VnReview
Hà Nội

SMIC mất trắng 23% giá trị vốn hóa ngay sau khi Mỹ bắn tin dọa ra lệnh cấm

Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC đã giảm gần 23% trong phiên giao dịch hôm 7/9 tại Hồng Kông, sau khi hay tin SMIC có thể trở thành "nạn nhân" tiếp theo của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan ban ngành đang cân nhắc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với SMIC. Nhiều khả năng, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc sẽ bị liệt vào danh sách các công ty mà Mỹ xem rằng có nguy cơ xâm hại lợi ích quốc gia. ; 

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, chính phủ đang giám sát chặt chẽ mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc để đưa ra biện pháp phù hợp. Sự lao dốc của giá cổ phiếu đã khiến SMIC thiệt hại 31 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 4 tỷ USD) giá trị vốn hóa thị trường.

Theo đó, cổ phiếu của SMIC vào hôm thứ Hai đã giảm mạnh gần 23% trên sàn giao dịch Hồng Kông và hơn 11% trên sàn giao dịch Thương Hải. Trong khi nhìn chung, cổ phiếu tại Hồng Kông của SMIC vẫn tăng hơn 50% trong năm, lớn hơn nhiều so với mức tăng chỉ 1,6% của Samsung tại Seoul, Hàn Quốc hay mức giảm 0,7% của TSMC ở Đài Loan.

Khi được hỏi, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận. Trong khi SMIC "hoàn toàn bị sốc" khi biết tin. Thông qua một tuyên bố được gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, SMIC cho biết công ty "sản xuất chất bán dẫn và cung cấp dịch vụ công nghệ với mục đích phục vụ cho người dùng dân sự và kinh doanh thương mại. Chúng tôi không có bất cứ quan hệ gì với quân đội Trung Quốc".

SMIC nói thêm rằng họ sẵn sàng đàm phán minh bạch với cơ quan chính phủ Mỹ với hy vọng có thể giải quyết những hiểu lầm uẩn khúc. Các biện pháp trừng phạt lên SMIC sẽ được coi là động thái mới nhất trong cuộc chiến không hồi kết giữa Washington và Bắc Kinh về việc ai là người nắm quyền kiểm soát công nghệ trong tương lai.

Trước SMIC, chính phủ Mỹ từng đe dọa cấm các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc như TikTok (ByteDance) và WeChat (Tencent), hoạt động ở xứ Cờ Hoa. Chưa hết, vào tháng 5/2020, Mỹ còn hạn chế khả năng hợp tác giữa bộ phận thiết kế chip của Huawei, HiSilicon với nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC và nhiều công ty cung cấp khác.

Đa phần các công ty chất bán dẫn lớn, bao gồm TSMC và cả SMIC đều dựa vào máy móc và công nghệ của Mỹ để sản xuất. Bắc Kinh sau đó đã đưa ra những biện pháp đẩy lùi hạn chế, đồng thời tố Mỹ là "kẻ bắt nạt" khi đang lạm dụng quyền lực quốc gia.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt lên SMIC sẽ làm tổn hại đến tham vọng sản xuất xuất chip của Trung Quốc. Hiện quốc gia tỷ dân đang muốn xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, hiện đại nhưng điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận địa công nghệ tại Eurasia Group, cho biết Trung Quốc đã dành hơn 200 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp chipset nước này, giúp nó phát triển nhanh và vượt bậc hơn. Song đến nay, kết quả cho ra không mấy khả quan khi SMIC "vẫn đi sau các ông lớn trong ngành như Intel, Samsung và TSMC từ 3 – 5 năm".

Không riêng gì Trung Quốc, chính Mỹ cũng sẽ gặp tổn thất từ lệnh hạn chế đối với các công ty. Việc trừng phạt SMIC có thể làm giảm doanh thu của các công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ - vốn xem Trung Quốc là đối tác trọng điểm. Từ đó, họ phải tự bỏ nguồn vốn sẵn có để tái đầu tư vào mảng nghiên cứu và phát triển, xây dựng các thế hệ chip bán dẫn kế tiếp và thiết bị sản xuất liên quan.

Vào tháng 7, SMIC đã huy động vốn được gần 7 tỷ USD trong đợt niêm yết thứ hai trên sàn giao dịch Thượng Hải. Giá cổ phiếu của công ty nhờ đó tăng lên 200% trong lần đầu tiên ra mắt tại đây, cho thấy sự háo hức của các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào ông lớn hàng đầu của đất nước.

Minh Hoàng theo CNN

Chủ đề khác