VnReview
Hà Nội

Nhìn lại HTC thời còn sở hữu Beats: những dấu ấn nhỏ và mờ nhạt

Thị trường Android đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, và giữa các ngôi sao như Samsung, OnePlus, Xiaomi... chúng ta đôi lúc quên mất cái tên HTC.

Chưa từng tung ra một chiếc điện thoại flagship nào kể từ năm 2018, nhãn hiệu Đài Loan dường như đã "bốc hơi" hoàn toàn trên lĩnh vực smartphone. Nếu có một thiết bị nào mang tên HTC được tung ra, chúng chỉ khiến người ta phải lắc đầu bởi không thể hiện được tham vọng gì đáng kể.

Ấy thế nhưng, vào buổi đầu của thập kỷ trước, HTC từng là một ông lớn lèo lái thị trường trên nhiều khía cạnh. Họ mang lại nhiều mẫu điện thoại với thiết kế mới lạ, đi kèm một giao diện người dùng hấp dẫn và không đụng hàng, trên tất cả, có âm thanh tuyệt vời. Nhưng bạn có biết rằng HTC từng nắm giữ phần lớn cổ phần trong Beats Audio trước khi Apple vào cuộc?

HTC và Beats đã đạt được những gì trong quá trình hợp tác của mình, và tại sao thương vụ này lại nhanh chóng chết yểu?

Thâu tóm Beats

Ngay từ những ngày đầu, HTC đã rất chú trọng chất lượng âm thanh trên smartphone. Trong khi các nhà sản xuất khác hài lòng với chỉ một cụm loa nhỏ đặt ở mặt sau các thiết bị, HTC tạo nên sự khác biệt với chiếc Desire HD vào đầu những năm 2010.

Cụm loa của Desire HD được đặt phía trên màn hình. Cách bố trí này khiến nó khó có thể bị che mất, bất kể bạn cầm điện thoại theo cách nào. Thoạt nghe, đây không hẳn là một quyết định chấn động, nhưng đối với nhiều người, nó đã thay đổi cách họ nhìn nhận về âm thanh trên điện thoại. HTC còn hỗ trợ âm thanh vòm kỹ thuật số và Dolby Mobile Audio, cho phép người dùng có được trải nghiệm thú vị hơn khi đeo headphone. Cả hai đều là những tính năng ấn tượng vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, HTC muốn âm thanh trở thành một phần không thể thiếu trong hình ảnh thương hiệu của mình. "Beats by Dre" có thể giúp họ. Vào cuối những năm 2000, Beats đang làm mưa làm gió trên thị trường với những sản phẩm headphone cao cấp màu sắc sặc sỡ. Những chiến dịch marketing của công ty được thực hiện không ngừng nghỉ. Là nhà sáng lập, Dr. Dre nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nghệ sỹ nổi tiếng và sản phẩm của ông được góp mặt vào khá nhiều video ca nhạc của họ. Điều đó khiến các sản phẩm của Beats trở nên rất hot trong nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi, và tất nhiên HTC không thể không để ý đến xu hướng này.

HTC thâu tóm 50,1% cổ phần trong Beats by Dre vào tháng 8/2010 với giá 300 triệu USD. Thoả thuận này mang lại cho HTC đặc quyền tung ra các smartphone với phần mềm mang nhãn hiệu Beats, thứ mà nhà sản xuất Đài Loan dường như hứng thú nhất. Ngoài ra, HTC cho phép Beats hoạt động khá tự do.

Những chiếc điện thoại HTC - Beats

Chiếc điện thoại đầu tiên có gắn mác Beats là HTC Sensation XE. Ra mắt tháng 10/2011, nó đi kèm với tai nghe Beats trong hộp, cùng với phần mềm Beats Audio hứa hẹn tăng cường trải nghiệm nghe nhạc. Không may là HTC Sensation XE không thể khiến mọi người trầm trồ. Nó là một thiết bị tốt, và việc tích hợp Beats không gây ra bất kỳ rào cản nào ngăn nó thành công, nhưng cũng không giúp ích được gì nhiều.

Các tín đồ âm thanh và người dùng thông thường không mấy ấn tượng với HTC Sensation XE, họ so sánh phần mềm Beats Audio không khác gì một phần mềm equalizer hào nhoáng. Về phía các reviewer, họ nhận định phần mềm này chỉ tăng cường bass, do đó không giúp cải thiện nhiều chất lượng âm thanh khi nghe các thể loại như rock hay classical.

Phần mềm Beats Audio cũng không hoạt động với hầu hết các ứng dụng stream trước khi HTC ra mắt bản cập nhật HTC Sense 4.0, khiến nó trở nên vô dụng trong một quãng thời gian dài đối với những người muốn tận hưởng những giai điệu yêu thích trên Spotify hay Pandora.

Mặc cho sự thờ ơ của người tiêu dùng trước sản phẩm tích hợp Beats, HTC vẫn có một năm 2011 thành công. Không may là mọi thứ bắt đầu chuyển hướng tồi tệ hơn trong năm tiếp đó. Giống như những gì thường xảy ra với các sản phẩm phổ biến, headphone của Beats bị người tiêu dùng chỉ trích nặng nề vì nghĩ rằng chất lượng của chúng không tương xứng với giá trị. Không rõ điều này đã ảnh hưởng đến HTC ra sao, nhưng chắc chắn nó không hề khiến tình hình dễ thở hơn cho công ty.

Chiếc flagship tích hợp Beats tiếp theo mà HTC tung ra thị trường là One X. Có lẽ vẫn còn nhiều người lưu giữ những ký ức đẹp về thiết bị này, nhưng trên thực tế, nó là một bước lùi của HTC xét về nhiều mặt. Nó có nhiều phiên bản khác nhau tuỳ thuộc vào từng thị trường, nhưng phiên bản quốc tế thực sự là nỗi thất vọng.

One X từ bỏ thiết kế kim loại nguyên khối đặc trưng của HTC, chuyển sang dùng chất liệu nhựa polycarbonate. Loa sau của thiết bị khá kém và dễ bị tay che mất. Điểm trừ lớn nhất là chiếc điện thoại này không được bán kèm với tai nghe Beats tại Mỹ, Canada, Úc, và phần lớn châu Âu. Chưa kể những mẫu One X sử dụng SoC Nvidia Tegra 3 còn gặp vấn đề về tiếp nhận sóng Wi-Fi nữa.

Chính vì vậy, không hề ngạc nhiên khi HTC One X mất tích trên thị trường và bị vượt mặt bởi Samsung Galaxy S3 và Apple iPhone 4S. Kết quả là, HTC thua lỗ lớn trong nửa đầu năm 2012.

Khởi nguồn của kết thúc

Thất bại về tài chính nhiều khả năng chính là lý do buộc HTC phải bán 25% cổ phần đang kiểm soát lại cho Beats vào tháng 7/2012. Theo nhà sản xuất Đài Loan, động thái này được thực hiện nhằm giúp Beats "linh hoạt hơn trong việc mở rộng ra toàn cầu", nhưng ai cũng biết HTC muốn thu hồi 150 triệu USD để chống đỡ khủng hoảng. Công ty vẫn giữ đặc quyền đối với những chiếc smartphone tích hợp Beats, và tiếp tục sử dụng nhãn hiệu này trên chiếc flagship tiếp theo.

HTC One M7 và cụm loa kép mặt trước của nó được đón nhận rất nồng nhiệt. Không may là, HTC vẫn đang hồi phục sau một năm thất bát, khi cổ phiếu giảm đến gần 80% so với năm 2011. Apple và Samsung cũng tung ra những chiến lược marketing gay gắt hơn, góp phần đẩy HTC ra rìa thị trường.

Beats nhanh chóng tận dụng cơ hội vào tháng 9/2013, mua lại toàn bộ số cổ phần còn lại mà HTC đang nắm giữ và chấm dứt mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Không lý do nào được tiết lộ, nhưng ai cũng đoán được những khó khăn về tài chính của HTC đóng một phần rất lớn.

Thời kỳ "hậu Beats"

HTC hồi phục phần nào với sự ra mắt One M8, mà cho đến nay vẫn là một trong những chiếc điện thoại tốt nhất của hãng. Được công bố vào tháng 3/2014, nó không có Beats Audio, nhưng chất lượng âm thanh lại không có đối thủ. Nó tận dụng phần mềm BoomSound của chính HTC, vốn được nhiều reviewer khen ngợi. Âm thanh của One M8 sắc sảo và trong trẻo, không chiếc smartphone nào trên thị trường có thể so đọ được.

Trong khi đó, Beats tiếp tục bay cao. Tháng 5/2014, chỉ vài tuần sau khi One M8 ra mắt, Apple công bố sẽ thâu tóm Beats với giá 3 tỷ USD.

HTC tiếp tục những nỗ lực liên quan âm thanh với M9 và HTC 10. Chiếc HTC 10 được tích hợp DAC chuyên biệt và âm thanh Hi-Fi, nhưng có lẽ nó cũng là lần vươn vai cuối cùng của nhà sản xuất Đài Loan. Những chiếc điện thoại sau này ít tập trung hơn vào âm thanh, một số thậm chí còn loại bỏ jack headphone!

Các nhà sản xuất khác nhanh chóng nhảy vào thị trường nhỏ bé mà HTC đã tạo ra. Google theo chân HTC, tích hợp cụm loa stereo mặt trước vào các điện thoại Pixel của mình. Tuy nhiên, truyền nhân thực sự ngày nay của HTC, nhãn hiệu smartphone đúng nghĩa dành cho các tín đồ âm thanh, là LG. Các điện thoại của nhà sản xuất Hàn Quốc với jack headphone, cùng với cụm loa kép và một quad DAC, được công nhận rộng rãi là lựa chọn tốt nhất dành cho các khách hàng đề cao chất lượng âm thanh hơn bất kỳ thứ gì khác.

Beats đã có một vai trò nhỏ, nhưng quan trọng, trong lịch sử của HTC. Câu chuyện về cú bắt tay giữa HTC với Beats là minh chứng cho việc chỉ dựa vào thương hiệu thôi là chưa đủ để đi đến thành công trên thị trường smartphone.

Minh.T.T (theo AndroidAuthority)

Chủ đề khác