VnReview
Hà Nội

Giá điện thoại Huawei tăng từ 15 USD-300 USD vì lệnh cấm của Mỹ

Được biết đến như là khu chợ điện tử lớn nhất thế giới, Hoa Cường Bắc – tọa lạc tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc – ;chuyên bày bán các thiết bị di động đến từ nhiều thương hiệu Apple, Huawei, Xiaomi và Oppo với mức giá phải chăng.

 

Để có được điều này, các nhà cung cấp bên thứ ba thường thông qua đại lý và bán sản phẩm mới với giá rẻ hơn vài chục nhân dân tệ so với giá niêm yết tại các chuỗi cửa hàng phân phối chính thức.

Theo đó, việc bán sản phẩm mới với giá thấp hơn giá bán lẻ đề nghị là để thu hút người dùng. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đe dọa đến nguồn cung ứng chip của Huawei đã phần nào làm giảm biên lợi nhuận mà các cửa hàng kinh doanh ở chợ có được.

Một vị chủ cửa hàng cho biết giá của mỗi smartphone Huawei đã tăng từ 15 - 300 USD tùy theo mẫu do nguồn cung không dồi dào như trước. Giờ đây, giá bán của các thiết bị Huawei tại chợ công nghệ không chênh lệch nhiều so với giá chính thức từ công ty.

Được biết, tờ The Post đã phỏng vấn bốn đại lý kinh doanh điện thoại ở chợ Hoa Cường Bắc. Tất cả đều cho rằng giá của smartphone Huawei đang tăng lên từng ngày. "Lý do rất đơn giản – Huawei không thể mua chip trang bị cho smartphone nên nguồn cung của họ ngày một bị hạn chế", nhà phân phối Lu Jinwei cho biết.  

Trong khi đó, một nhân viên làm việc tại cửa hàng Huawei nói rằng giá bán lẻ của hãng dường như không thay đổi và anh chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc tăng giá bán smartphone.

Khu chợ điện tử Hoa Cường Bắc tại Thâm Quyến, Trung Quốc

Có thể thấy, Huawei là một trong những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhà Trắng đã ngăn không cho Huawei tiếp cận và sử dụng công nghệ Mỹ vào tháng trước, một động thái được xem như "bản án tử" đối với gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến.

Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng Richard Yu Chengdong của Huawei cũng thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn thất lớn cho công ty và có thể khiến họ không thể bán smartphone trang bị chipset Kirin cao cấp ra mắt sau năm 2020.

Tuy nhiên, tại một sự kiện chào đón nhân viên mới, CEO Huawei Guo Ping đã vẽ nên một bức tranh tương đối lạc quan về tương lai của công ty. Ông cho biết: "Hiện công ty vẫn đang hoạt động ổn. Vấn đề chỉ là làm thế nào khi đối mặt với những hạn chế sử dụng linh kiện tiên tiến, chúng ta có thể vượt qua và phát triển công nghệ tự chủ lâu dài như một chuỗi cung ứng ổn định và đáng tin cậy".

"Những hạn chế về chip Kirin sẽ gây nên một số khó khăn nhất định, đặc biệt và đối với dòng điện thoại cao cấp. Nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết chúng", Guo cho biết thêm.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Huawei vẫn sẽ đầu tư vào công ty thiết kế chip bán dẫn HiSilicon của riêng minh, đồng thời hỗ trợ các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để giúp Huawei tạo dựng "thế lực".

Gou nói rằng với cương vị là một công ty trị giá hàng tỷ đô la, Huawei không thể mắc sai lầm trong chiến thuật phát triển. "Mỹ không thể đánh bại Huawei mà chỉ có Huawei mới có thể đánh bại chính mình... Nếu những vấn đề này không được xử lý tốt, Huawei sẽ thất bại và chết".

Thái Âu theo SCMP

Chủ đề khác