VnReview
Hà Nội

Quyết định 15 năm về trước đang khiến Intel 'chết mòn'

Tháng trước, Intel đã công bố báo cáo tài chính quý 2, cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Ngay lập tức, các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu và giá trị vốn hóa của Intel sụt giảm 50 tỷ USD.

Trong khi đó, đối thủ TSMC đạt mức định giá cao hơn 50% so với cùng kỳ nhờ nghiên cứu thành công chip 5nm tiên tiến. Thậm chí hãng còn cho biết sẽ đi vào sản xuất hàng loạt vào năm 2021.

Hầu hết các chuyên gia phân tích trong giới đầu tư đều hạ cấp Intel thành "bán" (không nên đầu tư), nâng TSMC và AMD – hai đối thủ của Intel thành "mua" (nên đầu tư). Lý do họ đưa ra cho việc hạ cấp là vì Intel đã trễ 6 tháng so với kế hoạch cho quá trình chuyển đổi lên tiến trình 7nm.

Có rất nhiều thắc mắc cần được giải đáp đằng sau sự việc này, nhưng câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào để Intel – một công ty dẫn đầu trong nhiều thập kỷ về lĩnh vực sản xuất CPU hiệu suất cao cho PC và máy chủ - mất vị trị dẫn đầu về tay TSMC dễ dàng đến thế? Và liệu việc sản xuất chậm trễ ảnh hưởng ra sao đến tương lai phía trước của Intel?

Để tìm ra lời giải đáp, hãy cùng nhìn lại và xem xem làm thế nào để Intel có được vị trí ngày hôm nay, cũng như cách thức hoạt động trong những năm 80, 90 để biến ngành công nghiệp máy tính trở thành nền tảng tiêu chuẩn cho mọi thị trường ngày nay.

Công cuộc chuyển đổi của Intel từ một công ty kinh doanh chip nhớ vào những năm 1970 đến sản xuất chất bán dẫn trong 10 năm sau đó, và rồi dẫn đầu kỷ nguyên PC không chỉ là một quá trình đơn thuần mà còn là tạo dựng nên tiêu chuẩn. Có thể ví Intel như một nhạc trưởng của một dàn nhạc giao hưởng, là người thiết lập nhịp độ cho cả ngành công nghiệp tuân theo.

Kết quả của việc tái cấu trúc ngành công nghiệp từ mô hình công ty máy tính hoạt động tích hợp theo chiều dọc (vertically integrated computer company - chuỗi cung ứng của công ty thuộc sở hữu của chính công ty đó) sang mô hình ngành công nghiệp ngang (horizontal industry), mà trong đó Intel cung cấp hơn 90% vi xử lý cho ngành công ngiệp, là nền tảng của Định luật Moore.

Theo học thuyết đường cong, chi phí sản xuất của một sản phẩm giảm khi khối lượng sản xuất ngày càng tăng. Và việc cung ứng chip cho toàn ngành công nghiệp máy tính đã giúp Intel có được lợi thế lớn về quy mô so với bất kỳ công ty sản xuất chất bán dẫn nào khác. Đồng thời giúp Intel trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với tỷ suất lợi nhuận cao ngất ngưởng.

Mặt khác, lý thuyết hỗn loạn lại cho rằng một thay đổi nhỏ trong hệ thống cũng có thể gây ra hậu quả lớn cho cả tương lai. Trong trường hợp này của Intel là không được Apple chọn làm nhà cung cấp chip cho iPhone.

Mỗi kỷ nguyên máy tính tiếp sau đều có kích thước lớn hơn gấp 10 lần so kỷ nguyên trước, vì vậy trong khi Intel đang sản xuất hàng trăm triệu bộ vi xử lý mỗi năm thì ngành công nghiệp di động có thể bán được hàng tỷ đơn vị chip.

Quyết định của Apple vào năm 2005 trong việc sử dụng kiến trúc của ARM thay vì Intel đã giúp TSMC được chọn làm nhà sản xuất chip cho iPhone, đồng thời kết hợp với những lợi thế về đường cong học tập (learning curve) mà theo thời gian cho phép công ty Đài Loan vượt xa Intel trong công nghệ sản xuất chip dựa trên tiến trình siêu nhỏ.

Trong khi đó, mô hình tích hợp giúp Intel dẫn đầu nhiều thập kỷ lại trở thành lỗ hổng. TSMC và ARM đã tận dụng thời cơ, tạo ra sự thay đổi lớn mang tính kiến tạo cho cả ngành công nghiệp bán dẫn khi bắt tay với các công ty thiết kế chip như Apple, AMD, Nvidia và Qualcomm.

Những công ty nổi tiếng này dần bắt đầu thiết kế chip vượt trội hơn Intel và đẩy nhanh tốc độ dẫn đầu cho TSMC trong việc sản xuất hàng loạt chip bán dẫn tiên tiến nhất. Samsung, công ty hiện đang vận hành một chuỗi sản xuất riêng, cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.

Sau đó, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng vì sao Intel lại mua 10 tỷ USD cổ phiếu của chính mình vào thời điểm này thay vì tiết kiệm ngân sách. Có lẽ nguyên nhân là do tác động của căng thẳng địa chính trị hiện nay khi mà Mỹ đã mất đi vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Trong khi SMIC, công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc không có cùng quy mô với TSMC và do học huyết đường cong học tập nên sẽ không thể bắt kịp ông lớn Đài Loan hay thậm chí cả Samsung. Thay vào đó, công ty Trung Quốc chỉ sản xuất và đáp ứng cho thị trường nội địa.

Minh Hoàng theo SCMP

Chủ đề khác