VnReview
Hà Nội

Apple phản pháo đơn kiện của Epic, gọi nhà phát triển Fortnite là “lũ ăn cắp vặt”

Ngoài ra, Apple còn tìm cách đổ lỗi ngược và nói Epic Games đã tự gây ra rắc rối cho bản thân.

Hôm nay, cuộc chiến sinh tử giữa Apple và Epic Games đã tiến thêm một bước mới. Apple vừa trình phản hồi chính thức đối với đơn kiện mà Epic Games nộp hồi tuần trước, trong đó cáo buộc Apple nắm thế độc quyền trên App Store của hãng.

Phản hồi của Apple có vẻ khá khó hiểu, khi mà Táo khuyết đưa ra một so sánh khập khiễng rằng Epic giống "lũ ăn cắp vặt". Apple còn tìm cách đổ lỗi cho Epic khi nổi loạn chống lại các chính sách của Apple - một điều khá kỳ quặc mà chẳng mấy ai làm trong một vụ kiện chống độc quyền như thế này.

Cuộc chiến Apple - Fortnite: Epic có phải "lũ ăn cắp vặt"?

Trong đơn phản hồi, Apple nói về việc Epic tìm cách né tránh khoản hoa hồng 30% mà Apple thu đối với mọi giao dịch trong ứng dụng như sau:

"Nếu các nhà phát triển có thể né tránh giao dịch số, thì điều đó cũng giống như khi một khách hàng rời khỏi cửa hàng bán lẻ của Apple mà chẳng hề trả tiền cho sản phẩm họ vừa ăn cắp được: Apple rốt cuộc vẫn không được trả tiền"

Một so sánh hết sức gay gắt, nhưng chẳng có chút nghĩa lý gì. Epic đang bán sản phẩm của riêng họ (loại hàng hoá mà người chơi có thể giao dịch trong Fortnite là V-Bucks) thông qua một ứng dụng do họ tạo ra, do đó Epic không thể "ăn cắp vặt" sản phẩm của chính họ từ cửa hàng Apple được nhắc đến ở trên được.

Apple có thể dùng "trung tâm mua sắm" trong so sánh của mình để khiến nó hợp lý hơn. Hãy tưởng tượng Apple sở hữu một trung tâm mua sắm - tức một toà nhà lớn với nhiều nhà bán lẻ khác nhau bên trong - và Epic Games là một cửa hàng bên trong trung tâm đó. Trung tâm mua sắm này là độc nhất, không có trung tâm nào khác quanh đó cả. Điều đang xảy ra ở đây sẽ tương tự như việc Epic Games buôn bán như thường lệ, nhưng từ chối trả tiền thuê mặt bằng với lý do chi phí thuê là cao đến khó chấp nhận được do Apple biết Epic chẳng thể thuê mặt bằng ở bất kỳ đâu ngoài trung tâm của mình. Đúng, việc Epic từ chối trả tiền thuê là không đúng, nhưng nó khác hoàn toàn với hành vi "ăn cắp vặt".

Apple tìm cách đổ lỗi ngược

Trong đơn phản hồi, Apple còn nói rằng sẽ không tạm thời đưa Fortnite trở lại App Store trong quá trình giải quyết tranh chấp. Lý do của Apple là Epic tìm kiếm sự "cứu trợ khẩn cấp" từ một tình huống "hoàn toàn do chính Epic gây ra".

Đây cũng là một điều rất kỳ quặc, chẳng ai đưa vào một đơn phản hồi như thế này, bởi nếu xét kỹ, nó thực sự có ý ủng hộ cho cáo buộc của Epic rằng Apple nắm độc quyền kiểm soát trên App Store. Epic muốn Apple giảm hoặc chấm dứt khoản phí 30% thu từ mọi giao dịch Fortnite thông qua App Store, và Apple từ chối - đơn phản hồi mới này đã chứng minh điều đó. Epic đã tìm cách né tránh khoản phí của Apple dưới dạng một cuộc biểu tình chống lại điều họ cho là sự kiểm soát không công bằng đối với công việc kinh doanh của mình. Đáp lại, Apple thẳng tay đá bay Fortnite khỏi nền tảng.

Nói cách khác, Epic phá những luật lệ họ cho là không công bằng. Apple trừng phạt Epic, và nay Epic theo đúng nghĩa đen là không còn nơi nào để trú cả. Epic sau đó yêu cầu được tiếp tục kinh doanh trong khi vụ kiện đang được giải quyết (vì chưa có kết quả, nên không bên nào được xem là sai, cũng không bên nào được xem là đúng), và Apple từ chối. Đó chẳng phải là định nghĩa của một hình thức độc quyền kinh doanh sao? Toàn bộ hoạt động kinh doanh của Epic trên iOS đều bị nắm gọn trong bàn tay sắt của Apple.

Nhưng Apple có vẻ đang "lơ" đẹp một điều, rằng nếu Epic có một nền tảng khác để đưa Fortnite đến với người dùng iPhone, họ sẽ chẳng thèm kiện làm gì cho nhọc công. Do đó, gọi vụ kiện này là một vấn đề "hoàn toàn do chính Epic gây ra" rõ ràng là một tuyên bố yếu ớt mà nếu được nói trước toà, Apple sẽ lãnh đủ.

App Store có giống Steam hay Play Store?

Cuối cùng, Apple còn nói rằng Epic không kiện Apple độc quyền bởi có nhiều cách khác để người dùng có thể mua game di động. Apple lấy Google Play Store làm ví dụ, sau đó là cả Steam nữa. Cả hai nền tảng này đều thu một khoản phí tương tự từ các sản phẩm được bán thông qua các cửa hàng tương ứng.

Tuy nhiên, Apple không thấy (hoặc cố ý không thấy) rằng nếu một nhà phát triển không muốn bán thông qua Steam hay Play Store, họ có thể bán thông qua nhiều cửa hàng khác. Họ cũng có thể tự mình bán và giữ lại toàn bộ lợi nhuận. Điều này là hoàn toàn khả thi trên PC và các thiết bị Android, nhưng trên iPhone thì không. Một lần nữa, Apple đang đưa ra một luận điểm yếu ớt, có thể dễ dàng bị phản đòn trước toà.

Epic Games tất nhiên đang kiện cả Google, cũng cáo buộc gã khổng lồ tìm kiếm độc quyền kinh doanh. Nhưng vụ kiện này không gay gắt như vụ kiện chống Apple, dù rằng kết quả từ vụ kiện Apple hoàn toàn có thể buộc Google phải đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách Play Store.

Minh.T.T (theo AndroidAuthority)

Chủ đề khác