VnReview
Hà Nội

Thành công của Apple là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Tim Cook

Việc Apple được định giá 2.000 tỷ USD trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động đã cho thấy thành công của CEO Tim Cook trong việc thay đổi chiến lược của nhà sản xuất iPhone.

Giá cổ phiếu của "Táo Khuyết" đạt mức 446,77 USD thì cũng là lúc Apple trở thành công ty đầu tiên của Mỹ phá kỷ lục 2.000 tỷ đô. Đây được xem là tập đoàn có giá trị cao nhất thế giới, vượt qua "ông lớn dầu mỏ" Saudi Aramco, Microsoft và Amazon. ; 

Cột mốc quan trọng này xuất hiện lại sau hơn hai năm kể từ khi Apple trở thành công ty đạt giá trị vốn hóa 1 nghìn tỷ USD đầu tiên vào tháng 8/2018. Giờ đây, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy hoạt động kinh doanh của Apple không như bao nhà sản xuất phần cứng khác, thay vào đó là giống với một công ty phần mềm hơn cả.

Logan Purk làm việc tại Edward James, công ty phân tích cổ phiếu, cho biết: "Trong bốn tháng qua, Apple hoạt động như một công ty phần mềm thực thụ. Việc kinh doanh dịch vụ của Apple đang phát triển rất mạnh, mang lại bội số doanh thu trên 30 và giúp có được danh tiếng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mới".

Tuy nhiên, Apple lại đang bị so sánh với các gã khổng lồ công nghệ có thâm niên trong ngành dịch vụ như Microsoft khi bội số doanh thu (tỷ số P/E - Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) mà công ty này đạt được là 36 và Amazon hiện tại là hơn 123.

Vào năm 2015, khi tốc độ tăng trưởng của iPhone bắt đầu chững lại, Apple chuyển dần sự chú ý của các nhà đầu tư sang thị trường kinh doanh đầy tiềm năng, màu mỡ như dịch vụ. Apple đã mở ra rất nhiều dịch vụ tính phí khác nhau trên iTunes, App Store, Apple Music, Apple Pay và bảo hành AppleCare.

 

Đà tăng trưởng giá trị thị trường của Apple qua từng năm

Cùng với đó, Apple tung ra các gói dịch vụ đăng ký mới trong hai năm trở lại đây để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như tạp chí số Apple News+, dịch vụ truyền hình trực tuyến Apple TV+ cạnh tranh với Netflix và Disney+.

Ông Nick Grous từ công ty phân tích Ark Invest cho rằng ngày trước, Apple từng chú trọng phát triển phần cứng nhưng giờ lại chuyển sang phần mềm như một hướng đi mới. Về kế hoạch đường dài của hãng, chúng ta không thể tập trung mãi vào doanh số bán phần cứng lẫn iPhone, thay vào đó ta nên chuyển sang phân tích mảng dịch vụ của họ.

Vào tháng 1/2016, Apple đã công bố báo cáo tài chính liên quan đến các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Tại đây, CEO Tim Cook cho biết: "Tôi nghĩ những tài sản mà chúng tôi đang có trong lĩnh vực này là rất lớn, cũng như biết rằng đó có thể là điều mà các nhà đầu tư mong muốn và nên tập trung hơn vào".

Năm 2017, Cook đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho Apple rằng doanh thu dịch vụ vào năm 2020 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2016, tương đương với khoảng 46 tỷ USD. May mắn thay, Tim Cook đã hoàn thành mục tiêu trước sáu tháng so với kế hoạch đề ra.

Trong báo cáo tài chính quý 3 vừa rồi, doanh thu dịch vụ của Apple đạt 13,16 tỷ USD, chiếm 22% tổng doanh thu công ty. Trước khi Apple muốn biến mình trở một công ty phần mềm trong mắt các nhà đầu tư, họ cần cải thiện tỷ số P/E khi vẫn còn thấp so với các công ty cùng ngành thuộc nhóm Big Tech như Microsoft – một "gương mặt" thu hút của giới công nghệ và nhà đầu tư.

Trong suy nghĩ của các nhà đầu tư, họ luôn xem hoạt động kinh doanh phần cứng là thành công chủ chốt của Apple và lo ngại những chiếc iPhone, iPad trong tương lai sẽ không thể bán chạy như trước. Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen đã đưa ra nhận xét vào năm 2015 rằng hoạt động kinh doanh phần cứng của Apple giống như một "nhà máy thép sắp ngừng hoạt động".

Mặt khác, nhà phân tích Tom Forte lại nhìn nhận chiến thắng này đã giúp bộc lộ những điểm mạnh độc đáo của Tim Cook so với nguyên giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Steve Jobs. Forte chia sẻ rằng Steve Jobs luôn nổi tiếng với việc tập trung vào những gì nên làm và làm nó một cách tốt nhất. Trong khi Tim Cook hướng đến những cái mới, xem đâu là điểm mạnh của Apple và áp dụng chúng cho nhiều thứ khác nhau.

Hiện quy mô hoạt động kinh doanh dịch vụ của Apple chỉ bằng 1/2 so với hoạt động kinh doanh phần cứng. Trong đó, phần lớn lợi nhuận có được đều phụ thuộc vào các thiết bị iPhone như bán gói bảo hành AppleCare hay doanh thu từ App Store. Apple cũng chỉ tập trung vào hệ sinh thái của riêng mình với 1,5 tỷ thiết bị hoạt động, thay vì "đá chéo sân" sang những thị trường khác như người dùng Android và Windows.

Tuy nhiên, App Store đang ngày càng hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhà phát triển vì quy định chia sẻ 30% doanh thu với Apple và họ cho rằng mức hoa hồng đó là quá lớn. Đồng thời họ cũng cảm nhận được áp lực từ các cơ quan lập pháp và quản lý khi vào tháng 7 vừa qua, Tim Cook đã phải giải đáp những câu hỏi về hoạt động kinh doanh của Apple trong phiên điều trần với Quốc hội Mỹ.

Ngoài việc tăng trưởng về hoạt động kinh doanh dịch vụ, còn có rất nhiều yếu tố đằng sau hỗ trợ cho sự thành công của Apple. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, cổ phiếu công nghệ nói chung vẫn đang hoạt động tốt, nhất là khi các nhà đầu tư tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn" giúp mang lại khả năng tăng lợi nhuận cho họ.

Đồng thời, Apple cũng đóng vai trò làm cổ đông cho chính bản thân mình, giúp công ty tăng 50 tỷ USD giá trị vốn hóa vào năm 2020, 75 tỷ USD vào năm 2019 và 100 tỷ USD vào năm 2018. Nhà phân tích John Vinh cho biết hiện một số nhà đầu tư đang đặt cược vào "chu trình đổi mới" 4 năm 1 lần của Apple vì nhiều đồn đoán cho rằng "Táo Khuyết" sẽ trình làng một mẫu iPhone 5G tiên tiến vào cuối năm nay. Vì thế hãy cùng chờ xem liệu thế hệ iPhone 12 mới có mang đến thành công cho Apple hay không. 

Minh Hoàng theo CNBC

Chủ đề khác