VnReview
Hà Nội

Nvidia chính thức mua lại ARM với giá 40 tỷ USD

Nhà sản xuất chip Nvidia đã đồng ý mua lại ARM Holding, công ty chuyên thiết kế chip cho điện thoại di động từ tay SoftBank với giá 40 tỷ USD.

Thỏa thuận bao gồm 21,5 tỷ USD được quy đổi thành cổ phiếu của Nvidia và 12 tỷ USD hiện kim, trong đó có 2 tỷ USD được thanh toán ngay sau khi ký kết giao dịch. Vào năm 2016, SoftBank đã mua lại ARM với giá 31,4 tỷ USD. Đây được xem là một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành công nghệ.

ARM nổi tiếng với tư cách là nhà thiết kế kiến trúc cho vi xử lý di động. Theo đó, các smartphone Android hiện nay chạy vi xử lý của Qualcomm, hay thậm chí iPhone cũng đều dùng chip được sản xuất dựa trên kiến trúc của ARM. Không những thế, Apple đang có kế hoạch tự thiết kế bộ vi xử lý dựa trên kiến trúc của ARM cho máy tính Mac thay vì dùng chip Intel. Qua đó phần nào thấy được những lợi ích và tầm quan trọng mà ARM mang lại cho ngành công nghiệp di động.

Sự kết hợp giữa nền tảng điện toán AI của Nvidia cùng hệ sinh thái của ARM có thể giúp công ty sản xuất chip máy tính dẫn đầu thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như thúc đẩy sự đổi mới ở các thị trường tiềm năng. Trong khi đó, SoftBank vẫn sẽ duy trì cam kết đối với thành công lâu dài của ARM thông qua việc sở hữu 10% cổ phần của Nvidia.

Ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia cho biết: "AI sẽ là lực lượng công nghệ nòng cốt trong tương lai. Hàng tỉ thiết bị AI sẽ cùng nhau tạo ra những mạng lưới Internet of Things (IoT – vạn vật kế nối) lớn hơn gấp nghìn lần so với hiện nay. Sự kết hợp của Nvidia và ARM sẽ giúp cho công ty có một chỗ đứng vững chắc trong kỷ nguyên AI mới".

Jensen Huang, CEO của Nvidia

Và dường như SoftBank cũng từng có chung ý tưởng với Nvidia khi mua lại ARM như một khoản đầu tư vào IoT, giúp kết nối không dây mọi vật dụng hàng ngày như tủ lạnh, ô tô và nhiều thiết bị khác - tất cả đều khiến cuộc sống trở nên tiện nghi hơn.

Vào thời điểm đó, Chủ tịch SoftBank Masayoshi Son bày tỏ sự phấn khích khi cho biết: "Đây là công ty mà tôi luôn ngưỡng mộ trong suốt 10 năm qua... Đây là công ty tôi mong muốn trở thành một phần của SoftBank. Tôi thực sự rất hạnh phúc".

Tuy nhiên, tiềm lực tài chính của SoftBank đã xấu đi trong thời gian gần đây do công ty làm ăn thua lỗ và đầu tư vào các doanh nghiệp không mang lại lợi nhuận như WeWork hay Uber. Cổ phiếu của SoftBank vì thế mà liên tục mất giá, cũng như có thông tin cho rằng họ đã mua một lượng lớn cổ phần của các gã khổng lồ công nghệ mà có giá trị thị trường sụt giảm.

Không rõ SoftBank thực sự kiếm được bao nhiêu tiền từ thương vụ chuyển nhượng lần này khi mà công ty đã đầu tư rất nhiều vào ARM kể từ khi mua lại. Hiện SoftBank cũng đang huy động nguồn lực để giúp đỡ các công ty khởi nghiệp mà họ đã đầu tư vượt qua đại dịch Covid-19 và hồi phục từ những đợt ngừng hoạt động. Đầu mùa hè này, SoftBank thông báo sẽ bán tới 21 tỷ USD cổ phần của nhà mạng T-Mobile.;

Dự kiến thương vụ chuyển nhượng ARM sẽ hoàn tất sau 18 tháng vì Nvidia và Softbank sẽ phải hoàn thành thủ tục và đợi sự cho phép từ cơ quan thẩm quyền của nhiều nước như Anh, Mỹ, Trung Quốc, EU…

Minh Hoàng theo CNBC

Chủ đề khác