VnReview
Hà Nội

Lý do chiếc BlackBerry 5G sắp tới có thể là một thành công ngoạn mục

Một chiếc smartphone BlackBerry mới vừa được công bố, và nó hứa hẹn nhiều thứ mà chưa chiếc BlackBerry nào trước đây từng có, bao gồm kết nối 5G.

Chiếc điện thoại mới này sẽ được sản xuất bởi một công ty trụ sở tại Texas tên OnwardMobility (một cái tên lạ hoắc!), vốn đã ký kết các thoả thuận hợp tác với BlackBerry và một công ty con của Foxconn tên FIH Mobile.

BlackBerry đã trải qua không ít thăng trầm, từ thành công tột đỉnh, biến mất khỏi thị trường, rồi được hồi sinh khi công ty Trung Quốc là TCL sản xuất một loạt các mẫu điện thoại với cái tên quen thuộc. TCL rốt cuộc cũng từ bỏ BlackBerry, và ai cũng tưởng lần này Dâu đen sẽ chết thật. Từ hư không, OnwardMobility xuất hiện, thông báo sẽ tung ra một chiếc BlackBerry mới trong nửa đầu năm 2021 tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Sự trỗi dậy của BlackBerry là một câu chuyện đầy tò mò. Đầu tiên, nhãn hiệu này được chào đón nồng nhiệt bởi các doanh nhân, những người muốn truy cập email mọi lúc mọi nơi - BlackBerry đã làm được điều đó từ rất lâu trước khi những chiếc điện thoại thông thường làm được. Nhưng họ còn có một nhóm fan thứ hai: những người trẻ tuổi. Tất cả là nhờ BlackBerry Messenger, một dịch vụ nhắn tin giữa các thiết bị BlackBerry với nhau, cho phép gửi và nhận tin nhắn hoàn toàn miễn phí.

Thế là, thay vì nhắn tin trên các điện thoại thông thường và chịu mất phí, sinh viên và những người dùng trẻ tuổi khác bắt đầu đồng loạt chuyển sang BlackBerry. Một vài fan BlackBerry tự hào khẳng định bàn phím QWERTY vật lý của những thiết bị này giúp họ gõ rất nhanh kể cả khi không cần nhìn - họ có thể gửi tin nhắn với điện thoại đặt dưới gầm bàn trong khi mắt vẫn tập trung nhìn vào giáo viên như chẳng có gì xảy ra.

Rõ ràng, để làm thoả mãn hai nhóm người dùng này trên thị trường là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có những tư duy, chiến lược kinh doanh phức tạp, và có lẽ là quá khó khăn khiến BlackBerry dần đuối sức.

Và vào năm 2007, chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện, thay đổi mọi thứ. BlackBerry không đầu hàng và phát triển một hệ điều hành mới của riêng mình nhằm cạnh tranh với iOS và Android. Đó cũng là lúc họ trượt dốc.

Hệ điều hành mới này có nhiều điểm mạnh, nhưng lại thiếu một lượng lớn ứng dụng so với các đối thủ. Chuyện gì đến cũng phải đến, BlackBerry "nhảy thuyền" sang Android, đồng thời chuyển giấy phép sản xuất thiết bị cho TCL.

Vậy tại sao câu chuyện kể trên lại đáng ngẫm nghĩ? Chẳng phải đã có biết bao nhãn hiệu trỗi dậy và lụn bại trước đây hay sao?

Key2, chiếc BlackBerry cuối cùng từ TCL

OnwardMobility đã xác nhận rằng họ sẽ tập trung vào một khía cạnh vốn gắn liền với BlackBerry từ lâu: bảo mật. Rõ ràng, các khách hàng doanh nghiệp sẽ là trọng tâm trong lần trở lại này. Tuy nhiên, mọi chuyện có lẽ sẽ khó khăn, khi mà hiện nay, khả năng bảo mật của iPhone được xem là vô đối, và các công ty khác cũng có những giải pháp riêng, như Knox trên các điện thoại Android của Samsung. Và nên nhớ, trước khi buông bỏ, TCL cũng tập trung mạnh vào bảo mật.

Vậy thì, có lẽ thiết kế mới là điểm nhấn của chiếc BlackBerry mới. Peter Franklin, CEO của OnwardMobility, nói rằng "Người tiêu dùng đang tìm kiếm một lựa chọn bảo mật hơn khi mua sắm smartphone, và họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền cho một thiết bị thanh nhã được phát triển xoay quanh bảo mật và năng suất ngay từ nền móng".

Ben Wood từ CCS Insight, và có lẽ là người nắm nhiều thông tin nhất trên hành tinh khi nói về điện thoại, nói rằng, "BlackBerry từng sở hữu 3 điểm khác biệt lớn (với các đối thủ): thời lượng pin, bảo mật, và bàn phím QWERTY vật lý. Ngày nay, hầu hết các nhà sản xuất điện thoại Android đều mang lại thời lượng pin như nhau, bảo mật đã được cải thiện đáng kể trên Android và iOS, như vậy chỉ còn bàn phím thôi. Tuy nhiên, ngay cả với thế mạnh đó, BlackBerry sẽ khó mà bán chạy bởi phần lớn người dùng ngày nay đã quen thuộc với việc gõ trên màn hình cảm ứng, và việc phải đánh đổi diện tích màn hình để thêm bàn phím vật lý trong một thế giới mà điện thoại chủ yếu được dùng để tiêu thụ nội dung sẽ là một điểm trừ lớn".

Nhận định đó hoàn toàn đúng, nhưng bàn phím BlackBerry luôn có cái gì đó đặc biệt, nên hãy hi vọng OnwardMobility không can thiệp đến nó quá nhiều. Trên thực tế, có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp từng thề rằng họ có thể gõ nhanh hơn nhiều nếu dùng bàn phím QWERTY vật lý so với việc gõ trên bất kỳ màn hình kính bóng loáng nào.

Tất nhiên, "nhiều" ở đây có lẽ không đủ để giúp BlackBerry cất cánh lần nữa, nhưng ai mà biết được, mọi chuyện sẽ rất thú vị đây!

Trong lần trở lại này, các smartphone BlackBerry sẽ không còn phải lo lắng về vấn đề ứng dụng nữa, bởi chúng vẫn tiếp tục sử dụng Android. Và nếu chúng có thể mang lại những khác biệt đáng kể về bảo mật, thì cơ hội chắc chắn đang rộng mở. Thiết kế sẽ rất quan trọng ("thanh nhã", như cách CEO OnwardMobility miêu tả, là bước đầu đi đúng hướng rồi), và một mức giá hợp lý là một yếu tố quyết định khác. Trên tất cả, OnwardMobility cần đảm bảo bàn phím của những chiếc BlackBerry mới phải tốt như, hoặc tốt hơn, những gì chúng ta từng nhớ!

Minh.T.T (theo Forbes)

Chủ đề khác