VnReview
Hà Nội

Trung Quốc lần đầu tự sản xuất được chip nhớ DRAM, liệu có thể cạnh tranh với Hàn Quốc?

Khi một nhà máy trị giá 8 tỷ USD tại phía Đông Trung Quốc, tỉnh An Huy, thông báo đã tìm được khách hàng mua các con chip DRAM đầu tiên của họ, ngành công nghiệp Trung Quốc bắt đầu khui sâm banh ăn mừng.

Bốn năm sau khi gây quỹ, ChangXin Memory Technologies cuối cùng đã có thành tựu đầu tiên, trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc có thể thiết kế và sản xuất những chip nằm trong mọi máy tính trên thế giới. Họ bắt đầu sản xuất hàng loạt từ tháng Chín năm ngoái, nhưng phải tới tận tháng Năm vừa rồi mới chính thức xác nhận về khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với các công ty khổng lồ - bộ ba Samsung, SK Hynix, Micron - đang kiểm soát gần 90% thị trường DRAM toàn cầu.

Thành công đầu tiên

Thông tin này được ca ngợi như một bước tiến đáng kể cho cả ChangXin lẫn toàn ngành bán dẫn Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh họ đang phải gồng mình vượt qua sự đàn áp của chính quyền Mỹ, cần phải trở nên tự chủ công nghệ nhiều hơn. Bắc Kinh đã vung hàng tỷ USD cho ngành bán dẫn nội địa, nhằm sản xuất được cả chip nhớ lẫn chip logic, hai hạng mục lớn nhất của ngành chip công nghệ cao.

Trung Quốc lần đầu thành công khi tự mình sản xuất DRAM (ảnh: Nikkei)

Trong đó, chip nhớ được xác định là có mức độ tinh vi thấp hơn, cơ hội giành giật thị phần cao hơn nếu Trung Quốc muốn bước chân vào thị trường. Chip nhớ chiếm khoảng 106 tỷ USD trong tổng giá trị ngành bán dẫn năm 2019, trị giá 412 tỷ USD. Số liệu cung cấp bởi Hiệp hội Ngành công nghiệp Bán dẫn, và trong khi Trung Quốc là khách hàng mua nhiều nhất thế giới, ngành chip nội địa gần như không có vị thế trong sản xuất.

Chính vì thế, khi mà chiến tranh lạnh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, ChangXin được cho là công ty sẽ hưởng lợi lớn. Nhưng quan trọng hơn cả việc họ sẽ được chính phủ hậu thuẫn mọi thứ, là cần phải tạo ra được sản phẩm bắt kịp nhu cầu thị trường. Theo các chuyên gia, công ty cần chứng minh độ tin cậy của sản phẩm và tính cạnh tranh so với các đối thủ hiện nay.

Đi lên từ hai bàn tay trắng

Được đặt tại Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy, ChangXin chính thức được thành lập vào năm 2016 như một dự án được dẫn dắt bởi Quỹ Đầu tư Công nghiệp Hợp Phì (HIIF), cộng tác cùng một hãng thiết kế chip nhớ flash GigaDevice Semiconductor Bắc Kinh. HIIF là cơ quan chu cấp hầu như mọi nguồn lực tài chính để khởi động dự án, mức đầu tư lên tới 8 tỷ USD.

Trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc, GigaDevice và ChangXin có tên ở mục chip nhớ (ảnh: Credit Suisse Research)

Ban đầu, ChangXin được dẫn đắt bởi ông Wang Ningguo, cựu CEO SMIC là hãng đúc chip lớn nhất Trung Quốc. Giai đoạn đầu của dự án ghi nhận sự cống hiến rất lớn của ông, đã nỗ lực tuyển dụng vô số nhân sự bán dẫn đến từ Hàn Quốc cũng như một số nước khác. Sau hai năm thành công, ông Wang rời đi và Zhu Yiming lên thay thế.

Tại thời điểm vẫn còn "trứng nước" này, Trung Quốc gần như không có kinh nghiệm gì về sản xuất DRAM. Tài sản trí tuệ liên quan tới công nghệ DRAM tự phát triển cũng rất nghèo nàn. Để bù khuyết cho điểm yếu này, ChangXin đã xin hợp tác với Qimonda, hãng sản xuất DRAM đứng đầu nước Đức và từng là một phần của Infineion Technologies.

Công ty này đã xin phá sản năm 2009 nhưng vẫn sở hữu một lượng tài sản trí tuệ khổng lồ liên quan tới công nghệ DRAM. Đây chính là thứ mà ChangXin còn thiếu. Được sự đồng ý hợp tác của công ty Đức, hãng công nghệ non trẻ của Trung Quốc đã nắm trong tay hơn 10 triệu tài liệu kỹ thuật liên quan tới DRAM, cùng kho dữ liệu có liên quan 2,8TB. Nền móng đầu tiên cho tham vọng tự chủ sản xuất chip nhớ của Trung Quốc.

ChangXin lên kế hoạch xử lý 40.000 tấm wafer mỗi tháng, tương ứng 4% tổng sản lượng DRAM toàn cầu (ảnh: Samsung);

ChangXin bắt đầu sản xuất chip DRAM đầu tiên của mình vào tháng Chín năm 2019. Công suất tại thời điểm đó là 20.000 tấm wafer mỗi tháng. Dự kiến đến giữa năm nay, họ có kế hoạch tăng gấp đôi công suất ra lò. Theo hãng nghiên cứu TrendForce, nếu 40.000 tấm wafer được xử lý mỗi tháng thành sự thật, nó sẽ chiếm 4% tổng sản lượng DRAM trên toàn cầu trong năm nay.

Ai sẽ mua chip nhớ Trung Quốc?

Sau khi sản xuất hàng loạt thành công, ChangXin bắt đầu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Một trong những khách hàng đầu tiên là Shenzhen Longsys Electronics, một hãng làm module RAM. Vào tháng Năm vừa qua, công ty thông báo các con chip của ChangXin đã vượt qua vòng đánh giá, đạt chứng nhận để sử dụng trong ba sản phẩm lưu trữ của họ.

Theo một người làm việc lâu năm trong ngành bán dẫn, những công ty đầu tiên như này thường có yêu cầu phẩm chất thấp nên dễ trở thành khách hàng của ChangXin. Tiếp theo, công ty Trung Quốc cần hướng tới những hợp đồng của các hãng sản xuất đồ điện tử tiêu dùng, ví dụ smartphone hay laptop. Nếu đạt được thỏa thuận thì sẽ là bước đột phá đối với một hãng mới chập chững làm DRAM như họ.

Tiếp theo, công ty cần đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các hãng sản xuất smartphone, laptop (ảnh: AVwatch)

Thách thức này khó khăn hơn nhiều và tốn nhiều thời gian để vượt qua hơn, bởi những nhà sản xuất như vậy thường có yêu cầu tương đối khắt khe, quy trình cấp phép chứng nhận chất lượng cũng lâu hơn. ChangXin sẽ phải nâng cấp trình độ bản thân nhằm thỏa mãn yêu cầu về chất lượng.

Một nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng ChangXin đã đến nói chuyện với vài hãng điện tử tiêu dùng. Trong các trường hợp đó, ChangXin không thể dựa dẫm vào động cơ chính trị của khách hàng như là để làm hài lòng chính phủ Bắc Kinh. "Các công ty sẽ không chọn sản phẩm của họ chỉ vì nó được sản xuất trong nước" - nguồn tin cho biết. Cuối cùng, chất lượng vẫn là yếu tố chính.

Lợi thế lớn nhất của ChangXin so với các đối thủ toàn cầu lúc này là giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, họ vẫn phải dè chừng bởi trong một cuộc chiến giá cả, những ông lớn có thể lựa chọn hy sinh lợi nhuận hòng ép đối thủ mới phải rời khỏi vòng chiến, đơn giản bởi họ có tiềm lực tài chính rất giàu mạnh.

Hàn Quốc đang thống trị thị trường DRAM toàn cầu (ảnh: EEtimes)

Một thách thức kỹ thuật hiện nay của ChangXin là tiến trình sản xuất. Họ vẫn đang dùng công nghệ 19nm để làm chip, trong khi Samsung, SK Hynix và Micron đều đã áp dụng 14nm tiên tiến hơn. Rãnh khắc càng nhỏ, chip càng nhồi được nhiều bóng bán dẫn và có dung lượng lớn hơn.

Hơn nữa, việc thiếu hụt kinh nghiệm sản xuất cũng phần nào ảnh hưởng đến tỉ lệ thành phẩm. Đó là số chip sử dụng được sau mỗi mẻ, những chip bị lỗi hoặc dưới tiêu chuẩn cho phép sẽ bị loại bỏ. Nếu không đạt được tỉ lệ thành phẩm cao như những hãng lâu đời dày dạn kinh nghiệm, lợi thế giá rẻ ban đầu cũng sẽ biến mất.

Tham vọng đường dài

ChangXin là một công ty sinh ra nhờ tham vọng tự chủ công nghệ của Bắc Kinh. Họ đã gặt hái được thành quả đầu tiên sau những khoản hỗ trợ hào phóng từ chính phủ. Tuy nhiên, một công ty đồng hương khác thì không may mắn thế, Fujian Jinhua đang phải nhận trợ cấp duy trì sự tồn tại sau khi thua trong một cuộc chiến pháp lý.

Công ty Trung Quốc non trẻ rất cẩn trọng với các vấn đề liên quan tới bản quyền trí tuệ (ảnh: IC Photo)

Họ bị ông lớn Micron của Mỹ kiện vì ăn cắp bí mật thương mại năm 2017. Theo tố giác, công ty đã trả tiền cho ba kỹ sư Đài Loan để sao chép trái phép dữ liệu mật của Micron, sau đó tìm cách chuyển giao về đại lục. ChangXin đã cố để không rơi vào số phận tương tự bằng cách hợp tác với Qimonda. Rút kinh nghiệm, công ty đang cực kỳ thận trọng với các vấn đề liên quan tới bản quyền trí tuệ.

Các nhân sự mới của ChangXin đã được dặn dò kỹ càng, không được phép mang theo bất kỳ tài liệu nào có nguồn gốc từ chỗ làm cũ. Cố tránh mọi sự cố đáng tiếc!

Ambitious Man (Theo Asia Nikkei)

Chủ đề khác