VnReview
Hà Nội

Nhiều nhà xuất bản tin tức yêu cầu Apple giảm mức phí 30%

Các nhà xuất bản tin tức lớn của Mỹ đã kéo nhau gia nhập danh sách các công ty chỉ trích Apple đưa ra những điều khoản không công bằng, thiếu tính cạnh tranh trên nền tảng App Store.

Hiệp hội thương mại truyền thông kỹ thuật số Digital Content Next, đại diện cho các thành viên gồm những tờ báo lớn như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, Vox Media cùng rất nhiều tạp chí, đài truyền hình,... đã gửi một lá thư tới CEO Tim Cook. Lá thư yêu cầu một cuộc đàm phán, Apple phải nêu rõ những điều kiện cần thiết để họ được hưởng quyền lợi như Amazon Prime.

"Chúng tôi cần được biết về những điều kiện mà các công ty nội dung kỹ thuật số chất lượng cao, đang là thành viên của hội, phải thỏa mãn để có thể được hưởng ưu đãi giống như Amazon đã có. Cụ thể là ứng dụng streaming video Amazon Prime trên nền tảng App Store của Apple" - CEO Jason Kint của DCN viết. Đòi hỏi của họ dựa trên thông tin mà cuộc điều tra chống độc quyền của Nhà trắng đã hé lộ.

Spotify là công ty đầu tiên đứng lên chống lại Apple, và bây giờ đã có thêm hàng loạt những cái tên mới (ảnh: The Verge)

Theo đó, Apple và Amazon đã đàm phán để đạt được tỉ lệ ăn chia là 85-15 giữa hai bên, hào phóng hơn rất nhiều mức ăn chia 70-30 mà Apple đang áp dụng với nhiều đối tác khác. Khoản tiền mà Apple thu thường được gọi là "thuế Apple", một khoản phí thường bị mô tả là thiếu công bằng một cách quá đáng với các nhà phát triển. Đây đang là tâm điểm trong vụ kiện độc quyền do Ủy ban châu Âu tiến hành, cũng như cuộc chiến pháp lý mà Epic Games vừa gây ra nhắm vào Apple.

Những năm qua, liên tiếp các bên phát triển ứng dụng đứng lên tố cáo Apple đã có hành vi đối xử thô bạo trên nền tảng App Store, chỉ trích khoản phí 30% mà Apple cắt lấy từ mỗi giao dịch phát sinh trong ứng dụng. Spotify, Rakuten, Basecamp (dịch vụ email Hey), Facebook, Microsoft,... đều công khai tấn công Apple, nói công ty lợi dụng vị thế độc quyền trên App Store.

Và bây giờ, đến lượt các nhà xuất bản lớn ở Mỹ cũng đứng lên đòi quyền lợi của mình. Lần này phức tạp hơn vì nhiều thành viên trong DNC là đối tác cung cấp tin tức cho dịch vụ Apple News+. Trước đây, các công ty này đã nêu vấn đề về quyền kiểm soát của Apple đối với quảng cáo đặt trong ứng dụng, dữ liệu người dùng. Đó là những thứ có thể giúp họ kiếm tiền từ các nội dung đăng tải lên dịch vụ.

Các đối tác cung cấp nội dung cho Apple News+ đứng lên đòi quyền lợi (ảnh: The Verge)

Tờ New York Times đặc biệt đã có hành động rõ ràng, rút mọi ấn bản của mình khỏi Apple News+. Họ cho rằng các điều khoản này nghiêng về phía Apple nhiều hơn là đối tác trực tiếp tạo ra tin tức. Bây giờ khi các nhà xuất bản biết Apple đã trao cho dịch vụ Amazon Prime đặc quyền riêng, được hưởng tỉ lệ ăn chia 85-15 thay vì 70-30 như thông thường, họ trở nên mất kiên nhẫn.

CEO Tim Cook chưa bao giờ làm rõ những điều kiện nào để Amazon đạt được thỏa thuận kia. Theo tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện, đích thân CEO Jeff Bezos đã đứng ra đàm phán với Phó chủ tịch Apple Eddy Cue. Vì thế, DNC đưa ra thông điệp rõ ràng với ban lãnh đạo Apple, họ phải được biết vì sao Amazon lại có được đặc quyền riêng như vậy, những điều kiện nào mà các thành viên của họ chưa đáp ứng được.

"Tôi yêu cầu ngài xác định thật rõ ràng những điều kiện mà Amazon đã đáp ứng để có được sự sắp xếp đó. Các thành viên trong DNC có thể xem xét đạt được chúng nhằm dẫn tới một thỏa thuận tương tự." - CEO DNC viết trong bức thư. Trước mọi cáo buộc, Apple khẳng định khoản phí 30% họ lấy là rất công bằng, nhưng việc chỉ lấy 15% trong thỏa thuận với Amazon rõ ràng đã đi ngược lại tuyên bố đó.

Ambitious Man

Chủ đề khác