VnReview
Hà Nội

Trung Quốc và Anh có thể phản đối thương vụ mua lại ARM của Nvidia

Các cơ quan của Anh và Trung Quốc có thể không cho phép Nvidia mua lại ARM. Ngoài ra, nhiều công ty trong ngành bán dẫn cũng bày tỏ lo ngại về sự độc quyền.

Trung Quốc rất lo ngại thương vụ của Nvidia

Theo Business Korea, các nhà chức trách Trung Quốc và Anh sẽ có chung xu hướng phủ quyết thương vụ của Nvidia. "Năm 2016, Qualcomm cố gắng thâu tóm hãng bán dẫn NXP với giá 47 tỷ USD nhưng đã thất bại, do Trung Quốc từ chối thông qua thương vụ", nhà phân tích tại Eugene Investment & Securities cho biết.

Theo quan điểm cá nhân ông, do lợi ích giữa các quốc gia với các doanh nghiệp chồng chéo nhau một cách phức tạp, liên quan tới môi trường tự do của ngành bán dẫn, rất khó để một thương vụ lên đến 47 tỷ USD có thể thực hiện trót lọt. Thực tế, sau khi Qualcomm thông báo có ý mua lại NXP của Hà Lan vào cuối năm 2016, thì khoảng một năm sau lại đến lượt hãng bán dẫn Boardcom của Singapore muốn thâu tóm Qualcomm.

Liệu Nvidia có thể mua được ARM như mong muốn (ảnh: Reuters)

Trị giá thương vụ được cho là lên tới 117 tỷ USD, nhưng sau đó cũng đổ bể vì bị Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ (CFIUS) chặn lại. Với những sự kiện lịch sử như vậy, ngành bán dẫn tin rằng Nvidia sẽ vấp phải nhiều sự phản đối từ chính phủ và cơ quan các nước. Giả sử ARM trở thành công ty con thuộc Nvidia, họ sẽ nằm trong nhóm các hãng chịu kiểm soát của chính phủ Mỹ.

Nước Mỹ hiện đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc, điển hình là các hãng ZTE, Huawei, Dahua, Hikvision,... phải chịu cấm vận. Vậy nên Trung Quốc càng có động cơ để ngăn chặn ARM về dưới trướng Nvidia vốn là một công ty Mỹ. Trong trường hợp không thể, các công ty Trung Quốc có thể phải cắt đứt liên hệ làm ăn với ARM.

Các chuyên gia tin rằng ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ tránh sử dụng công nghệ của ARM, một khi nó bị kiểm soát bởi một công ty Mỹ. Họ chuyển dịch sang công nghệ mã nguồn mở như RISC-V như giải pháp thay thế để thiết kế chip. Một nhà phân tích trong ngành nói nếu giải pháp được triển khai, khó khăn sẽ nằm ở trình độ công nghệ của Trung Quốc. Ngay cả công ty HiSilicon của Huawei cũng phải dựa vào thiết kế ARM mới tạo ra được dòng chip Kirin và nhiều sản phẩm khác.

Chip di động của Apple, MediaTek, Qualcomm, Samsung, Huawei đều phụ thuộc vào công nghệ nền tảng ARM (ảnh: ARM)

Chính phủ Anh tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ

Nvidia sẽ phải đối mặt với rất nhiêu câu hỏi từ chính phủ các nước. Theo thông cáo báo chí gửi đi, hãng cho biết sẽ cần khoảng 18 tháng để hoàn tất vụ thâu tóm này. Ngoài Trung Quốc, công ty cũng phải xin được cái gật đầu của Anh, nơi ARM đặt trụ sở chính, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ. Đây sẽ là một chặng đường rất gian nan.

Nếu như Trung Quốc ở trên có lý do chính đáng để ngăn chặn vụ mua bán này, nước Anh thì có gì đặc biệt? Korea Times dẫn lời một nhà phân tích cho biết: "Không dễ để chính phủ Anh thông qua bởi họ còn phải cân nhắc kỹ quan hệ với nước Mỹ". Mặc dù Anh và Mỹ là đồng minh trên một số phương diện, nhưng không có nghĩa một doanh nghiệp Mỹ có thể dễ dàng mua lại bất kỳ công ty nào của nước đồng minh.

Ví dụ công ty Mỹ Applied Materials là hãng dẫn đầu thị trường trang thiết bị bán dẫn, từng có ý mua lại Tokyo Electron của Nhật Bản để củng cố vị thế. Tokyo Electron là hãng trang thiết bị bán dẫn đứng thứ ba thế giới và lớn nhất nước Nhật, vì những mối lo ngại đặc biệt mà thương vụ sau đó cũng bị hủy bỏ. Thực tế, Nhật Bản là một đồng minh thân cận với Mỹ.

CEO SoftBank Masayoshi Son (trái) và CEO Nvidia Jensen Huang (phải) đều chú ý đến ARM (ảnh: Nikkei)

Vì sao ARM lại được chú ý đến vậy?

Công ty ARM có trụ sở tại Camridge, Anh quốc, cung cấp các thiết kế bán dẫn cơ bản cho hơn 90% thiết bị đi động và Internet of Things toàn cầu. Khách hàng của họ là hầu như tất cả các hãng thiết kế chip như Apple, Samsung, HiSilicon (Huawei), MediaTek,... Tính riêng năm 2019, khoảng 22 tỷ con chip di động dựa trên công nghệ ARM đã được xuất xưởng.

Bên cạnh đó, ARM cũng đang xây dựng chỗ đứng tại thị trường máy chủ và trung tâm dữ liệu. Những CPU máy chủ dựa trên ARM chiếm dưới 2% thị trường, còn lại là chip x86 của Intel (95%). Một khi ARM có thể kết hợp CPU của mình với công nghệ đồ họa đến từ GPU Nvidia, một mối đe dọa thực sự sẽ xuất hiện với Intel.

Tại sao SoftBank lại có thể mua được ARM?

Sở dĩ năm 2016, SoftBank có thể hoàn tất thương vụ mua lại ARM là do họ không phải một hãng bán dẫn. Tập đoàn Nhật Bản không tham gia cạnh tranh với bất kỳ khách hàng nào của ARM. Nói cách khác, dưới trướng SoftBank thì công ty Anh vẫn duy trì sự trung lập. Nhưng với Nvidia, rõ ràng họ là hãng GPU lớn nhất thế giới và có trình độ cao về điện toán trí tuệ nhân tạo.

Sở dĩ SoftBank thâu tóm thành công ARM bởi họ không đe dọa đến lợi ích của ai (ảnh: Reuters)

Sự kết hợp của một hãng như vậy với ARM rõ ràng khiến các khách hàng đang được cấp phép công nghệ không hài lòng. Nói với tờ Nikkei, Jonah Cheng từng là một nhà phân tích bán dẫn tại UBS cho biết: "Rất nhiều khách hàng của ARM không tin tưởng Nvidia". Công ty Mỹ sẽ có quyền truy cập vào những thông tin nhạy cảm tuyệt mật như số lô hàng, mức giá,... của tất cả hợp đồng cấp phép.

Quá nhiều rủi ro

Liệu Qualcomm hay MediaTek có thể an tâm khi ARM về dưới trướng Nvidia? Ngay cả khi CEO Simon Segars cam kết họ vẫn duy trì độc lập kinh doanh cấp phép sở hữu trí tuệ, còn CEO Nvidia hứa hẹn sẽ không can thiệp mà để mô hình ở trạng thái mở, duy trì tính trung lập vốn có, đây vẫn là một thương vụ quá nguy hiểm.

Rất có thể vụ mua bán giữa SoftBank và Nvidia sẽ bị chặn đứng (ảnh: AFP)

Arisa Liu, một nhà phân tích kỳ cựu trong ngành chip của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cũng nêu rõ rủi ro địa chính trị xoay quanh vụ thâu tóm. "Nếu Nvidia kiểm soát ARM, nước Mỹ sẽ nắm cửa trên ngành chip và dùng nó mặc cả trong cuộc chiến công nghệ tương lai" - Liu nói.

Điều này sẽ cho họ quyền định đoạt số phận bất kỳ công ty Trung Quốc nào, bằng cách chặn truy cập những tài sản trí tuệ quan trọng thiết yếu. Vậy nên, thương vụ của Nvidia có thể sẽ thất bại vào phút chót.

Ambitious Man

Chủ đề khác