sát ngày càng gay gắt từ các cơ quan quản lý trong việc thống trị thị trường smartphone. Vào tháng 6, Liên minh Châu Âu EU đã tổ chức hai cuộc điều tra chống độc quyền về Apple với lý do xem xét các nguyên tắc của hệ thống mua hàng trong ứng dụng.

Trong khi vào tháng 7, CEO Tim Cook đã phải bảo vệ chính sách hoạt động của App Store và giải thích về số phần trăm chiết khấu mà công ty đặt ra với các đối tác ứng dụng trước phiên điều trần về chống động quyền do Quốc hội Mỹ chủ trì. Rõ ràng, nếu một trong hai cơ quan quản lý toàn cầu kìm hãm các hoạt động kinh doanh của Apple thì sẽ đều gây tác động tiêu cực đến lợi ích lẫn lợi nhuận của "nhà Táo".;Vì thế để tiếp tục vươn tới những cột mốc "nghìn tỷ USD" kế tiếp, Apple sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Minh Hoàng theo Bloomberg

Chủ đề khác