VnReview
Hà Nội

Apple né thuế ở hải ngoại như thế nào?

Apple chỉ phải trả chưa đến 2% thuế trên tổng số lợi nhuận ở nước ngoài vào năm ngoái, tính cả hoạt động ở Anh Quốc.

Gã khổng lồ công nghệ với giá trị thị trường 623,52 tỷ USD đã sử dụng các kế hoạch tránh thuế phức tạp để hạ số tiền thuế cuối cùng xuống chỉ còn 1.9%. Theo Daily Mail, các nhà phân tích ước tính Apple đã né hơn 550 triệu bảng (khoảng 879 triệu USD) tiền thuế ở Anh Quốc trong năm 2011 vừa qua.

So với mức thuế suất doanh nghiệp cơ bản ở Anh là 24%, thuế suất 1.9% Apple trả là qúa khiêm tốn. Trong khi hàng triệu người dân Anh đang gặp khó khăn vì cắt giảm việc làm, đóng băng tiền lương và các biện pháp thắt lưng buộc bụng để cắt giảm chi tiêu công thì hành động gian lận thuế để tăng lợi nhuận của Apple có thể gây phẫn nộ.

Apple

Theo những tài liệu đệ trình lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, mức thuế suất của Apple đã giảm từ 2.5% trong năm 2010 xuống còn 1.9% trong năm vừa qua.

Apple đã trả 445 triệu bảng thuế thu nhập doanh nghiệp bên ngoài nước Mỹ mặc dù lợi nhuận trước thuế ở nước ngoài tăng hơn 50% lên tới 23 tỉ bảng.

Apple cũng đã bán được 125 triệu iPhone, 58 triệu iPad và 13,5 triệu MacBook laptop trên toàn thế giới.

Thông tin được tiết lộ mới đây nhất là Apple phải xấu hổ về những vụ việc liên quan tới thuế, dù đúng về mặt pháp luật nhưng rất đáng ngờ về đạo đức. Theo báo New York Times, một trong những phương thức tránh thuế hàng đầu của Apple tại Mỹ là lập công ty con tên là Braeburn Capital – được đặt tên theo Braeburn apple ở Reno, Nevada nơi mà không đánh thuế doanh nghiệp. Đây là phương thức đầu tư và điều khiển lượng tiền của công ty dẫu rằng trong các tòa nhà vô danh này chỉ có một vài thiết bị đầu cuối.

Apple đã thực hiện phương thức này thay vì trả thuế ở trụ sở chính tại California và nhân viên của Apple được lợi từ dịch vụ công cộng được trả bởi những người nộp thuế khác. Một tiểu xảo khác được gọi là "Bánh sandwich Hà Lan kẹp nhân đôi Ai Len" thành công đến mức mà được hàng trăm công ty hàng đầu áp dụng, đó là gửi lợi nhuận vào các công ty con ở Ai Len, chuyển qua Hà Lan và cuối cùng là đến vùng biển Ca ri bê.

Ở Luxembourg, một công ty con của Apple là iTunes S.à r.l xử lí 20% doanh thu iTunes trên toàn thế giới trong khi chỉ có vài chục nhân viên làm việc. Bristish Virgin Islands, thiên đường thuế cũng là điểm đến được lựa chọn cho Apple gửi tiền.

Theo ông Richard Murphy của cơ quan nghiên cứu thuế nước Anh, số tiền người dân Anh không được nhận từ những kế hoạch trốn thuế của tất cả các công ty lên đến 120 tỉ bảng/ năm, tức là 25 tỉ bảng do trốn thuế hợp pháp, 70 tỉ bảng do gian lận và 25 tỉ bảng do chậm nộp thuế.

Starbucks cũng mới gần đây bị phanh phui ra là không trả một đồng thuế nào ở Anh trong ba năm vừa rồi trong khi trị giá của hãng lên đến 25 tỉ bảng trên toàn cầu.

Các ông chủ cùng lãnh đạo của các công ty như Google và Amazon có thể sẽ bị kéo ra phiên điều trần về những phương thức nộp thuế đáng nghi ngờ trước Ủy Ban Tài khoản Công.

John O'Connel, Giám đốc Nghiên cứu của Liên minh Người nộp thuế cho biết những người nộp thuế sẽ tự hỏi lí do "tại sao những công ty lớn có thể làm giảm các hóa đơn thuế trong khi họ phải trả theo thuế suất đầy đủ. Lí do là hệ thống thuế của chúng ta quá phức tạp và các công ty lớn có đủ khả năng thuê nhiều kế toán để tìm kẽ hở. Chúng ta cần cải cách thuế bán buôn và càng chần chừ bao lâu thì chúng ta lại càng chứng kiến nhiều trường hợp như Apple".

Apple chưa đưa ra lời bình luận gì về vấn đề này.

Lan Phương

Chủ đề khác